Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Trung Quốc có nguy cơ đối mặt với xung đột và tự cô lập mình thông qua những hành động hung hăng của nước này ở biển Đông.
Kể từ tháng 10 năm ngoái, Hải quân Mỹ đã tiến hành hai cuộc tuần tra gần các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở biển Đông. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken nói với Ủy ban Đối ngoại Thượng viện nước này rằng các hoạt động như thế sẽ diễn ra thường xuyên.
Các thành viên đảng Cộng hòa cho biết các hoạt động “tự do hàng hải” như tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở biển Đông nên trở thành hoạt động thường lệ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter (trái) trong một chuyến thăm tàu sân bay USS C. Stennis ngày 15-4-2016. Ảnh: MILITARY TIMES
“Tôi không hiểu tại sao chúng ta không làm việc đó hằng tuần hay hằng tháng” - chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ - Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Bob Corker của tiểu bang Tennessee - cho biết. Vị này nhấn mạnh Mỹ có khoảng 60% tàu hải quân của mình ở khu vực Thái Bình Dương.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Cory Gardner của bang Colorado cho biết việc Mỹ đưa tàu vào khu vực biển Đông ba tháng một lần “không đủ để gửi thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc”.
Phía Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đồng ý với Thượng nghị sĩ Marco Rubio của bang Florida rằng mục đích của Trung Quốc là kiểm soát toàn bộ biển Đông.
Blinken cho biết Trung Quốc có nguy cơ đối mặt với “xung đột, bất ổn và cô lập” nếu nước này không thay đổi cách tiếp cận phù hợp với luật quốc tế.
“Miễn là Mỹ vẫn còn hiện diện đầy đủ trong khu vực thì bất kỳ lợi thế chiến thuật nào mà Trung Quốc có được từ một số tiền đồn này cũng sẽ không bao giờ thắng được phản ứng quanh các nước láng giềng của mình, những quốc gia ngày càng xích gần Mỹ” - ông Blinken nói.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền vô lý tại hầu hết khu vực ở biển Đông, tuyến đường biển được xem là nhộn nhịp nhất thế giới.
Theo Military Times, mặc dù Mỹ không phải là quốc gia có yêu sách tại vùng biển này nhưng Mỹ có lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải và duy trì ổn định tại đây.
Căng thẳng ở biển Đông đã leo thang đáng kể trong hai năm trở lại đây khi Trung Quốc đẩy mạnh cải tạo đất và xây dựng đường băng, cảng cùng các trạm radar.
Bắc Kinh biện bạch rằng những công trình này chủ yếu phục vụ mục đích dân sự nhưng động thái rõ ràng đã khiến nhiều nước trong và ngoài khu vực quan ngại.