Các anh, các chị, các cháu hãy nén đau thương vươn lên khỏi sự mất mát. Vĩnh biệt các đồng chí, những người ở lại sẽ tiếp tục phấn đấu vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, cùng nhau vươn lên xây dựng đất nước, vùng trời Tổ quốc...”.
Sáng 30-6, Trưởng ban lễ tang, Trung tướng Nguyễn Văn Thanh, Chính ủy Quân chủng Phòng không Không quân, đọc điếu văn, bày tỏ sự thương tiếc vô hạn với chín quân nhân trên máy bay CASA 212 đã hy sinh khi làm nhiệm vụ.
Dưới cơn mưa, hàng ngàn người dân thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận cũng đã lặng lẽ xếp hàng nhiều giờ để được vào viếng các anh. Những giọt nước mắt không ngừng rơi trên từng khuôn mặt…
Đồng đội, thân nhân và người dân đau buồn tiễn đưa chín quân nhân về với đất mẹ. Ảnh: ZING
Trước đó, từ sáng sớm, mọi người đã đến Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng tham gia lễ viếng chín quân nhân hy sinh. Hàng trăm thanh niên tình nguyện, cảnh sát trật tự, bộ đội phòng không có mặt ngoài nhà tang lễ để đảm bảo an ninh, hướng dẫn người đến viếng.
Đúng 7 giờ, tiếng nhạc Hồn tử sĩ vang lên tiễn biệt...
Đoàn Quân ủy Trung ương dẫn đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Bộ trưởng Quốc phòng - Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã vào viếng. Tiếp nối là đoàn của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; đoàn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nối dòng người vào viếng. Các cựu lãnh đạo như nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trần Đức Lương. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam cùng đến viếng và chia buồn...
Di ảnh của chín quân nhân được xếp thành hàng ngang trên hai chiếc bàn dài dưới dòng chữ “Vô cùng thương tiếc các đồng chí liệt sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn”. Phía sau là chín vòng hoa mang hình cờ Tổ quốc và giá đỡ chín linh cữu xếp ngay ngắn phía trước di ảnh.
Ghi nhận công lao của các anh, trong sổ tang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết: “Vô cùng thương tiếc các đồng chí đã anh dũng hy sinh. Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân ta mãi mãi ghi công sự hy sinh cao cả của các đồng chí vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xin gửi tới các gia đình và đơn vị có quân nhân hy sinh lời thăm hỏi ân cần và lời chia buồn sâu sắc nhất”.
Kết thúc lễ truy điệu, di hài của các liệt sĩ được đưa ra xe tang. Di ảnh và linh cữu Đại tá Lê Kiêm Toàn đi đầu, tám linh cữu nối tiếp theo sau. Bên ngoài, trời đổ mưa to hơn. Hai hàng tiêu binh chỉnh tề, người dân đứng chật kín nơi linh cữu sắp đi qua, chắp tay vái vọng. Nơi các anh đi qua, đồng đội giơ tay chào, mắt đỏ hoe. Phía sau, người thân lưu luyến níu giữ, nước mưa hòa nước mắt tiễn biệt. Tro cốt các anh được chuyển về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ hoặc quê nhà ở nhiều tỉnh, thành.