Ngày 24-5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN VN) Nguyễn Thị Hồng trình bày trước Quốc hội (QH) báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) và tờ trình về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42/2017.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. |
Đầu năm 2023 trình hoàn thiện pháp luật xử lý nợ xấu
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định trong giai đoạn 2017-2021, các mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết 42 về cơ bản đã đạt được. Nghị quyết 42 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo lập khuôn khổ pháp lý để xử lý các khoản nợ xấu, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các TCTD trong việc xử lý nợ xấu và duy trì tỉ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 2%.
Cạnh đó, từng bước đảm bảo quyền của chủ nợ trong xử lý nợ xấu, thể hiện tính đúng đắn về định hướng, chính sách của Đảng, QH, Chính phủ đối với công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD. Cũng theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Nghị quyết 42 đã tác động tích cực đến quá trình cơ cấu lại, phát triển của hệ thống các TCTD. Nhờ đó, các TCTD có điều kiện hạ mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đặc biệt trong giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Sau phần trình bày trên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu Bộ Chính trị đã cho chủ trương “Nghiên cứu, xây dựng dự án Luật điều chỉnh về xử lý nợ xấu của các TCTD, tài sản bảo đảm” và coi đây là một trong những nhiệm vụ lập pháp cần nghiên cứu, xây dựng mới và đề xuất đưa vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2023.
Ủy ban Thường vụ QH khi tổng kết Nghị quyết 42 và dự thảo Nghị quyết kéo dài Nghị quyết 42 cũng chỉ đạo như trên.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. |
Kiểm soát được nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế đánh giá với những đóng góp của Nghị quyết 42, trong giai đoạn 2017-2021, hơn 750.000 tỉ đồng nợ xấu của hệ thống các TCTD đã được xử lý; nợ xấu cơ bản được kiểm soát.
Tuy nhiên, kết quả xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc, thực trạng nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro. Riêng nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42 phát sinh mới trong thời gian nghị quyết có hiệu lực là hơn 251.000 tỉ đồng và số chưa xử lý còn hơn 412.000 tỉ đồng.
Cạnh đó, một số lĩnh vực có số nợ xấu chiếm tỉ trọng cao so với nợ xấu của toàn hệ thống như bất động sản (chiếm 18,4%); cho vay tiêu dùng (chiếm 25,8%); BOT, BT giao thông (3,92%); nợ xấu của lĩnh vực đầu tư, kinh doanh cổ phiếu và đầu tư, kinh doanh trái phiếu chiếm lần lượt là 1,13% và 0,01% so với nợ xấu của toàn hệ thống nhưng chiếm tới 19,57% và 2,87% tổng dư nợ tín dụng của từng lĩnh vực.
“Đây là những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, có thể gây ảnh hưởng đến sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD nói riêng và nền kinh tế nói chung, nhất là trong điều kiện năng lực chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói.
Do vậy, cơ quan thẩm tra của QH đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn nguyên nhân dẫn đến số nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42 đến nay còn ở mức khá cao và có xu hướng gia tăng. Đồng thời cho biết các giải pháp đã triển khai thực hiện để nhận diện cũng như kiểm soát rủi ro đối với các khoản cho vay, nhất là các khoản thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.
Chưa có chuẩn định giá khoản nợ xấu, khó thu giữ tài sản
Theo Thống đốc NHNN VN, trong thực thi, phối hợp triển khai, hướng dẫn Nghị quyết 42 từ các bộ, ngành và địa phương chưa thống nhất được về tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ xấu, tài sản thế chấp… Do vậy, khi thẩm định giá các khoản nợ xấu, các doanh nghiệp thẩm định giá vận dụng khác nhau, gây khó khăn cho các bên trong việc lựa chọn mức giá tham khảo làm cơ sở xác định mức giá khởi điểm trong giao dịch mua bán nợ.
Về thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm, khi khách hàng không hợp tác bàn giao tài sản bảo đảm, chống đối khi tiến hành thu giữ nhưng sự phối hợp các cơ quan chức năng trong một số trường hợp chưa kịp thời dẫn đến việc thu giữ thường không đạt được kết quả.
Các cơ quan tiến hành tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp còn có cách hiểu khác nhau về tài sản tranh chấp, tài sản đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, gây khó khăn cho TCTD khi áp dụng quy định về thu giữ tài sản theo Nghị quyết 42.
Thống đốc NHNN VN cũng nêu trong nhiều trường hợp, sau khi đạt thỏa thuận về thu giữ tài sản bảo đảm thì nhiều khách hàng thường không hợp tác. Từ đó, các TCTD rất khó để thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm.
Cạnh đó, theo Thống đốc NHNN VN, còn một số TCTD chưa chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan công an, tòa án các cấp để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất khi áp dụng các chính sách quy định tại Nghị quyết 42.