Biển Đông: Báo động nguồn cá và san hô vì hoạt động Trung Quốc

Theo trang tin BenarNews ngày 5-10, giới chuyên gia đang lên tiếng báo động về thực trạng các rạn san hô ở Biển Đông đang bị hủy hoại, phần lớn do hoạt động bồi đắp xây dựng đảo nhân tạo phi pháp và đánh bắt hải sản quá mức của Trung Quốc.

Các chuyên gia cũng cho biết Trung Quốc gây khó khăn trong việc tiếp cận các rạn san hô phục vụ nghiên cứu, đồng thời kêu gọi sự hợp tác trong khu vực nhằm ngăn chặn việc đánh bắt hải sản quá mức.

Hồi chuông báo động

Theo một báo cáo nghiên cứu năm 2016, Biển Đông là khu vực có các rạn san hô phong phú và đa dạng sinh học, trải dài trên diện tích khoảng 458.430 km2. Hiện có khoảng 571 loài san hô và 3.794 loài cá sinh sống nơi đây.

Tuy nhiên, theo ông John McManus - giáo sư chuyên nghiên cứu về sinh vật biển tại Đại học Miami (Mỹ) - một số rạn san hô ở Biển Đông đã “biến mất vĩnh viễn” vì hoạt động bồi đắp xây dựng các căn cứ quân sự ngay trên chúng.

“Nếu con người bồi đắp xây dựng một thứ gì đó, nếu họ trút đất cát, gạch đá, xà bần xuống, chắc chắn sẽ không có cách nào để hồi phục” - ông McManus cho biết.

Hình ảnh vệ tinh ngày 5-10 cho thấy một mảng đá ngầm ở phía tây bắc của Đảo Phú Lâm đã được nạo vét, xung quanh là vùng nước màu xanh lam. Ảnh: PLANET LABS INC. 

Phần lớn các hoạt động bồi đắp xây dựng trên do Trung Quốc thực hiện, bao gồm các vụ nạo vét “đầy tai tiếng” tại đá Chữ Thập, đá Subi, đá Vành Khăn (tất cả đều thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và một số đảo nhỏ khác. Trung Quốc tiến hành các hoạt động này mạnh nhất trong giai đoạn năm 2014-2017, nhằm bồi đắp xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp làm tiền đồn quân sự.

Theo nghiên cứu của ông McManus, diện tích các rạn san hô bị phá hủy do hoạt động bồi đắp và săn lùng ngao sò của Trung Quốc lên đến khoảng 258.999 km2. Mặc dù Trung Quốc đã dừng các hoạt động xây dựng quy mô lớn từ năm 2017, song hình ảnh vệ tinh cho thấy nước này vẫn tiến hành hoạt động bồi đắp tại một số khu vực trên Biển Đông.

Chẳng hạn, một mảng san hô ở phía tây bắc của đảo Phú Lâm, tiền đồn quân sự chính của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa, vừa bị phá ra và nạo vét để xây dựng một cấu trúc chưa xác định. Hình ảnh vệ tinh cho thấy các thiết bị thi công xây dựng thường xuyên xuất hiện trên công trình đó kể từ đầu tháng 4.

Theo báo cáo của tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á năm 2019, một mối đe dọa lớn khác chính là hoạt động khai thác ngao sò của các đoàn tàu đánh cá Trung Quốc, với những chiếc tàu có gắn thêm hệ thống chân vịt, càn quét các khu vực như bãi cạn Scarborough và quần đảo Hoàng Sa.

Theo ông McManus, hầu như toàn bộ hoạt động đánh bắt trên Biển Đông được thực hiện bởi các đoàn tàu đánh cá từ thị trấn Đàm Môn, tỉnh Hải Nam, nơi hoạt động kinh doanh vỏ ngao sò đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương.

Trung Quốc gây khó khăn

Tương lai của các rạn san hô rất quan trọng đối với trữ lượng cá. Ngoài ngao sò, các loài cá khác cũng có mối quan hệ cộng sinh với các rạn san hô, đặc biệt đây là nơi ẩn náu của tất cả cá con trước khi chúng trưởng thành, sau đó bơi về các vùng ven biển Philippines, Việt Nam và nhiều vùng ở Malaysia.

Ông McManus cho biết số san hô bị phá hủy có thể phục hồi trong vòng 20 năm nếu con người có các biện pháp bảo tồn hợp lý.

Tàu cá Trung Quốc. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm tìm hiểu thêm về vai trò then chốt của các rạn san hô đối với môi trường biển, cùng với vấn đề đánh bắt quá mức đang gặp nhiều trở ngại do vấn đề tranh chấp lãnh hải trong khu vực.

“Không ai thật sự có được tất cả các thông tin họ cần” - ông McManus nói, đồng thời cho biết ông đã nghiên cứu khu vực này từ những năm 1990.

Ông liệt kê hai chuyến khảo sát khoa học ở Biển Đông lần lượt bị một chiến hạm và một máy bay chiến đấu của Trung Quốc rượt đuổi. Ông đã tận mắt chứng kiến vụ va chạm đầu tiên vào năm 2015 khi đi cùng một nhóm phóng viên Philippines đến các tiền đồn của Philippines ở khu vực quần đảo Trường Sa.

“Nếu mọi người vào khu vực đó trên một chiếc tàu nghiên cứu thì khả năng cao là một trong số các tàu hải cảnh Trung Quốc sẽ tiến đến và lao mạnh vào con tàu của bạn”ông McManus nói.

Ông ước lượng khoảng 20% trữ lượng cá đã bị khai thác quá mức ở Biển Đông, và hiện có nguy cơ biến mất hẳn, điều sẽ gây tác động rất lớn đến ngành đánh bắt hải sản.

Kêu gọi hợp tác khu vực

Bà Ma.Carmen A. Ablan Lagman - giáo sư chuyên ngành sinh học thuộc Đại học De La Salle (Philippines) - mô tả tình hình hiện nay như là một “cuộc chiến cá”, căn cứ trên quy mô đánh bắt bất hợp pháp và sự tranh chấp chủ quyền trong khu vực.

Bà Lagman và giáo sư McManus hồi tuần trước đã tham gia thảo luận về vấn đề này trên diễn đàn trực tuyến do Viện Nghiên cứu East West Center (Hawaii) tổ chức.

Tại diễn đàn, các nhà hải dương học đã kêu gọi chính phủ các nước thành lập một Tổ chức Quản lý ngành đánh bắt hải sản khu vực (RFMO) nhằm hỗ trợ các biện pháp bảo tồn ở Biển Đông và ngăn chặn tình trạng đánh bắt quá mức.

Hiện có một tổ chức RFMO ở Đông Nam Á được gọi là Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á, nhưng Trung Quốc không tham gia làm thành viên.

Giáo sư Lagman nhận định rằng thực trạng tranh chấp chủ quyền dẫn đến sự thúc đẩy các hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp hoặc vô kiểm soát. Theo bà, nếu một quốc gia cho rằng các ngư trường đều thuộc về họ theo luật nước mình, và quốc gia khác cũng có quan điểm tương tự, khi đó xung đột sẽ nảy sinh.

Điều này khiến triển vọng thành lập một tổ chức RFMO ngày càng khó khăn, đặc biệt có sự tham gia của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo ông McManus, điều đó không phải là không thể.

Ông chỉ ra một dấu hiệu cho thấy có sự hợp tác đang diễn ra, đó là Trung Quốc và các nhà khoa học nước này đã tham dự các hội thảo về quản lý nghề đánh bắt hải sản tại Biển Đông. Bất chấp lập trường chính trị của Bắc Kinh, ông cũng không cho rằng Trung Quốc đang kiểm duyệt hoặc che giấu bất kỳ nghiên cứu khoa học nào về các rạn san hô và hệ sinh thái ở vùng biển tranh chấp.

Ông McManus nhận định: “Chính Trung Quốc cũng sẽ phải chịu thiệt hại rất nhiều nếu các nguồn trữ lượng hải sản này mất đi. Vì vậy, một động lực thúc đẩy họ hợp tác đã xuất hiện và động lực này đang ngày càng mạnh hơn. Đáng tiếc, cái giá đánh đổi lại là rất nhiều hải sản đã biến mất”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm