10 giải pháp cho Việt Nam từ vụ tàu Địa chất hải dương 8

Ngày 3-10, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam (VN), người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Thị Thu Hằng nêu rõ cho biết: Nhóm tàu Địa chất hải dương 8 của TQ lại tiếp tục mở rộng hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của VN. “Hành động này vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN...” - bà Hằng khẳng định.

Bà Hằng nhấn mạnh thêm: “VN kiên quyết phản đối hành động này và đã có giao thiệp với TQ. Một lần nữa, VN yêu cầu TQ chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ nhóm tàu trên ra khỏi vùng biển VN và không để tái diễn các vi phạm tương tự”.

Trong bối cảnh TQ ngày càng leo thang ở biển Đông thời gian gần đây, nhiều người nói rằng VN nên kiện TQ ra tòa án quốc tế ngay. Về nguyên tắc, tôi ủng hộ giải pháp kiện TQ ra tòa khi mà VN không còn giải pháp hòa bình nào khác. Tuy vậy, để đảm bảo chắc thắng, tức là VN có đầy đủ các lý do để kiện và tòa chấp nhận phân xử, VN còn phải làm rất nhiều việc. Theo quy định của luật pháp quốc tế, chỉ khi nào VN đã sử dụng hết các biện pháp chính trị và ngoại giao và không còn cách nào khác ngoài kiện TQ thì tòa mới xem xét, phán xử.

Hiện nay, tôi cho rằng VN còn rất nhiều nước cờ để đi trên bàn cờ chống TQ xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển. Tuy vậy, tình hình biển Đông hiện nay đã trở nên rất cấp bách, tiềm ẩn những nguy cơ TQ sẽ dùng sức mạnh để hành xử vi phạm luật pháp quốc tế và tự ý khoan thăm dò và khai thác tài nguyên trong vùng biển VN. Đối mặt với nguy cơ mới, để đấu tranh một cách hiệu quả với TQ bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôi cho rằng VN cần cấp bách thực hiện 10 giải pháp.

PGS-TS Vũ Thanh Ca. Ảnh: NVCC

Tàu Địa chất hải dương 8 phi pháp của TQ. Ảnh:SCHOTTEL

1. Tiếp tục các hoạt động phản đối về mặt ngoại giao với TQ, bao gồm các hoạt động tiếp xúc song phương, trao công hàm phản đối tới Đại sứ quán TQ tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao TQ tại Bắc Kinh, qua các kênh Đảng, chính quyền và các kênh có thể có. Tất cả tài liệu phản đối sau này sẽ được sử dụng trong cuộc đấu tranh pháp lý bảo vệ chủ quyền.

2. Trên thực địa, ta cần tiếp tục kiên quyết, kiên trì phản đối các hoạt động xâm phạm vùng biển VN của TQ.

3. Tăng cường các hoạt động truyền thông để cung cấp cho nhân dân trong nước và các bạn bè quốc tế biết về hoạt động của các tàu TQ và những hoạt động đấu tranh của VN. Cần cung cấp chi tiết, cập nhật thường xuyên hiện trạng hoạt động của các tàu TQ và các tàu thực thi pháp luật trên biển của VN trên bản đồ và các bảng số liệu. Nên tổ chức các chuyến đưa phóng viên trong nước và nước ngoài tới hiện trường TQ vi phạm vùng biển VN để lan tỏa thông tin, khẳng định tính chính danh của VN.

4. Cần tận dụng tất cả diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là các diễn đàn ASEAN và Liên Hiệp Quốc để thông báo cho bạn bè thế giới biết về các hoạt động vi phạm vùng biển VN của TQ cũng như các nỗ lực kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích quốc gia trên biển của VN. Đặc biệt, VN cần gửi công hàm tới tổng thư ký, Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc để phản đối TQ và khẳng định lập trường chính nghĩa của VN.

5. Vận động để tìm cơ hội điều trần tại nghị viện các nước, đặc biệt là Mỹ và các nước lớn khác, về các hoạt động phi pháp của TQ trên biển Đông và vùng biển VN để các nước khác hiểu và tham gia đấu tranh chống các hoạt động phi pháp của TQ.

6. Vận động Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua dự luật Trừng phạt biển Đông và biển Hoa Đông do các nghị sĩ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ cùng đề xuất và đưa ra. Theo đó, dự luật này yêu cầu chính phủ Mỹ trừng phạt các tổ chức, cá nhân TQ đồng lõa hoặc tham gia vào các hoạt động cải tạo đất, bồi đắp đảo, xây hải đăng và xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin di động tại biển Đông, hoặc đe dọa đến hòa bình, an ninh hoặc ổn định của các khu vực trên biển Hoa Đông... Trong tình hình hiện nay, khi TQ đang xâm phạm, cản trở hoạt động dầu khí vùng biển VN, Malaysia và Philippines, việc nghị viện Mỹ thông qua dự luật này sẽ dễ dàng hơn trước rất nhiều.

7. Cần tuyên bố công nhận và ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực về vụ kiện giữa Philippines và TQ; đồng thời xem xét các khả năng xin tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) và Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) về việc diễn giải các phán quyết của Tòa trọng tài thường trực đối với vùng biển VN để tăng cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh của VN.

Trong lúc TQ triển khai các chiến thuật mua chuộc và hăm dọa, nước này cùng lúc muốn các nước ASEAN cùng thông qua một COC có lợi cho họ. Trong thời gian Philippines đảm nhiệm công việc điều phối quan hệ ASEAN-TQ đến năm 2021, Bắc Kinh kỳ vọng mối quan hệ nồng ấm với Manila sẽ giúp TQ chiếm ưu thế trên bàn đàm phán. Tuy nhiên, ASEAN sẽ không để ý đồ này thành hiện thực. 

Đồng thời, VN sử dụng các kết quả tư vấn để vô hiệu hóa công hàm phản đối Hồ sơ ranh giới ngoài của thềm lục địa VN do VN trình cũng như do VN hợp tác trình lên Ủy ban ranh giới ngoài của thềm lục địa Liên hiệp quốc.

8. Cần xem xét tới đề xuất của GS Carl Thayer (ĐH New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc) về việc thông báo sẽ bắt giữ các tàu TQ hoạt động trái phép trong vùng biển VN và đề nghị Cảnh sát quốc tế (Interpol) truy nã các tàu đó. Cần thông báo rộng rãi chủ trương này cho các nước và các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên Hiệp Quốc.

9. Cần tích cực chuẩn bị hồ sơ và sẵn sàng kiện TQ ra một tòa án quốc tế thích hợp về việc TQ xâm phạm và hoạt động trái phép trong vùng biển VN.

10. Cần tăng cường hợp tác cả về chính trị, ngoại giao và quốc phòng với các nước ASEAN và các nước khác, đặc biệt là các nước lớn như Mỹ, EU, Nga, Ấn Độ, Anh, Pháp, Đức... để tăng cường sức mạnh của mặt trận đấu tranh bảo vệ luật pháp quốc tế, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên biển Đông và chống lại các hành động bành trướng, bắt nạt của TQ trên biển Đông và vùng biển VN.

PGS-TS VŨ THANH CA*

Đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc đang hư hại

Theo The Economist, có thông tin hạ tầng của các đảo nhân tạo do TQ xây trái phép ở biển Đông đang hư hại dưới sự tác động của khí hậu khắc nghiệt ngoài biển. Vì TQ quá vội vàng trong việc xây dựng đảo nhân tạo (trong một tâm thế hối hả vì làm việc phạm pháp) nên để lại quá nhiều sơ hở, điểm yếu đối với hạ tầng và cơ sở vật chất trên các đảo nhân tạo. Thậm chí có ý kiến cho rằng các đợt siêu bão trên biển có thể khiến các đảo nhân tạo TQ gánh thiệt hại nặng nề.

Bắc Kinh có ý đồ tạo tâm lý “quen thuộc” với việc bị TQ xâm phạm

TQ có hai mục tiêu khi tiến hành các hành động gây hấn, đe dọa, xâm phạm biển các nước một cách trái phép từ đầu năm đến nay. Một là TQ muốn dư luận quốc tế nói chung và dư luận ASEAN nói riêng quen dần với việc bị tàu TQ xâm phạm. Hai là TQ hy vọng các nước trong khu vực sẽ mệt mỏi khi phải đối phó lâu dài với sự hiện diện ngày càng nhiều và phức tạp của các đội tàu TQ. 

________________________

* PGS-TS Vũ Thanh Ca đang công tác tại ĐH Tài nguyên - Môi trường Hà Nội. ông là nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm