Chủ tịch Quốc hội: Phải tránh tình trạng 'vừa mới bắt đầu kiểm đếm, đo vẽ thì giá đất tăng'

(PLO)- Nhiều ĐBQH tán thành có cơ chế đặc thù cho Khánh Hoà để tỉnh này bứt phá về mặt kinh tế, đồng thời đảm bảo vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều ngày 24-5, Quốc hội đã nghe tờ trình và thảo luận tại tổ về việc ban hành nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hoà.

Khánh Hoà cần có cơ chế đặc thù

Theo tờ trình của Chính phủ, Khánh Hoà có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, tiềm năng có thể bứt phá và thúc đẩy vùng Nam Trung bộ, Tây Nguyên cùng phát triển. Bộ Chính trị cũng đã có Nghị quyết 09 về phát triển tỉnh Khánh Hoà.

“Nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù thì tỉnh Khánh Hòa rất khó thực hiện được các bước đột phá để trở thành đô thị hạt nhân, đạt được các tiêu chí để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương và hoàn thành các mục tiêu như Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra” - tờ trình của Chính phủ nêu.

Thảo luận tại tổ, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nhận xét Khánh Hoà có rất nhiều đặc thù, thế mạnh nhưng thu nhập đầu người lại thấp hơn mức bình quân cả nước, khoảng 2.700 USD/người. “Cơ chế đặc thù cho Khánh Hoà là chậm, lẽ ra phải có sớm cùng với cơ chế đặc thù dành cho Huế, Cần Thơ, Hải Phòng…” - ông nói.

Nhiều ĐB khác cũng tán đồng phải có cơ chế đặc thù cho Khánh Hoà để đưa khu vực phát triển tuy nhiên cũng cần cẩn trọng trong chính sách, đặc biệt là vấn đề sở hữu bến cảng, sân bay… Theo đó, các ĐB đề xuất cần thiết kế một hàng rào kỹ thuật để vừa thu hút được các nguồn lực đầu tư vào Khánh Hoà nhưng cũng đảm bảo vấn đề an ninh quốc phòng… Hay như lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, quỹ hỗ trợ nghề cá làm sao vừa hỗ trợ ngư dân vừa bám biển, vừa giữ chủ quyền quốc gia.

Cơ chế cho Khánh Hoà được thiết kế chặt chẽ

Phát biểu tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đặc điểm ”hết sức quan trọng” của tỉnh Khánh Hòa khi vừa kết nối với các tỉnh, với Tây Nguyên, vừa có cảng Cam Ranh, rồi vịnh Vân Phong. Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 09, trong đó có nêu, Khánh Hòa phải trở thành một trong những hình mẫu kết hợp kinh tế với quốc phòng và an ninh.

Theo ông, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển tỉnh Khánh Hòa là thể chế hóa nghị quyết của Bộ Chính trị. “Không phải địa phương xin cơ chế là được đâu, Bộ Chính trị không có nghị quyết thì cũng khó”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: QH

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: QH

Theo đó, dự Nghị quyết thiết kế 10 cơ chế, chính sách. Bên cạnh 6 cơ chế, chính sách đặc thù tương tự như các địa phương khác vừa được Quốc hội cho phép thực hiện thì có 4 cơ chế, chính sách mới gồm: Thực hiện chuẩn bị thu hồi đất tại Khu Kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; phát triển Khu kinh tế Vân Phong; phát triển kinh tế biển tại tỉnh Khánh Hòa.

Theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo đã thiết kế các cơ chế, chính sách rất chặt chẽ nhưng qan trọng nhất là khâu thực hiện. Chẳng hạn vấn đề thu hồi đất, làm sao để tránh trình trạng “vừa mới bắt đầu kiểm đếm, đo vẽ thì giá đất tăng”. “Van, khóa trong đây cũng nhiều lắm, dự thảo nghị quyết quy định chặt chẽ chứ không làm tùy tiện được đâu”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Hay với cơ chế tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công, theo ông Vương Đình Huệ, Quốc hội đã có nghị quyết cho thí điểm. Và dự thảo nghị quyết trình Quốc hội lần này cũng quy định “rất chặt chẽ” là phải có quyết định phê chuẩn dự án, tức là có dự án “mẹ” rồi thì mới được tách dự án độc lập để làm trước.

“Không phải dự án nào cũng được tách. Việc tách dự án nào thì HĐND phải làm chặt chẽ để tránh những mặt trái của nó vì chính sách bao giờ cũng có 2 mặt”, Chủ tịch Quốc phân tích thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm