Quốc hội bàn cấm hay để đòi nợ thuê

Ngày 15-11, Quốc hội (QH) đã nghe Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra về hai dự án luật trên. Sau đó QH tiến hành thảo luận ở tổ.

Tại các tổ thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu (ĐB) đề nghị cần quy định đầy đủ, chặt chẽ về hành lang pháp lý cho loại hình dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê.

Đòi nợ hợp pháp là văn minh

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng dịch vụ đòi nợ vừa qua bị lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Ví dụ tín dụng đen, qua các tổ chức đòi nợ thuê, đứng sau là các nhân vật cộm cán, dẫn đến bắt giữ người trái phép, gây mất trật tự…

“Cái đó rõ ràng phải nghiêm trị nhưng đòi nợ cũng là dịch vụ của cơ chế thị trường, luật phải quy định cụ thể ai được làm và làm thì cần tuân thủ cái gì, vi phạm thì xử lý ra sao chứ cấm là không hợp lý” - ông Hiển nói và nhấn mạnh quan hệ kinh doanh ngày càng chằng chịt mà nợ nần thì thông qua tổ chức hợp pháp để đòi là văn minh. “Đừng thấy vài vụ việc xảy ra mà chuyển từ cực này sang cực khác” - Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nói.

ĐB Lê Công Nhường (Bình Định) cũng cho rằng không nên cấm đòi nợ thuê vì đây là nhu cầu của xã hội, cấm thì sẽ biến tướng. “Tín dụng đen bị cấm thì chuyển sang hoạt động trên mạng, đòi nợ thuê cũng thế. Nên quan tâm xây dựng pháp luật đủ để quản lý chứ không nên cấm” - ông Nhường nói.

ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) bày tỏ băn khoăn về việc cấm đòi nợ thuê thế nào. Dù thừa nhận thực tế “xã hội đen” làm cho đòi nợ thuê biến tướng nhưng ĐB Kim cho rằng: “Nên mở hành lang pháp lý. Ai đứng ra làm được việc này thì ủng hộ cho người ta làm và bên chủ nợ phải có phần tỉ lệ nhất định để trả thù lao đi đòi. Như thế nó rõ ràng. Nhưng anh phải làm theo đúng pháp luật. Anh phải tìm hiểu, hòa giải, trao đổi chứ không phải dùng hành vi trái pháp luật. Bây giờ dùng hành vi trái pháp luật nhiều quá”.

ĐB Kim đề nghị không cấm. “Vì đòi nợ thuê không phải kinh doanh mà người ta đòi nợ thuê là bỏ công sức, kiến thức pháp luật, kinh tế để đi đòi thì người ta phải được hưởng tiền hoa hồng, phần trăm trên số nợ” - ĐB Kim nhận định.

ĐB Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) thì đề nghị nếu đây là nhu cầu thì cần phải đánh giá tác động và thông tin đầy đủ hơn. “Không để xã hội đánh giá cơ quan quản lý quản lý không được thì cấm” - ĐB Hạnh nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sáng 15-11. Ảnh: quochoi.vn

Cấm thì cấm thế nào?

ĐB Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cũng thừa nhận đòi nợ thuê là nhu cầu và đã được thể chế hóa thành Nghị định 104/2007. “Nhưng gần đây ở các nơi nở rộ loại dịch vụ này như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương thì diễn biến rất phức tạp” - ĐB Dung nói. Những khoản nợ không tuân thủ quy định pháp luật giữa người dân, doanh nghiệp với nhau, chủ nợ thường không tìm đến cơ quan pháp lý để được hỗ trợ, giải quyết, không đi theo con đường tố tụng vì không đủ cơ sở, thậm chí lo ngại chậm giải quyết. “Chủ nợ thường tìm đến các dịch vụ đòi nợ thuê, thậm chí bán nợ cho các công ty này với tỉ lệ rất cao, trên 50% nhưng đổi lại họ sẽ đòi được một phần số nợ” - ĐB Dung nói. Dù vậy ĐB Dung lại thống nhất với đề xuất cấm kinh doanh đòi nợ thuê.

ĐB Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) cũng đồng ý cấm kinh doanh đòi nợ thuê vì nhiều nơi, nhiều người làm dịch vụ này ngang nhiên gây hao tổn sức khỏe, tinh thần của người khác và đặc biệt làm lu mờ chính quyền ở địa phương các cấp. “Khi tòa thi hành án, việc thi hành khó, người dân ít chấp hành nhưng lực lượng đòi nợ thuê đòi thì được ngay nhưng gây xáo trộn tâm lý, sức khỏe cho người dân” - ĐB Hùng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đề xuất cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Bộ trưởng cũng thừa nhận trên thực tế nhu cầu đòi nợ thuê là có và cũng phân chia ra hai loại tích cực và tiêu cực.

Mặt tích cực của dịch vụ này là bảo vệ được quyền lợi của bên cho vay, giúp thu hồi được các khoản nợ. Mặt tiêu cực là đòi nợ thuê cũng rất phức tạp, nhiều biến tướng khi tín dụng đen nở rộ, sử dụng xã hội đen để đòi nợ. Bộ trưởng Dũng cho biết từ thực tế như vậy nên Bộ Công an đã đề nghị cấm dịch vụ này, nếu không sẽ rất phức tạp cho xã hội.

Cần nghiên cứu kỹ về kinh doanh mại dâm

Lâu nay ta vẫn cấm kinh doanh nghề mại dâm nhưng thực tế hoạt động này vẫn lén lút, trà trộn tất cả các nơi. Tôi chưa ngả về phía nào (cấm hay không cấm kinh doanh mại dâm) nhưng tôi nghĩ trên thế giới ngành, nghề này đã tồn tại, còn ta thì cứ loay hoay với các quan điểm, lập trường nhiều chiều và bàn mãi chưa ra.

Người đứng trên lập trường văn hóa truyền thống thì bảo cho nghề này tồn tại nghĩa là bỏ hết văn hóa truyền thống dân tộc. Người khác lại bảo nghề đó sinh ra tệ nạn, bệnh tật rất nhiều và quản lý không được nên mất khoản thu. Chúng ta đi thế giới rồi, đây là vấn đề các nước nghiên cứu rất nhiều, nhiều đề tài tầm cỡ quốc gia. Vì thế Việt Nam ta cũng phải nghiên cứu kỹ, đưa ra quyết định cho phù hợp với cơ chế, với điều kiện, với xu thế ta đang hội nhập chung.

ĐB VŨ TRỌNG KIM (Hải Dương)

Cho vay nặng lãi “kết thân” đòi nợ thuê

Những ngành nghề như kinh doanh cầm đồ, cho vay tài chính, cho vay hỗ trợ sinh viên… tên thì hay nhưng bản chất là cho vay nặng lãi. Ta quản lý không chặt chẽ sẽ trở thành mầm mống tội phạm, cho nên cần đánh giá kỹ các hoạt động trên mang lại gì và ảnh hưởng ra sao tới kinh tế - xã hội.

Những hoạt động đó liên quan chặt chẽ đến đòi nợ thuê. Lúc cho vay, giấy tờ nó rất khôn. Cho vay 10 triệu đồng trên giấy nhưng tiền thật chỉ cầm được 7 triệu đồng. Nếu nhìn vào giấy tờ thì thấy nhân văn, cho vay không nói gì đến lãi. Cơ quan chức năng bảo do nó làm tinh vi nên về giấy tờ không xử lý được. Cử tri bảo là nếu cứ đóng giả người vay sẽ bắt quả tang được. Nếu các loại hình kinh doanh này gây hậu quả nhiều hơn hiệu quả thì nên cấm. Theo đó, kinh doanh đòi nợ, tôi thấy cấm là có lý.

ĐB BÙI VĂN PHƯƠNG (Ninh Bình) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm