Bà Aung San Suu Kyi sẽ tiếp tục hầu toà

Hôm 7-6, luật sư của Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi cho biết bà Suu Kyi sẽ hầu tòa vào đầu tuần tới, kênh Channel News Asia đưa tin.

Theo luật sư, bà Suu Kyi  sẽ ra tòa vào ngày 14-6 tại thủ đô Naypyidaw. Bên cạnh đó, nhóm luật sư của bà Suu Kyi cũng cho biết phiên xét xử sẽ bắt đầu vào ngày 14-6 và dự kiến kết thúc vào ngày 26-7.

Hiện bà Suu Kyi đang phải đối mặt với nhiều cáo buộc từ việc sở hữu các thiết bị liên lạc trái phép, đến vi phạm các biện pháp hạn chế COVID-19 vì tổ chức sự kiện vận động tranh cử hồi tháng 11-2020 và đặc biệt nhất là tội vi phạm luật bí mật quốc gia.

Ngoài ra, luật sư của bà Suu Kyi cho biết bà cũng sẽ xuất hiện trong một phiên tòa riêng biệt dự kiến bắt đầu vào ngày 15-6. Tại phiên toà này, bà cùng với Tổng thống dân sự Win Myint và lãnh đạo cao cấp của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) Dr Myo Aung sẽ phải đối mặt với cáo buộc xúi giục nổi loạn.

Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi (Ảnh chụp vào tháng 12-2019). Ảnh: AP

Theo một phóng viên của hãng thông tấn AFP, rất nhiều cảnh sát đã có mặt tại Naypyidaw, gần với trụ sở toà án sẽ xét xử bà Suu Kyi và các rào chắn đã được dựng dọc theo các con phố dẫn tới khu vực này.

Trước đó, vào ngày 24-5, bà Suu Kyi đã ra hầu toà lần đầu tiên kể từ khi xảy ra chính biến ở Myanmar vào ngày 1-2, theo hãng tin Reuters. Cũng theo Reuters, luật sư riêng của bà Suu Kyi cho biết bà vẫn trong tình trạng sức khoẻ tốt và bà gửi lời chúc sức khoẻ đến tất cả mọi người. 

Cũng trong ngày 7-6, tại Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc diễn ra tại Trùng Khánh (Trung Quốc), Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan cho biết việc giải quyết tình hình khủng hoảng tại Myanmar diễn ra rất chậm là một điều đáng thất vọng.

Ông Balakrishnan phát biểu: “Thành thật mà nói, chúng tôi thất vọng về tiến độ chậm, thậm chí là rất chậm (trong việc giải quyết khủng hoảng Myanmar). Chúng tôi biết rằng vẫn có những thường dân đang bị thương hoặc thiệt mạng. Những người bị giam giữ vẫn chưa được thả. Không có dấu hiệu thực sự của đối thoại và thương lượng chính trị có ý nghĩa”.

Tiến sĩ Balakrishnan nhắc lại rằng ASEAN không can thiệp để giải quyết vấn đề Myanmar mà “chỉ những người Myanmar mới có thể quyết định tương lai của họ”.

Ông nói rằng “việc bổ nhiệm một đặc phái viên ASEAN về vấn đề Myanmar cũng chỉ có ý nghĩa nếu nội bộ Myanmar thực sự mong muốn đối thoại, đàm phán và hòa giải”.

Tuy nhiên, ASEAN sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc hòa giải nếu có thể, nhưng chúng ASEAN sẽ phải chờ đợi. Ông Balakrishnan nói rằng “Thật đáng thất vọng nhưng đừng từ bỏ hy vọng”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm