Quê nhà nghẹn lòng đón Đại tá Khải

Trước giờ đón thi hài anh Trần Quang Khải về quê nhà, rất đông người thân, hàng xóm cùng nhiều đồng đội đã tới để thăm hỏi, động viên gia đình, đồng thời chuẩn bị tang lễ cho anh. Bà Yến (53 tuổi) là hàng xóm với gia đình nhiều năm, cũng là người chứng kiến anh Khải lớn lên từ thuở nhỏ, lặng người chia sẻ: “Mỗi khi nghĩ tới chú ấy là trong lòng đau thắt, có điều gì đó khó tả không nói được thành lời. Mất đi chú Khải là mất đi một người con ưu tú của quê nhà và của cả đất nước”.

Anh về với đất mẹ

Đúng 15 giờ 45 chiều 20-6, thi hài Đại tá Trần Quang Khải được đưa về gia đình tại thôn Tân Văn 2, xã Tân Dĩnh (huyện Lạng Giang, Bắc Giang) trong sự thương xót vô bờ bến của gia đình, hàng xóm...

Ngay khi xe tang dừng bánh, linh cữu Đại tá Khải được trang trọng chuyển ra, đưa vào ngôi nhà quen thuộc, nơi anh đã sinh ra và lớn lên. Tiếng khóc trước đó bị kìm nén nay bỗng vỡ òa, nước mắt chảy dài trên từng gương mặt đến tiễn đưa anh.

Căn nhà nhỏ của gia đình Đại tá Khải nơi con phố Giỏ, xã Tân Dĩnh, huyện Bắc Giang dường như không đủ sức chứa đến hàng trăm con người. Trong đó, không chỉ có người thân, họ hàng của anh mà còn có cả hàng xóm, nhiều người khác ở xa gần cũng đến gửi lời chào tiễn biệt. Ai cũng mong muốn được gặp anh lần cuối, được ở bên anh thêm một chút thời gian.

Giữa tiếng nhạc Hồn tử sĩ, nhiều tiếng nấc lại bật lên...

Người thân òa khóc khi nhìn thấy linh cữu của Đại tá phi công Trần Quang Khải,  một người cả cuộc đời gắn bó với bầu trời và những chiếc chiến đấu cơ. Ảnh: PH

Tấm gương cho lớp trẻ

Gia đình Đại tá Khải có 11 chị em, anh Khải là người con thứ 10. Cha ruột anh Khải vốn là một đảng viên về hưu, năm nay ông bước sang tuổi 90. Từ khi nghe tin anh Khải không còn nữa, cụ đau buồn, sức khỏe suy sụp.

“Cũng may là có các bác sĩ chăm sóc, ông mới dần bình phục phần nào. Trước giờ đón thi hài chú ấy về, ông ra cổng chờ con, chốc chốc lại đưa tay lau nước mắt” - bà Yến, hàng xóm gia đình anh Khải, nghẹn lời.

Trong hồi ức của bà Yến, tuổi thơ của anh Khải là cậu bé vừa hiền lành vừa học giỏi. “Lớn lên chú ấy theo nghiệp nhà binh, phải đi xa thường xuyên. Rồi vì nhiệm vụ, mải mê với công việc mà vài năm trước chú ấy mới lập gia đình, nghĩ mà tội cho chú ấy, con gái tuổi còn nhỏ, vậy mà…” - nói đến đây bà Yến im lặng, bỏ lửng câu chuyện.

Với thế hệ trẻ, phi công Khải là một người anh mẫu mực. Anh Nguyễn Duy Phương (26 tuổi) là bạn học cùng cháu ruột của Đại tá Khải chia sẻ: “Chú ấy là một người mẫu mực, là người đáng để lớp trẻ chúng em hôm nay học tập và noi theo”.

Cũng theo anh Phương, từ khi nghe tin anh Khải mất, bạn bè của anh đã cùng nhau sang nhà để phụ giúp những việc cần thiết. “Đó là tình cảm dân làng nơi đây. Hôm nay biết tin chú ấy về, em xin nghỉ làm để phụ giúp gia đình lo lễ tang cho chú ấy” - anh Phương nói.

Cảm phục cách anh đã sống

Tại lễ tang, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đào Văn Dự, Bí thư Đảng ủy UBND xã Tân Dĩnh, cho biết: Nghe tin anh Khải hy sinh, chính quyền xã tới động viên thăm hỏi gia đình, đồng thời cử người có mặt tại nhà anh phụ giúp công tác chuẩn bị cũng như tiếp khách. Theo dự kiến, phần mộ của Đại tá Khải sẽ được đặt ở nghĩa trang liệt sĩ của địa phương.

Trước đó, trong sáng 20-6, lễ truy điệu Đại tá Khải cũng đã được tổ chức tại Nhà tang lễ BV Quân khu 4 (TP Vinh, Nghệ An). Vợ, con và hơn 50 người thân của anh Khải đã vào dự.

Trung tướng Nguyễn Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy quân chủng Phòng không - Không quân, Trưởng ban lễ tang, đọc bản điếu văn trong không khí trang nghiêm và đau xót của tất cả những người có mặt. 

Anh Khải đã gắn bó với nghiệp binh từ năm 1991 khi mới tròn 18 tuổi. Gần như cả cuộc đời anh đã gắn bó với bầu trời và những chiếc chiến đấu cơ. Rất nhiều người dân Nghệ An dù không quen biết anh nhưng đã đến để đưa tiễn người anh hùng trong lòng họ. Nước mắt đã rơi trên gương mặt những con người bình dị vì tấm lòng yêu mến, cảm phục cách anh đã sống...

Vẫn đang tìm kiếm Casa 212 cùng thành viên tổ bay

Ngày 20-6, ông Đỗ Đức Hòa, Bí thư huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), cho biết hiện chưa có thông tin gì mới từ khu vực tìm kiếm máy bay Casa 212 cùng chín thành viên trong tổ lái gặp nạn. Hằng ngày, huyện đều tổ chức họp giao ban gồm nhiều lực lượng như biên phòng, cảnh sát biển, ban chỉ huy quân sự huyện... để nắm bắt tình hình, đồng thời quán triệt công tác chuẩn bị, sẵn sàng 24/24 giờ thực hiện nhiệm vụ.

Chiều 20-6, Sở chỉ huy tiền phương (đặt tại thị xã Cửa Lò, Nghệ An) tiếp tục chỉ đạo lực lượng chức năng khoanh vùng tìm kiếm để trục vớt chiếc Su-30MK2 trên vùng biển Nghệ An.

Khu vực tìm kiếm được khoanh vùng nơi đã từng phát hiện vết dầu loang, nơi tìm thấy hai phi công là Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường và Đại tá Trần Quang Khải. Khu vực biển này có độ sâu chừng 20-30 m, cách đảo Mắt (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) hơn 30 km.

T.PHAN - Đ.LAM

Lễ viếng anh Khải được tổ chức từ 18 giờ ngày 20-6 đến 7 giờ 30 ngày 21-6. 8 giờ cùng ngày thi hài anh sẽ được hỏa táng tại Đài hóa thân hoàn vũ (Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội).

Lễ an táng anh Khải vào lúc 17 giờ ngày 21-6 tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Tân Dĩnh, Lạng Giang, Bắc Giang.

Trao quyết định đặc cách viên chức cho vợ Đại tá Khải

Chiều 20-6, đoàn công tác của TP Hà Nội về quê nhà Đại tá Trần Quang Khải phúng viếng anh. Đoàn cũng đã công bố quyết định tuyển dụng đặc cách vào viên chức đối với chị Trần Thị Hà - vợ Đại tá Khải. Chị Hà trở thành giáo viên tại Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) từ ngày 19-6.

Trước đó, sau khi biết thông tin Đại tá Khải hy sinh, qua nắm tình hình, được biết chị Hà có trình độ chuyên môn là thạc sĩ sinh học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội I, hiện là giáo viên hợp đồng tại Trường THPT Chu Văn An, chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ra quyết định trên.

TRỌNG PHÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới