Thắng lợi chóng vánh của lực lượng Taliban trước chính phủ Afghanistan có thể là “cú sốc mạnh” đối với các đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Á, và truyền thông Trung Quốc đang nhân cơ hội này để “nhắc nhở” Đài Loan xem lại mối quan hệ với Mỹ.
Ngày 15-8, Taliban đã kiểm soát thủ đô Kabul và tuyên bố kết thúc thắng lợi cuộc chiến ở Afghanistan. Chính quyền Kabul đã nhanh chóng sụp đổ, Tổng thống Afghanistan - ông Ashraf Ghani đã từ chức và rời khỏi đất nước.
Truyền thông Trung Quốc: Đài Loan nên học từ Afghanistan
Ngày 16-8, tờ Thời báo Hoàn Cầu, phụ san quốc tế của cơ quan ngôn luận cho đảng Cộng sản Trung Quốc, nhận định rằng bất ổn đang diễn ra tại Afghanistan là “một bài học mà Đài Loan cần học hỏi”. Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc, phản đối bất kỳ nỗ lực ly khai nào của hòn đảo này.
Taliban giành quyền kiểm soát dinh tổng thống Afghanistan sau không ông Ashraf Ghani từ chức tổng thống và rời khỏi đất nước hôm 15-8. Ảnh: AP
Tờ báo nhà nước của Trung Quốc gọi động thái của Mỹ đối với chính quyền Tổng thống Ashraf Ghani là “sự bỏ rơi” và nhận định đây là “cú sốc” mà nhiều nơi ở châu Á, nhất là Đài Loan, cảm nhận mạnh mẽ nhất.
“Không còn nghi ngờ gì nữa, Đài Loan là khu vực ở châu Á phụ thuộc nhiều nhất vào sự bảo vệ của Mỹ”, Thời báo Hoàn Cầu viết.
TS Lữ Tường, chuyên gia về Mỹ tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc, cũng cho rằng câu chuyện của Afghanistan cũng là “bài học” cho các nước Đông Nam Á - các nước ngay phía nam Trung Quốc nhưng có tầm quan trọng chiến lược với Mỹ trong khu vực tây Thái Bình Dương, theo tờ South China Morning Post.
GS quan hệ quốc tế Thời Yên Hoằng thuộc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ của ĐH Nhân dân Trung Quốc nhận định kết cục đáng tiếc ở Afghanistan có thể làm tổn hại uy tín của Washington, khiến các nước, đặc biệt là ở châu Á, nghi ngờ về các cam kết của Mỹ - điều vốn đã là vấn đề từ thời cựu Tổng thống Donald Trump. Hãng thông tấn Tân Hoa Xã cũng có những bình luận tương tự.
Tuy nhiên, ông Thời lưu ý rằng bất chấp một số câu hỏi về quan hệ với Mỹ được nêu ra ở Nhật, Úc hay Đài Loan, các quốc gia và vùng lãnh thổ này “có thể chọn tin rằng tầm quan trọng chiến lược của họ là lớn hơn” so với Afghanistan.
Đài Loan: "Đừng ảo tưởng"
Phản bác các quan điểm trên, Viện trưởng Hành chính viện Đài Loan Tô Trinh Xương hôm 17-8 tuyên bố rằng Đài Loan sẽ không sụp đổ chỉ sau một trận đánh như Afghanistan. Ông Tô cảnh báo Bắc Kinh không nên “ảo tưởng” rằng họ sẽ chiếm được Đài Loan.
Viện trưởng Viện Hành chính Đài Loan Tô Trinh Xương. Ảnh: CHINA TIMES
Ông Tô nhắc lại rằng Đài Loan từng trải qua những ngày khó khăn do chế độ hà khắc dưới thời Tưởng Giới Thạch. “Ngày nay, có những quốc gia hùng mạnh muốn nuốt chửng Đài Loan bằng vũ lực, và tương tự như vậy, chúng tôi cũng không sợ bị giết hoặc bị bỏ tù” - ông Tô nói tiếp.
Ông Tô kêu gọi người dân Đài Loan đoàn kết bảo vệ hòn đảo này, đồng thời chỉ trích “những người nói xấu về uy tín của kẻ thù”, ám chỉ các bình luận của giới truyền thông và học giả Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo Reuters, sự lo sợ Mỹ sẽ không sẵn lòng hỗ trợ nếu Đài Loan bị Trung Quốc đại lục tấn công từ lâu đã xuất hiện ở hòn đảo này. Đó được cho là lý do khiến nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn mong muốn và đang tham vọng phát triển ngành công nghệ vũ khí bản địa với tính năng tiên tiến và tính cơ động cao.
Về phía Mỹ, từ tháng 7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố cần phải rút quân khỏi Afghanistan để có thể “tập trung vào việc phát huy sức mạnh cốt lõi của Mỹ, đáp ứng cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và các quốc gia khác” - những mối quan hệ mà ông Biden cho là sẽ “thực sự quyết định tương lai”.
GS Thời cũng lưu ý rằng Trung Quốc nên, và có vẻ đang, thận trọng để chờ xem liệu biến động chính trị tại Afghanistan “có mang lại lợi ích cho Trung Quốc trong dài hạn hay không”.
Chuyên gia Trần Tương Miễu thuộc Viện Nghiên cứu quốc gia Trung Quốc về Biển Đông, cũng cảnh báo về những thách thức lớn hơn đối với Bắc Kinh sau khi Mỹ rút quân để lại Afghanistan cho Taliban.
Ông Trần cảnh báo Mỹ có thể gia tăng các nỗ lực nhắm tới Trung Quốc trong các vấn đề Biển Đông, ở các lĩnh vực an ninh, ngoại giao, kinh tế… và có thể kể cả vấn đề Myanmar.