Quốc hội xem xét phê chuẩn Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định CPTPP

(PLO)- Vương quốc Anh đã ký thư gửi Việt Nam xác nhận các ngành đang hoạt động tại Việt Nam được coi là hoạt động trong điều kiện của nền kinh tế thị trường và nước này sẽ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong các vụ việc điều tra liên quan phòng vệ thương mại.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 8-6, Quốc hội nghe báo cáo tờ trình, thẩm tra và thảo luận tại hội trường về việc phê chuẩn Văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len.

Góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam

Tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trình bày tờ trình về việc phê chuẩn Văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len.

Theo Phó Chủ tịch nước, tháng 2-2021, Vương quốc Anh chính thức gửi đơn xin gia nhập Hiệp định CPTPP. Sau đó, Vương quốc Anh và các nước CPTPP đã đàm phán.

Ý nghĩa của việc Vương quốc Anh công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân. Ảnh: PHẠM THẮNG

Về cơ bản, đàm phán gia nhập CPTPP là đàm phán một chiều, trong đó Vương quốc Anh đã đưa ra nhiều cam kết mở cửa thị trường mới và chấp nhận toàn bộ các cam kết hiện có trong CPTPP.

Đến ngày 16-6-2023, được sự ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương cùng Bộ trưởng các nước CPTPP và Vương quốc Anh đã ký Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh, đưa nước này thành Thành viên ký kết thứ 12 của Hiệp định.

Văn kiện gia nhập gồm hai phần chính là Nghị định thư gia nhập và các Phụ lục; Thư của Vương quốc Anh và các thư song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.

Đáng chú ý, tương tự như với 10 thành viên CPTPP, Việt Nam tiếp tục ký với Vương quốc Anh năm thư song phương về các lĩnh vực lao động – công đoàn, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ và dịch vụ tài chính với cùng nội dung như các thư đã ký trước đây.

Ngoài ra, Việt Nam và Vương quốc Anh cũng ký Thư song phương về mua sắm của Chính phủ, thời gian ân hạn trong sở hữu trí tuệ và cấp phép đầu tư trên cơ sở bảo đảm sự có đi có lại và cân bằng về nghĩa vụ giữa hai bên.

Đặc biệt, Vương quốc Anh đã ký Thư gửi Việt Nam xác nhận các ngành đang hoạt động tại Việt Nam được coi là hoạt động trong điều kiện của nền kinh tế thị trường.

"Trên cơ sở đó, Vương quốc Anh sẽ không áp dụng Điều 14.1(b) trong Quy định Phòng vệ thương mại năm 2019 của nước này đối với hàng nhập khẩu tại Việt Nam" - bà Xuân cho hay.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhìn nhận việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong hợp tác kinh tế quốc tế và quan hệ hợp tác song phương với Vương quốc Anh.

"Việc Vương quốc Anh công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam cũng có ý nghĩa quan trọng tạo thêm cơ sở để ta tiếp tục vận động các nước khác, trong đó có Hoa Kỳ, công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường" - bà Xuân khẳng định.

Mặt khác, việc này cũng giúp quảng bá và thu hút thêm nhiều nền kinh tế khác gia nhập FTA khu vực này, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho hàng hóa Việt Nam và góp phần tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động trao đổi thương mại - đầu tư của Việt Nam với Vương quốc Anh, tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu của Việt Nam được tiếp cận thị trường với quy mô kim ngạch nhập khẩu thường niên lớn.

Bên cạnh những thuận lợi thì việc Vương quốc Anh Vương gia nhập CPTPP cũng tạo ra một số thách thức đối với Việt Nam.

Thứ nhất, Vương quốc Anh là một trong những thị trường khó tính nhất trên thế giới đối với tiêu chuẩn hàng hóa lưu hành nội địa. Do đó, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Anh vẫn đứng trước thách thức về đạt tiêu chuẩn lưu hành nội địa.

Việc Việt Nam cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho Vương quốc Anh sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh nhất định cho doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ của ta. “Tuy nhiên, đây là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp” – Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.

y-nghia-cua-viec-vuong-quoc-anh-cong-nhan-viet-nam-la-nen-kinh-te-thi-truong-vu-hai-ha.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà.

Rà soát, nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật hiện hành

Thẩm tra tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà, cho hay việc Quốc hội phê chuẩn Văn kiện thể hiện sự tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư song phương với Vương quốc Anh nói riêng và giữa CPTPP với Vương Quốc Anh nói chung.

Qua đó, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong hợp tác kinh tế quốc tế. “Ủy ban Đối ngoại nhất trí đề xuất Quốc hội phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV” – ông Vũ Hải Hà thông tin.

Ủy ban Đối ngoại cơ bản nhất trí với dự thảo Kế hoạch đã được sửa đổi, bổ sung, tuy nhiên, một số nội dung của Kế hoạch còn chưa chặt chẽ về lộ trình triển khai. Do đó, Ủy ban Đối ngoại đề nghị Chính phủ chỉnh sửa Kế hoạch, xác định cụ thể thời gian hoàn thành các nội dung công việc về xây dựng pháp luật, thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nguồn nhân lực.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định về biểu thuế CPTPP và rà soát, nghiên cứu khả năng sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật hiện hành hoặc ban hành văn bản pháp luật mới để hướng dẫn thực thi các cam kết của Văn kiện, trong đó có cam kết về mua sắm chính phủ và dịch vụ - đầu tư.

Dù vậy, theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho biết cũng có ý kiến đề nghị lấy ý kiến của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao về việc rà soát sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để thực hiện cam kết về nhập cảnh tạm thời của khách kinh doanh.

Việc này nhằm đảm bảo chặt chẽ và thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện sau khi Văn kiện được Quốc hội phê chuẩn...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm