8 nước trừ Trung Quốc ký Hiệp định đưa người lên mặt trăng

Hãng tin Channel News Asia dẫn thông báo ngày 13-10 của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA) cho biết tám quốc gia đã ký một thỏa thuận quốc tế về hoạt động khám phá mặt trăng, được gọi là Hiệp định Artemis.

Đây là nỗ lực của NASA nhằm hình thành các tiêu chuẩn đối với hoạt động xây dựng các cơ sở lâu dài trên bề mặt mặt trăng.

Hiệp định sẽ mở đường cho tám thành viên sáng lập - Úc, Canada, Ý, Nhật, Luxembourg, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Anh và Mỹ - tham gia vào chương trình Artemis của NASA với kế hoạch đưa các phi hành gia quay trở lại mặt trăng vào năm 2024.

“Artemis sẽ là chương trình khám phá vũ trụ quốc tế đa dạng và rộng lớn nhất của con người trong lịch sử, và Hiệp định Artemis là kênh giúp hình thành liên minh toàn cầu duy nhất này” - Giám đốc NASA Jim Bridenstine cho biết.

"Với việc ký kết hôm nay, chúng tôi đang thống nhất với các đối tác của mình trong vấn đề khám phá mặt trăng và đã thiết lập các nguyên tắc quan trọng nhằm tạo ra một tương lai an toàn, hòa bình và thịnh vượng trong không gian cho cả nhân loại" – ông Bridenstine nói thêm.

Chương trình Artemis của NASA. Ảnh: AFP

Với vai trò dẫn đầu chương trình Artemis, NASA nhấn mạnh sự cần thiết của các mối quan hệ đối tác quốc tế trong việc thiết lập sự hiện diện bền vững trên mặt trăng, điều được xem là chìa khóa trước sứ mệnh cuối cùng của con người lên sao Hỏa.

Chẳng hạn, NASA hy vọng sẽ khai quật băng từ cực nam của mặt trăng để cung cấp nước uống và tách các phân tử ra để làm nhiên liệu giúp tên lửa tiếp tục cuộc hành trình. NASA cũng có kế hoạch thiết lập một trạm vũ trụ quỹ đạo có tên là Gateway.

Ông Bridenstine cho biết Hiệp định Artemis sẽ củng cố và thực hiện phù hợp với Hiệp ước Ngoài không gian năm 1967, theo đó được chia thành 10 nguyên tắc.

Chẳng hạn, các bên ký cam kết tuân thủ hoạt động thăm dò một cách hòa bình, minh bạch, tạo ra các hệ thống phần cứng mà mọi quốc gia thành viên có thể cùng vận hành, cũng như các thành viên đăng ký các thiết bị vũ trụ của mình.

Các nguyên tắc khác bao gồm đảm bảo các thành viên sẽ hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp khẩn cấp, công khai dữ liệu khoa học, bảo tồn di sản ngoài không gian và lập kế hoạch xử lý an toàn các mảnh vỡ không gian.

Thông báo của NASA được đưa ra một ngày sau khi ông Dmitry Rogozin - Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos – hôm 12-10 cho biết Nga có thể không tham gia kế hoạch lập trạm không gian trên quỹ đạo mặt trăng Gateway của Mỹ. Động thái của Nga có thể sẽ đánh dấu khả năng chấm dứt sự hợp tác chặt chẽ giữa Mỹ và Nga trên Trạm không gian quốc tế (ISS) suốt hai thập niên.

Hiệp định Artemis cũng loại trừ Trung Quốc, một đối thủ đang nổi lên trong lĩnh vực không gian của Mỹ. Trung Quốc có một chương trình khám phá mặt trăng riêng với hệ thống các đối tác quốc tế của riêng mình.

Hồi tháng 9, một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc - Đức đã công bố các phép đo bức xạ hàng ngày trên bề mặt mặt trăng do tàu đổ bộ Chang'E 4 ghi lại vào năm 2019.

Họ đã công bố mức độ bức xạ sẽ giới hạn các phi hành gia trong thời gian hai hoặc ba tháng trên mặt trăng - thông tin quan trọng mà các sứ mệnh Apollo của Mỹ trong những năm 1960 và 1970 đã không thu thập được.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm