Mới đây, ngày 3-10, tạp chí The Economist có bài xã luận nhận định Trung Quốc (TQ) đang tiến hành các hình thức đe dọa, bắt nạt mới ở biển Đông. Trong đó, ý đồ của Bắc Kinh là cưỡng ép các quốc gia biển Đông phải thông qua một Bộ Quy tắc ứng xử về biển Đông (COC) hoàn toàn lệch lạc, chỉ có lợi cho những mục tiêu bá quyền của TQ ở vùng biển có diện tích 3,5 triệu km2.
Lời hứa thất thiệt của ông Tập
Thời gian gần đây, dư luận quốc tế ít nghe thông tin liên quan đến các hoạt động bồi lấp, cải tạo quy mô rất lớn ở các thực thể tại biển Đông bị TQ chiếm đoạt trái phép. Trước đó không lâu, đặc biệt kể từ năm 2013, Bắc Kinh khiến các quốc gia biển Đông lẫn quốc gia thứ ba, đặc biệt là Mỹ, bày tỏ quan ngại và phản ứng mạnh trên các diễn đàn ngoại giao bởi hành vi chiếm đóng và xây đảo nhân tạo phi pháp. Hành vi này xảy ra trên diện rộng, từng được truyền thông và giới chuyên gia quốc tế mô tả rằng: “Bắc Kinh xây dựng những bức tường thành cát trên biển”.
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình từng hứa rằng Bắc Kinh hành động vì lợi ích chung ở biển Đông. Tuy nhiên, lời hứa của ông Tập trở nên vô nghĩa khi việc bồi lấp, xây dựng, quân sự hóa các thực thể ở biển Đông không chỉ khiến môi trường sinh thái bị ảnh hưởng tiêu cực trầm trọng mà còn tạo ra sự bất an về an ninh tại vùng biển nhộn nhịp bậc nhất thế giới.
Việc xây đảo nhân tạo và các hành vi sai trái khác được TQ thực hiện dựa trên một lập trường rất vô lý: TQ có chủ quyền ở biển Đông từ ngàn đời trước (?) và được thể hiện qua yêu sách đường chín đoạn (hay còn gọi là đường lưỡi bò).
Cả về mặt lịch sử lẫn pháp lý, đặc biệt từ sau phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 về vụ Philippines kiện TQ (và Bắc Kinh thua trắng), yêu sách đường chín đoạn của TQ trở nên vô nghĩa và ngớ ngẩn. Tờ ABS-CBN của Philippines hồi tháng 7-2019 dẫn phát biểu của Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio nói rằng việc TQ tuyên truyền biển Đông thuộc về họ là “tin giả của thế kỷ”, “lời nói dối lịch sử”. Nếu họ lặp đi lặp lại luận điệu sai trái này mà không ai bác bỏ thì lâu dần sẽ có những người nghĩ lời nói dối đó là sự thật.
Bắt đầu giai đoạn hung hăng mới
Theo The Economist, dù gần đây dường như ngày càng ít thông tin về các hoạt động xây đảo nhân tạo nhưng sự hung hăng của TQ ở biển Đông vẫn không hề suy giảm. Trái lại, dường như TQ đang cho rằng các đảo nhân tạo phi pháp có thể tạo điều kiện cho họ khởi động một giai đoạn mới trong việc đơn phương tuyên bố và hành động ngang ngược, vô lý ở biển Đông bất chấp các quốc gia khác phản ứng quyết liệt.
Hiện nếu có ai nói rằng TQ không xây đảo nhân tạo nữa thì đó cũng chỉ là biểu hiện của việc Bắc Kinh đã hoàn thành gần như tất cả việc xây dựng phi pháp trên biển, ít nhất là đối với một số bãi ngầm họ chiếm đoạt trái phép cho đến lúc này. Gần đây, giới quan sát cho rằng bãi cạn Scarborough (bị TQ chiếm từ tay Philippines năm 2012) có thể là đối tượng tiếp theo TQ xây đảo nhân tạo, và Bắc Kinh thúc đẩy mục tiêu này trong giai đoạn Tổng thống Philippines Duterte, người có xu hướng gần gũi TQ, còn tại nhiệm.
Một số quan chức quân đội Mỹ cho rằng các “tiền đồn” trên biển hiện có thể giúp TQ ứng phó Mỹ nếu xung đột xảy ra ở biển Đông. Các hải cảng trên đảo nhân tạo đang giúp Bắc Kinh củng cố năng lực quốc phòng. Cũng có thể vì đó nên các tàu quân dân biển, tàu hải cảnh, đặc biệt là các đội tàu khảo sát địa chấn TQ hoạt động ngày càng nhiều và hung hăng hơn, bất chấp các nước ra sức phản đối, ứng phó. “Các con tàu khảo sát chạy đi chạy lại như những cái máy cắt cỏ” - chuyên gia Bill Hayton ví von.
Có thể nhắc lại vụ TQ ngang ngược đưa dàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam vào năm 2014 (và sau đó rời đi). Gần đây, tờ South China Morning Post cho biết TQ đang chuẩn bị đưa vào sử dụng những dàn khoan quy mô lớn hơn dàn khoan năm 2014 nhưng không biết thời gian và địa điểm chính xác mà (các) dàn khoan này có thể hoạt động.
Từ tháng 7-2019 đến nay, TQ nhiều lần ngang ngược đưa đội tàu Địa chất hải dương 8, có tàu dân quân biển và cảnh sát biển hộ tống, vào EEZ và thềm lục địa của Việt Nam. Bị phản ứng quyết liệt và kêu gọi thượng tôn pháp luật, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, TQ tuyên bố họ có chủ quyền ở quần đảo Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với bãi Tư Chính ở gần đó. Luận điệu này ngay lập tức bị lên án vì vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế, nhất là UNCLOS, đồng thời sai trái ở khía cạnh lịch sử.
Tàu Địa chất hải dương 8 của TQ. Ảnh: SCHOTTEL
Ngoài ra, TQ còn cho tàu xâm phạm các vùng biển của Philippines, Malaysia và quấy rối hoạt động kinh tế của các nước này trong bối cảnh ASEAN - TQ đang tiến hành đàm phán COC mà chính Bắc Kinh hối thúc nên hoàn thiện chậm nhất vào năm 2021.
Về tổng thể, TQ tiến hành: Tuần tra biển, khảo sát trên biển, thăm dò và khai thác tài nguyên trên biển, đe dọa các lực lượng cảnh sát biển và ngư dân các nước. Hành vi sai trái của TQ được thực hiện ở những vùng là EEZ và thềm lục địa của các nước khác. Nếu như từ năm 2013, TQ có ý đồ khiến các nước “quen” với việc xây đảo nhân tạo của họ thì giờ đây Bắc Kinh toan tính khiến các nước chấp nhận sự hiện diện, khai thác kinh tế của họ tại vùng biển mà theo luật quốc tế họ không có chủ quyền, càng không có tranh chấp hay chồng lấn.
Nhiệm vụ bất khả thi
Không phải mọi thứ đều có thể diễn ra theo ý muốn của TQ. Theo The Economist, có tin rằng hạ tầng của các đảo nhân tạo do TQ xây trái phép ở biển Đông đang hư hại dưới sự tác động của khí hậu khắc nghiệt ngoài biển. Vì TQ quá vội vàng trong việc xây dựng đảo nhân tạo (trong một tâm thế hối hả vì làm việc phạm pháp) nên để lại quá nhiều sơ hở, điểm yếu đối với hạ tầng và cơ sở vật chất trên các đảo nhân tạo. Thậm chí, có ý kiến cho rằng các đợt siêu bão trên biển có thể khiến các đảo nhân tạo TQ gánh thiệt hại nặng nề.
Điều quan trọng hơn, theo The Economist, phản ứng của các quốc gia trong và ngoài biển Đông trước hành xử sai trái của TQ ngày càng quyết liệt. Dù Philippines đang thúc đẩy chủ trương hợp tác và phát triển chung với TQ nhưng tới nay, cũng như những lời hứa đầu tư và viện trợ của Bắc Kinh vào Manila, tất cả cũng chỉ là phát ngôn ngoại giao và chưa có một văn bản nào được hai nước ký kết chính thức và thực thi.
TQ cũng không ngăn được các nước ở biển Đông khai thác tài nguyên, càng không cản được các quốc gia khác hợp tác khai thác tài nguyên với các nước ở biển Đông. Nói cách khác, TQ hù dọa nhưng đối với các nước, đường chín đoạn hay sự hăm dọa ngoại giao đều không đủ để họ nhân nhượng trước Bắc Kinh. Ngay cả Nga, vốn được xem là gần gũi TQ, cũng phản ứng chống lại TQ trong việc hung hăng, hăm dọa doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kinh tế hợp pháp và chính đáng trên biển.
Trong lúc TQ triển khai các chiến thuật mua chuộc và hăm dọa, Bắc Kinh cùng lúc muốn các nước ASEAN cùng thông qua một COC có lợi cho họ. Trong thời gian Philippines đảm nhiệm công việc điều phối quan hệ ASEAN - TQ đến 2021, Bắc Kinh kỳ vọng mối quan hệ nồng ấm Tập - Duterte sẽ giúp TQ chiếm ưu thế trên bàn đàm phán.
Tuy nhiên, ít nhất là Việt Nam, Malaysia hay các nước nhận ra tham vọng biến biển Đông thành “ao nhà” đều không thể để mối quan hệ Manila - Bắc Kinh thao túng nội dung COC. Ngoài ra, chính các đòi hỏi mơ hồ và ngớ ngẩn của TQ, như đường chín đoạn, chắc chắn sẽ không được chấp nhận. Trái lại, nếu đưa COC ra Liên Hiệp Quốc như một cách đảm bảo tính chính danh, phù hợp với UNCLOS thì TQ cũng phản đối. Bắc Kinh trước nay vốn muốn dùng COC để đẩy các nước thứ ba ra khỏi khu vực biển Đông, từ đó dễ dàng tác động đến các nước tại đây.
Như vậy, Bắc Kinh dù bước vào một giai đoạn mới - giảm dần hoạt động xây dựng đảo nhân tạo, thay vào đó sẽ tăng cường hoạt động quấy phá, yêu cầu các bên chấp nhận vùng biển bên trong đường chín đoạn phi pháp thuộc chủ quyền TQ. Tuy nhiên, càng đi xa TQ càng sai và nếu các nước khu vực đồng loạt đưa hình ảnh một TQ hung hăng và vô lý ra cộng đồng quốc tế, Bắc Kinh sẽ sớm bị tẩy chay.