Theo nhóm luật sư bào chữa cho Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, bà cho biết một số lời khai chống lại bà trong phiên chất vấn đầu tiên là sai sự thật và cần được kiểm tra chéo, hãng AP đưa tin.
Sau phiên chất vấn ở thủ đô Naypyidaw hôm 21-6, bà Min Min Soe - một trong số các luật sư bào chữa của bà Suu Kyi - nói rằng bà đã cho biết lời khai nào là sai sự thật, lời khai nào cần được kiểm tra chéo sau khi bà lắng nghe toàn bộ quá trình điều trần. Tuy nhiên, vị luật sư này không nêu cụ thể các lời khai không đúng sự thật mà bà Suu Kyi đề cập.
Trong phiên tòa hôm 21-6, ông Kyi Win - một luật sư khác của bà Suu Kyi - cho biết cảnh sát và một quan chức địa phương đưa ra lời khai liên quan đến cáo buộc vi phạm quy định phòng chống đại dịch, cáo buộc nhập khẩu và sử dụng trái phép các thiết bị điện tử.
Bà Min Min Soe - một trong số các luật sư bào chữa của bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: AP
Luật sư Kyi Win cho biết thêm rằng một đại úy quân đội đã làm chứng về việc nhập khẩu trái phép các thiết bị điện tử của bà Suu Kyi.
“Những gì ông ấy có thể nói là ông ấy đã được nhận các thiết bị viễn thông. Và ông ta không còn biết gì thêm nữa" - luật sư Kyi Win cho biết.
Trong phiên xét xử, bà Suu Kyi đã bị cáo buộc nhập khẩu trái phép các thiết bị điện tử và vi phạm các quy định về phòng chống đại dịch COVID-19 trong cuộc bầu cử vào năm 2020.
Các cáo buộc trong phiên chất vấn là những tội danh tương đối nhỏ, song nếu bị kết tội, bà sẽ không thể tham gia cuộc bầu cử mới mà chính quyền quân sự nước này cam kết sẽ tổ chức trong vòng hai năm kể từ khi nắm quyền.
Tuy nhiên, theo AP, ngay cả khi được trắng án, bà vẫn còn hai tội nghiêm trọng hơn vẫn chưa được đưa ra xét xử, gồm vi phạm đạo luật về bí mật quốc gia (có thể bị phạt tù tới 14 năm) và nhận hối lộ (có mức án tối đa 15 năm tù).
Trước đó, vào ngày 1-2, Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức cấp cao của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NLD) bất ngờ bị quân đội nước này bắt giữ. Vụ việc này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình phản đối chính biến trên khắp lãnh thổ Myanmar, dẫn đến nhiều cuộc đụng độ, trấn áp từ phía chính quyền khiến hàng trăm người thiệt mạng.