Sáng 16-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục nghe báo cáo và cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) trong đó có nội dung đưa dịch vụ đòi nợ thuê vào danh mục cấm.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra dự luật này là Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lại cho rằng không nên cấm. Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cho biết trong quá trình thẩm tra dự luật, đa số ý kiến của ủy ban đều cho rằng việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế, phù hợp với các quy định pháp luật. Điều này đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật.
“Do vậy, đề nghị không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh này. Thay vào đó cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này…” - ông Thanh nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: TTXVN
Nêu quan điểm không ủng hộ dịch vụ đòi nợ thuê nhưng bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cho rằng trước khi muốn cấm, bỏ ngành nghề nào thì phải có đánh giá tác động kỹ. Trong khi đó, tại hồ sơ dự luật sửa đổi trình sang phần đánh giá tác động lại khá sơ sài, chỉ có chục dòng và chủ yếu dẫn việc dịch vụ kinh doanh đòi nợ không đúng khuôn khổ pháp luật, để xảy ra một số vụ việc phức tạp.
“Hiện ngành nghề này được quy định trong nghị định nên cần phải đánh giá những quy định trong nghị định có phù hợp không và có phải nguyên nhân gây ra hiện tượng phức tạp như vừa qua. Từ việc đang cho phép kinh doanh sang cấm kinh doanh thì cần đánh giá kỹ” - chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.
Kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định cơ bản thống nhất và yêu cầu cơ quan soạn thảo rà soát lại các phạm vi điều chỉnh, kể cả vấn đề bổ sung, bãi bỏ, tránh những tác động không tốt đến tình hình đầu tư. Tránh gây phức tạp hóa, tạo xung đột mới trong hệ thống pháp luật, nhất là liên quan đến các dự án đã triển khai, đang chuẩn bị triển khai...
Nên sửa quy định thay vì cấm Trước đó, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, các chuyên gia, luật sư đều cho rằng không nên cấm dịch vụ đòi nợ thuê mà nên sửa các quy định hiện hành. TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương, cho rằng: “Trong cuộc sống, thực tế người dân, doanh nghiệp và Nhà nước vẫn phải vay nợ lẫn nhau. Có những chủ thể không trả được nợ hoặc tại một thời điểm chưa thể trả nợ hoặc chây ỳ không muốn trả nợ cũng là một thực tế. Và vì vậy, dịch vụ đòi nợ là một nhu cầu của xã hội.” Luật sư Tạ Minh Trình, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng pháp luật hiện hành quy định tương đối rõ ràng về dịch vụ đòi nợ thuê (Nghị định 104/2007, Thông tư 110/2007). Tuy nhiên, để hạn chế những hành vi biến tướng từ dịch vụ này, cần xem lại tiêu chí người đại diện theo pháp luật, phạm vi và trình tự thực hiện dịch vụ đòi nợ thuê (cấm thị uy, đe dọa hoặc hành vi khác uy hiếp con nợ…)… “Về mặt quản lý, Nghị định 104/2007 chưa quy định về trách nhiệm Bộ Công an trong việc quản lý và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Do vậy cần quy định cụ thể hơn thẩm quyền của lực lượng công an về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này!” - ThS Trần Thanh Thảo, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, nêu quan điểm. |