'Không thể có... 2 Quốc hội'

(PLO)-  "Không thể có... 2 Quốc hội" là cách ví von của Đại biểu Lê Thanh Vân, khi bàn tới việc cũng một nhiệm kỳ Quốc hội, một vấn đề, một dự án luật, kỳ họp trước bác, kỳ họp sau lại đưa vào.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thảo luận ở phiên họp toàn thể tại hội trường là một hoạt động quan trọng của Quốc hội. Hoạt động đầu tiên ấy của Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 3 này diễn ra sáng nay, 24-5, về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Nên luật hóa để Đảng đoàn Quốc hội trình sáng kiến lập pháp

Về chủ đề này, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) đánh giá cao định hướng công tác lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV mà Quốc hội đã thông qua tại kỳ họp trước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện sau đó thì lại phải điều chỉnh, cho thấy có gì đó chưa ổn định.

“Xây dựng chương trình luật, pháp lệnh là gốc gễ của quyền lập pháp của Quốc hội. Quốc hội đã thông qua rồi thì hạn chế tối đa sự điều chỉnh”, ông Vân nói.

ĐB của tỉnh Cà Mau cũng đề nghị tới đây phải thay đổi cách tiếp cận, nhất là trước các xu hướng vận động sẽ tác động lớn tới nhiệm vụ lập pháp. Thời sự nhất là xu hướng của cách mạng 4.0, xu hướng vận động của các vấn đè an ninh phi truyền thống. Có vậy lập pháp mới bắt nhịp một cách chủ động, tích cực với cuộc sống.

Với nhận thức ngày càng rõ ràng, đầy đủ hơn về vấn đề Đảng lãnh đạo, ông Vân còn đề xuất luật hóa cơ chế để Đảng đoàn Quốc hội thành chủ thể trình sáng kiến lập pháp.

Trong mạch tư duy tiếp tục hoàn thiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ĐB Lê Thanh Vân đề nghị mở rộng thành phần ban soạn thảo, theo hướng chú trọng nhà khoa học, những người có uy tín thuộc diện đối tượng chịu tác động của chính sách, pháp luật.

“Quy định của pháp luật tác động lên họ thì họ phải được lên tiếng. Chứ như hiện nay, người nắm giữ công cụ quản lý thì được quyền sửa đổi công cụ, còn đối tượng chịu tác động của công cụ đấy lại không được tham gia trực tiếp vào việc sửa đổi ấy”, ông Vân nêu.

Ông cũng đề nghị vận dụng Luật Trưng cầu dân ý khi xây dựng các dự luật; tăng cường giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để qua đó giám sát việc tổ chức thực hiện luật, nghị quyết mà Quốc hội đã ban hành.

Không nên Quốc hội kỳ họp trước đã bác bỏ, kỳ họp sau lại cho vào

Vấn đề nổi lên ở kỳ họp này là không đưa vào chương trình làm việc của Quốc hội 3 dự án luật: Luật Bảo đảm an ninh trật tư cơ sở, Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ. Vấn đề đặt ra là có nên đưa vào nhiệm vụ lập pháp 2023?

ĐB Lê Thanh Vân cho rằng không nên.

“Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong hệ thống chính trị nhất nguyên chúng ta không có thể có hai Quốc hội. Một Quốc hội bác bỏ, một Quốc hội kế sau đó lại khởi động lại. Như thế sẽ không bảo đảm tính lãnh đạo thống nhất của Đảng và nhận thức xã hội chung”.

Đứng đầu cơ quan gác cổng của Chính phủ về xây dựng pháp luật, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đứng lên giải trình. Theo đó, ông nhấn mạnh Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ này rất chú trọng công tác xây dựng thể chế. Minh chứng là số lượng các cuộc họp về công tác xây dựng pháp luật rất nhiều, cách làm cũng có điểm khác, cải tiến so với khóa trước. Qua đó thể hiện sự cố gắng của Chính phủ, và điều đó nhận được sự đồng thuận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đề cập tới ba dự án Luật Bảo đảm an ninh trật tư cơ sở, Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, ông Lê Thành Long cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã giao Chính phủ tiếp tục hoàn thiện. Hiện đang tiến hành xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào chương trình làm việc của Quốc hội.

Như PLO đưa tin, ba dự án luật trên, trong đó Luật Bảo đảm an ninh trật tư cơ sở là luật mới do Bộ Công an đễ xuất; hai dự án còn lại là tách ra từ Luật Giao thông đường bộ, cũng theo đề xuất của Bộ Công an. Trong quá trình thảo luận từ cấp độ chuyên gia lên tới diễn đàn Quốc hội cũng như dư luận xã hội còn ý kiến khác nhau. Vì vậy Ban Cán sự Đảng Chính phủ thấy cần xin ý kiến Bộ Chính trị.

Cho đến trước kỳ họp Quốc hội giữa năm này, Bộ Chính trị chưa cho y kiến. Vậy thì câu hỏi đặt ra là liệu có nên đưa vào chương trình xây dựng luật ở kỳ họp cuối năm, cũng như kỳ họp năm sau?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm