Ấn Độ tạm giữ binh lính Trung Quốc cố phá hoại sau khi vượt ranh giới LAC

Khoảng 200 binh sĩ Trung Quốc từ Tây Tạng mới đây đã tràn sang phía Ấn Độ và cố gắng phá hoại các boongke tại đây, trang News18 - nền tảng tin tức liên quan hãng CNN - dẫn các nguồn tin chính phủ Ấn Độ cho biết.

Ấn Độ giữ binh sĩ Trung Quốc

Theo các nguồn tin, một số binh sĩ Trung Quốc trong số 200 người trên đã bị binh lính Ấn Độ tạm giữ tại thị trấn Tawang thuộc bang Arunachal Pradesh (Ấn Độ).

Vụ việc xảy ra hồi tuần trước ở khu vực giữa đèo Bum La Pass (bang Arunachal Pradesh) và khu vực Yangtse (bang Arunachal Pradesh), gần Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC).

Ấn Độ tạm giữ binh lính Trung Quốc cố phá hoại sau khi vượt qua ranh giới LAC. Ảnh: AFP

Theo các nguồn tin, Trung Quốc và Ấn Độ hồi tuần trước đã xảy ra vụ tranh chấp quyết liệt khi đội tuần tra của Bắc Kinh vượt qua LAC sang phía Ấn Độ. Một số binh sĩ Trung Quốc đã bị phía Ấn Độ tạm giam giữ.

“Vấn đề sau đó đã được giải quyết ở cấp chỉ huy quân sự địa phương” - một nguồn tin trong chính phủ Ấn Độ nói với News18.

Phía quân đội hai bên chưa đưa ra bình luận về vụ việc trên. Tuy nhiên, các nguồn tin quốc phòng và an ninh nói với News18 rằng không có thiệt hại nào đối với hệ thống phòng thủ của Ấn Độ.

“Biên giới Ấn Độ - Trung Quốc chưa được phân định chính thức. Do đó, có sự khác biệt trong nhận thức về LAC giữa các quốc gia" - nguồn tin cho biết.

"Hòa bình và sự bình yên ở những khu vực, nơi tồn tại nhận thức khác nhau này, đã có thể có được bằng cách tuân thủ các thỏa thuận và giao thức hiện có giữa hai nước” - nguồn tin cho biết, nói thêm rằng hai bên đều thực hiện các hoạt động tuần tra theo nhận thức của riêng họ.

“Bất cứ khi nào lực lượng tuần tra của hai bên chạm mặt nhau, tình hình được quản lý theo các giao thức và cơ chế đã được thiết lập mà hai bên đã nhất trí” – nguồn tin cho hay, nói thêm rằng “việc chạm mặt trực tiếp có thể kéo dài vài tiếng.

Theo News18, việc Trung Quốc gây hấn trong khu vực không phải là mới. Vào năm 2016, hơn 200 binh lính Trung Quốc được cho là đã vượt qua LAC tiến vào phía Ấn Độ tại khu vực Yangtse, nhưng đã quay trở lại sau vài giờ.

Năm 2011, quân đội Trung Quốc đã cố gắng phá bỏ bức tường dài 250 m bên kia phía Ấn Độ của LAC và làm hư hại bức tường này, động thái khiến New Delhi phản đối Bắc Kinh.

Động thái mới nhất diễn ra chỉ hơn một tháng sau một vụ việc tương tự, khi quân đội Trung Quốc được cho là đã thực hiện các cuộc tuần tra quyết liệt trong khu vực Barahoti thuộc bang Uttarakhand gần LAC. Theo một báo cáo trên tờ Economic Times, phía binh lính Trung Quốc đã hiện diện tại khu vực này trong vài giờ đồng hồ trước khi quay trở lại.

Ấn Độ tạm giữ binh lính Trung Quốc cố phá hoại sau khi vượt qua ranh giới LAC. Ảnh: PTI

Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục giao tranh tại LAC ở phía đông khu vực Ladakh kể từ tháng 5-2020, mặc dù hai bên đã rút quân khỏi khu vực nhạy cảm Pangong Tso và khu vực Gogra sau một loạt đàm phán quân sự và ngoại giao.

Tuy nhiên, tình hình căng thẳng vẫn chưa có dấu hiệu xuống thang khi hai bên tiếp tục duy trì hàng nghìn binh sĩ bổ sung dọc LAC.

Ấn Độ và Trung Quốc sẽ sớm tổ chức vòng đàm phán cấp Tư lệnh Quân đoàn lần thứ 13 ở phía đông Ladakh, trong đó trọng tâm có thể sẽ là việc giải tán binh lính tại khu vực Hot Springs.

Tuy nhiên, trong khi nỗ lực rút quân đang được thúc đẩy ở phía đông Ladakh, các động thái xâm nhập mới đây cho thấy Trung Quốc đang cố gắng mở rộng phạm vi xâm nhập sang các khu vực phía đông và trung tâm.

Vị trí chiến lược của Tawang

Theo News18, khu vực Tawang có tầm quan trọng đối với Ấn Độ. Về mặt chiến lược, Tawang giúp tiếp cận vùng đồng bằng Brahmaputra và cung cấp trục ngắn nhất đến TP. Tezpur thuộc bang Assam.

Một quan chức quốc phòng cấp cao nói với News18 rằng các đường dây liên lạc từ Tawang kéo dài đến TP. Guwahati (bang Assam) và hành lang Siliguri kéo dài, điều khiến Tawang trở nên quan trọng theo khía cạnh quân sự.

“Ba con đường chính ở đó - Bomdilla, Nechiphu và Se La (kết nối Tawang với phần còn lại của bang Arunachal Pradesh) - hỗ trợ Ấn Độ triển khai hệ thống phòng thủ” – quan chức này cho biết.

Hiện tại, quân đội Ấn Độ đang chuẩn bị cho một mùa đông khắc nghiệt nữa dọc LAC. 

Trong khi Trung Quốc đang tiến hành nâng cấp cơ sở hạ tầng lớn bên phía mình, thì ở phía còn lại của LAC, Ấn Độ cũng đang nhanh chóng phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn trong khu vực để có thể cung cấp nơi đồn trú cho hàng nghìn trong số 50.000-60.000 quân bổ sung được điều đến LAC - chủ yếu ở khu vực phía đông Ladakh - kể từ năm 2020.

Do đó, điều kiện sống của các binh sĩ sẽ tương đối tốt hơn so với năm ngoái, các nguồn tin quốc phòng cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm