Hiện công tác xây dựng chuẩn bị cho lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ nhiệm kỳ bốn năm tới vào ngày 20-1-2021 đã bắt đầu tại trung tâm thủ đô Washington, D.C. Tuy nhiên, diễn biến hậu bầu cử Mỹ năm nay lại không suôn sẻ như các kỳ bầu cử trước.
Chiến thắng đã được các hãng truyền thông lớn nhỏ của Mỹ xác định thuộc về ứng viên Dân chủ Joe Biden - giống với ứng viên Cộng hòa Donald Trump năm 2016. Kết quả được chứng thực cuối cùng phải vài tuần nữa mới có nhưng gần như chắc chắn sẽ không thay đổi được thực tế là ông Biden đã thắng ông Trump trong cuộc bầu cử ngày 3-11. Ông Biden cũng đã được hàng loạt lãnh đạo thế giới chúc mừng nhưng khả năng lớn ông sẽ không có được một quá trình nhận chuyển giao quyền lực suôn sẻ như ông Trump từng nhận từ người tiền nhiệm Barack Obama năm 2016, vì hiện ông Trump vẫn chưa chấp nhận thua cuộc.
Ông Biden đang rất khẩn trương
Có thể nói ông Biden không bỏ lỡ giây nào cho kế hoạch hành động của mình. Sau khi được xác định là người thắng cử, ông Biden bắt tay ngay vào xúc tiến ưu tiên số một: Khống chế đại dịch COVID-19. Ngay trong ngày 9-11, ông Biden họp báo công bố đội đặc nhiệm chống dịch. Điểm lưu ý là trong ngày này có tới hai cuộc họp báo của cả chính phủ chuyển tiếp và chính phủ đương nhiệm về COVID-19. Vài giờ sau khi ông Biden họp báo thì Phó Tổng thống Mike Pence cũng họp báo tại Nhà Trắng về nội dung chống dịch.
Ông Joe Biden họp trực tuyến với đội chống dịch COVID-19 ngày 10-11. Ảnh: REUTERS
Bài phát biểu trên truyền hình của ông Biden về khủng hoảng COVID-19 mang cung cách hoàn toàn khác ông Trump. Trong khi ông Trump xem nhẹ chuyện mang khẩu trang và nói virus sẽ tự biến mất thì ông Biden nói đeo khẩu trang là cách đơn giản tốt nhất để kiểm soát tình hình. Ông Biden hoan nghênh diễn biến khả quan của việc phát triển vaccine nhưng cũng thận trọng phải “nhiều tháng nữa” trước khi có thể tiến hành tiêm chủng hàng loạt, nên người dân vẫn nên mang khẩu trang, thậm chí ông nói ông sẽ bắt buộc điều này thành quy định một khi chính thức làm tổng thống.
Bên cạnh đối phó COVID-19, trong ngày 9-11, ông Biden và liên danh phó tổng thống - bà Kamala Harris cũng họp với các cố vấn chuyển tiếp.
Ông Trump “vẫn đang trong cuộc chiến”
Mọi chuyện sẽ không dễ với ông Biden hay nói cách khác là chưa biết đội ngũ chuyển tiếp của ông sẽ làm được gì và làm được bao nhiêu khi ông Trump “vẫn còn đang trong cuộc chiến” và vẫn từ chối hợp tác chuyển giao quyền lực - như lời người quản lý tranh cử của ông Trump nói với đài CNN ngày 9-11.
Phía ông Trump hiện vẫn theo đuổi hàng loạt vụ kiện ở các tòa án về chuyện bỏ phiếu, kiểm phiếu, cáo buộc cuộc bầu cử bị gian lận, mà sẽ phải mất nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần mới có kết luận. Trong ngày 9-11, ông Trump tiếp tục chỉ đạo các đội ngũ pháp lý và đội tranh cử theo đuổi kiện kết quả bầu cử. Các quan chức hàng đầu đội tranh cử triệu tập toàn bộ nhân viên về họp tại trụ sở ở ngoại ô bang Virginia bàn việc này. Các quản lý tranh cử nói rằng ông Trump “vẫn đang trong cuộc chiến”.
Tổng thống Donald Trump chơi golf tại sân golf riêng của ông ở Sterling, bang Virginia (Mỹ) chiều 7-11 khi kết quả bầu cử được truyền thông đồng loạt công bố với chiến thắng thuộc về ứng viên Joe Biden. Ảnh: ABC NEWS
Theo thông tin từ CNN thì phía ông Trump định công bố cáo phó của những người đã chết mà bên này cho là có tên trong số cử tri bỏ phiếu cho ông Biden. Ông Trump cũng đang được con rể kiêm cố vấn cấp cao Jared Kushner, luật sư riêng Rudy Giuliani - cố vấn tranh cử đề nghị nên tổ chức vận động dạng tranh cử khắp nước Mỹ kêu gọi kiểm lại phiếu.
Tuy nhiên, theo các nguồn tin của CNN thì cũng chính con rể Kushner và cả đệ nhất phu nhân Melania Trump đã bàn về chuyện ông Trump nên thừa nhận thất bại. Song hai người con trai lớn của ông Trump là Donald Trump Jr. và Eric Trump thì khuyên cha không từ bỏ.
Hiện chính phủ ông Trump vẫn chưa xúc tiến ký tá giấy tờ để chính thức bắt đầu tiến trình chuyển tiếp. Bên trong Nhà Trắng hiện vẫn có suy nghĩ chung là chuyện chuyển tiếp sẽ không thể xúc tiến một khi ông Trump chưa nhận thua hay chính phủ ông Trump chính thức tuyên bố ông Biden là người chiến thắng.
Liệu ông Trump có né được chuyển tiếp?
Tuy nhiên, hãng tin Reuters dẫn nhận định nhiều chuyên gia an ninh quốc gia Mỹ cho rằng dù ông Trump có không hài lòng về kết quả bầu cử thì cũng không thay đổi được truyền thống chuyển tiếp quyền lực hòa bình của Mỹ. Theo các chuyên gia, ông Biden hoàn toàn có thể nhận chuyển giao quyền lực và ông Trump chỉ có thể làm chậm chút ít tiến trình này.
Các quan chức chính phủ có lời thề phải tôn trọng hiến pháp Mỹ. Lời thề này yêu cầu phải công nhận ông Biden là tổng thống đắc cử nếu ông được từ 270 đại cử tri trở lên bầu chọn, bất kể ông Trump nói gì. Hơn nữa, Luật Chuyển tiếp tổng thống năm 1963 yêu cầu các công chức phải tuân thủ tiến trình chuyển tiếp. Sau cuộc bầu cử, các công chức có thời hạn phải cung cấp dữ liệu cũng như cách tiếp cận công việc cho các công chức mới.
Theo luật, tiến trình chuyển tiếp sẽ chuyển sang một trạng thái gấp hơn một khi Cơ quan Quản lý các dịch vụ công (GSA) vốn quản lý các trụ sở liên bang xác định rõ ràng người chiến thắng. Thời điểm này đội chuyển tiếp của tổng thống đắc cử có thể thu thập các báo cáo, tiếp cận các quỹ, gửi đại diện đến các cơ quan chính phủ. Hiện GSA đang làm áp lực để ông Trump chính thức công nhận ông Biden là tổng thống đắc cử và tạo điều kiện chuyển tiếp quyền lực.•
Ông Trump sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Esper
Tình hình thêm rối khi ông Trump ngày 9-11 lên Twitter thông báo ông đã sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper. Thông báo sa thải cấp dưới trên Twitter là một thói quen của ông Trump nhưng với một vị trí quan trọng như bộ trưởng Quốc phòng và đặc biệt vào thời điểm sắp kết thúc nhiệm kỳ thì động thái này gây khá nhiều tranh cãi.
Ông Trump và ông Esper từng bất đồng lớn quanh chuyện ông Trump muốn đưa quân đội dẹp bạo loạn biểu tình sau sự việc người da màu George Floyd bị cảnh sát da trắng dùng gối ghè cổ đến chết nhưng ông Esper không chịu. Bị sa thải không bất ngờ với ông Epser vì vài tuần trước bầu cử ông đã có sẵn một lá thư từ chức.
Đây có thể là bước đi đầu tiên đánh dấu bước khởi đầu của 72 ngày - từ ngày ông Biden được xác định chiến thắng tới ngày ông nhậm chức (20-1-2021) - không chắc chắn nhất lịch sử hiện đại Mỹ. Truyền thông Mỹ dự báo sau ông Esper có thể sẽ đến Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray và Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Gina Haspel phải ra đi.
Hai nhân vật này có nhiều bất đồng với ông Trump và truyền thông Mỹ từng đưa tin ông cân nhắc sa thải hai người này sau bầu cử. Việc ba nhân vật này ra đi khả năng lớn sẽ làm tăng thêm sự rối loạn bên trong chính phủ Trump ở giai đoạn chuyển tiếp.
(PLO)- Khó khăn chờ đón Tổng thống tân cử Joe Biden là một nước Mỹ đang trên đà suy thoái về kinh tế - xã hội do tác động nặng nề của đại dịch COVID-19.