Mức độ bức xạ trên mặt trăng cao gấp 200 lần trên Trái Đất

Với việc ngày càng có nhiều quốc gia dự tính đưa người lên mặt trăng trong những thập niên tới, các nhà khoa học Trung Quốc và Đức đã thực hiện một nghiên cứu với kết luận về mức độ bức xạ mà các nhà phi hành gia có thể tiếp xúc trên mặt trăng.

Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances hôm 25-9, với nhiều thông tin hữu ích có thể giúp các phi hành gia xác định mức che chắn bảo vệ cần có khi du hành lên mặt trăng trong tương lai.

Theo đó, một phi hành gia sẽ tiếp xúc với liều lượng bức xạ trung bình hàng ngày là 1,369 microsievert trên bề mặt của mặt trăng, tờ South China Morning Post đưa tin.

Nghiên cứu mới được tiến hành dựa trên dữ liệu thu thập từ tàu đổ bộ Chang’e 4 của Trung Quốc hiện đang làm nhiệm vụ khám phá vùng phía xa của mặt trăng, bằng cách thực hiện một loạt phép đo đối với các hạt mang điện và trung tính trên bề mặt hành tinh này. 

Mô hình 3D phi hành gia Trung Quốc cắm cờ trên mặt trăng. Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST

Nhà vật lý học tại Đại học Kiel (Đức) Robert Wimmer-Schweingruber cho biết mức độ bức xạ đo được trên mặt trăng mỗi giờ cao hơn trái đất khoảng 200 lần và cao hơn từ năm đến mười lần so với mức mà một hành khách trải qua trên chuyến bay xuyên lục địa.

“Vì các phi hành gia sẽ ở trên mặt trăng lâu hơn nhiều so với những hành khách trên máy bay, nên mức độ tiếp xúc với bức xạ sẽ rất đáng kể” - nhà vật lý học người Đức tiết lộ.

“Việc tàu Chang'e-4 hoạt động cách xa mặt trăng đã tạo nên sự che chắn vừa đủ, giống như bộ đồ bảo vệ của các phi hành gia khi ra ngoài vũ trụ vậy. Những phát hiện này hoàn toàn có thể áp dụng cho sau này” - ông Wimmer-Schweingruber nói.

Bức xạ ngoài không gian có thể gây nhiều rủi ro lớn đối với sức khỏe của các phi hành gia như bệnh ung thư, đục thủy tinh thể, các bệnh thoái hóa hệ thần kinh trung ương hoặc các hệ cơ quan khác.

Nghiên cứu cũng cho biết thêm rằng vệc tiếp xúc nhiều với các hạt bức xạ từ mặt trời mà không có đủ sự che chắn cũng có nguy cơ gây ra các phản ứng phụ nghiêm trọng.

“Phép đo trong bài nghiên cứu còn có thể được sử dụng để phát triển thêm các mô hình đo lường, ước tính trước mức phơi nhiễm bức xạ dự kiến cho các chuyến bay vào vũ trụ trong tương lai đến những hành tinh khác, như sao Hỏa” - ông Wimmer-Schweingruber nói thêm.

Những phát hiện mới của bài nghiên cứu được đưa ra vào thời điểm một số quốc gia đang lên kế hoạch dài hạn để có thể sớm đưa con người lên mặt trăng.

Tuần trước, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã công bố kế hoạch đưa người phụ nữ đầu tiên lên mặt trăng vào năm 2024 và dự định sẽ để cho các phi hành đoàn ở lại một khoảng thời gian dài.

Trước đó vào năm 2016, Trung Quốc cũng đã tuyên bố dự kiến sẽ đưa người lên mặt trăng vào năm 2036, theo SCMP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm