Hôm 18-4, Đài Truyền hình Trung Quốc (TQ) - CGTN đưa tin Bắc Kinh phê chuẩn thành lập hai quận Tây Sa và Nam Sa quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam theo luật pháp quốc tế).
Được biết, Tây Sa và Nam Sa cũng chính là cách TQ gọi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Hai quận mới này sẽ trực thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa”, do TQ ngang ngược lập ra vào năm 2012.
Quận Tây Sa, có trụ sở chính quyền quận đặt ở đảo Phú Lâm, sẽ quản lý khu vực Tây Sa và Trung Sa (cách TQ gọi tên bãi cạn Scarbourough và bãi ngầm Macclesfield gần đảo Luzon của Philippines). Trong khi đó, quận Nam Sa có trụ sở tại đá Chữ Thập của Việt Nam, sẽ quản lý quần đảo Trường Sa cùng vùng biển xung quanh.
Phía Việt Nam đã không ngừng khẳng định chủ quyền hợp pháp đối với Trường Sa và Hoàng Sa dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 (mà TQ cũng là thành viên), đồng thời luôn phản đối các hành vi phạm pháp mà TQ thực hiện ở biển Đông, như việc Bắc Kinh đơn phương và vô lý thành lập hai quận đảo lần này.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS), một chuyên gia nghiên cứu về TQ và biển Đông nhiều năm, nhận định: Từ khi Tổng bí thư TQ Tập Cận Bình nhậm chức vào năm 2012, TQ đã theo đuổi chính sách đối ngoại mạnh bạo hơn ở khu vực biển Đông và dần dần ít quan tâm tới chỉ trích từ cộng đồng quốc tế.
Ý đồ của Trung Quốc
. Phóng viên: Ông nhận định như thế nào về ý đồ của TQ với động thái mới nhất lần này, thành lập trái phép hai quận đảo quản lý Trường Sa và Hoàng Sa?
+ TS Nguyễn Thành Trung: Khi thực hiện bước đi này, TQ muốn chính thức hóa sự kiểm soát thực tế của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mặc dù việc thành lập này là phạm pháp và không thay đổi thực tế là TQ vẫn đang chiếm giữ trái phép một số đảo ở đây, nhưng TQ muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ là họ sẽ không bao giờ từ bỏ các yêu sách về chủ quyền ở khu vực biển Đông. Rõ ràng, Bắc Kinh có những bước đi cụ thể để hiện thực hóa ý đồ từ chiếm giữ bất hợp pháp thành một lãnh thổ dưới quyền kiểm soát hành chánh.
Có thể thấy, TQ đã và đang dần biến khu vực (mà TQ gọi là) thành phố Tam Sa thành những khu vực có người cư trú lâu dài với khoảng 1.800 người. Việc TQ vô lý thành lập hai quận (huyện) mới để chính thức hóa quan điểm của họ là các thực thể mà TQ đang chiếm giữ có khả năng duy trì sự sống cho người cư ngụ.
. Mục tiêu lâu dài của TQ thông qua hành động lần này là gì, thưa ông?
+ Tôi suy đoán rằng bằng cách này, TQ cũng muốn phục vụ cho mục tiêu lâu dài khi Điều 121 khoản 3 của UNCLOS quy định “những đảo đá nào không thích hợp cho việc cư trú của con người hoặc một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”. TQ đang cố gắng chứng minh rằng đây là các đảo có người dân cư trú và lâu dài, do đó chúng có vùng đặc quyền kinh tế với 200 hải lý và thềm lục địa bao xung quanh đảo.
Phớt lờ công luận quốc tế
. Thời gian gần đây, TQ bị thế giới chỉ trích “lợi dụng dịch bệnh” để tiến hành các bước leo thang phi pháp. Ông có nghĩ rằng TQ lợi dụng dịch bệnh để đẩy nhanh quá trình bành trướng của họ trên biển?
+ Tôi cho rằng TQ có chiến lược lâu dài để độc chiếm biển Đông với các bước đi tịnh tiến theo kiểu cắt lớp (salami slicing), tránh sự thu hút và can thiệp của thế giới quá nhiều. Dù tình hình quốc tế thế nào thì họ cũng sẽ thực hiện các bước đi này, nhưng TQ luôn biết lựa chọn thời điểm để bảo đảm các hành động ít gây phản ứng nhất. Do đó, các hành động trước đây của họ thường mang yếu tố bất ngờ và lợi dụng tình huống cụ thể để đẩy nhanh quá trình bành trướng biển Đông.
Binh pháp Tôn Tử của TQ có câu “Công kỳ vô bị, xuất kỳ bất ý”, có nghĩa là nhân lúc kẻ địch không chuẩn bị, không nghĩ tới mà bất ngờ tấn công giành thắng lợi. Chính quyền TQ đang áp dụng rất tốt chiến thuật này. Tuy nhiên, nó chỉ làm cho thế giới chỉ trích mạnh hơn mà thôi, khi mà toàn cầu đang vật lộn chống dịch COVID-19. Tuy nhiên đối với TQ, điều này dường như vô nghĩa.
. Có vẻ như TQ không lo ngại các chỉ trích của dư luận quốc tế mà vẫn tiếp tục leo thang. Phải chăng sức ép từ dư luận, trong đó có cả các nước lớn như Mỹ, không có ý nghĩa gì với TQ?
+ Từ khi Tổng bí thư TQ Tập Cận Bình nhậm chức vào năm 2012, TQ đã theo đuổi chính sách đối ngoại mạnh bạo hơn ở khu vực biển Đông và dần dần ít quan tâm tới chỉ trích từ cộng đồng quốc tế. Các phản ứng ngoại giao của các quốc gia khác, các thể chế khu vực và quốc tế không làm thay đổi chính sách của TQ.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, TQ thậm chí mạnh mẽ phản pháo lại các chỉ trích từ các quốc gia khác. Các chuyến tuần tra tự do hàng hải (FONOPS) của hải quân Mỹ quanh các đảo TQ đang chiếm giữ trái phép ở khu vực biển Đông đã tăng rất nhiều vào năm 2019 so với các năm trước đó nhưng cũng không làm TQ ngừng đưa ra các bước đi độc chiếm biển Đông.
Hình ảnh các tháp radar, nhà chứa máy bay và tòa nhà năm tầng do Trung Quốc xây dựng trái phép tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam). Ảnh: NYT
Cần các sáng kiến mạng lưới kết nối quốc tế
. Liệu TQ có chịu thiệt hại gì với hành động sai phạm lần này?
+ Cho đến giờ này, tôi cho rằng hầu như TQ không bị thiệt hại ngoài bị ảnh hưởng tiêu cực về hình ảnh. Ngoài các chỉ trích từ giới hành pháp và lập pháp của Mỹ đối với việc tàu hải cảnh TQ đâm tàu cá Việt Nam chìm vào đầu tháng 4 thì hiện nay, thế giới đang bị hút vào các mối quan tâm về sức khỏe người dân của họ trong cơn đại dịch này.
. Hành động của TQ không khác nào công khai phủ nhận các chỉ trích cũng như cảnh báo từ Mỹ, điển hình là Bộ Ngoại giao, Lầu Năm góc và cả các nghị sĩ Mỹ. Theo ông, liệu phía Mỹ có thể làm gì hơn ngoài việc lên tiếng chỉ trích TQ trong thời gian tới?
+ Tôi cho rằng một mình Mỹ rất khó để ngăn cản cách hành động bành trướng vi phạm luật pháp quốc tế của TQ ở khu vực biển Đông. Sắp tới, Mỹ nên thúc đẩy mạnh mẽ các sáng kiến mạng lưới (network) kết nối các quốc gia đồng minh và đối tác của họ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hiện tại vẫn cho là rời rạc và thiếu thực chất.
Một trong những lý do đó là vai trò lãnh đạo dẫn dắt của Mỹ chưa được phát huy nhiều. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh ở châu Âu, Mỹ đã từng thành công với khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để đối chọi với khối hiệp ước Warsaw. Hiện nay khối NATO vẫn không ngừng mở rộng, trong khi khối hiệp ước Warsaw đã giải tán.
Mỹ có các sáng kiến ở khu vực Thái Bình Dương như khối tứ giác kim cương (Quad) bao gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, hay thậm chí khối này hiện nay mở rộng thành Quad plus với sự tham gia thêm của ba quốc gia Hàn Quốc, New Zealand và Việt Nam. Tuy nhiên, sáng kiến này vẫn chưa có nhiều bước đi thực chất để tăng tính liên kết và cam kết giữa các quốc gia thành viên.
Đơn giản là các quốc gia thành viên vẫn có mối quan hệ kinh tế, thương mại rất tốt với TQ, và một số quốc gia không muốn làm phật lòng TQ. Điều này hoàn toàn khác với thời Chiến tranh lạnh trước đây.
Việt Nam kêu gọi dừng các hành vi trái luật quốc tế Ngày 16-4, theo plo.vn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tham dự hội nghị trực tuyến cấp bộ trưởng Ngoại giao với chủ đề hợp tác quốc tế phòng, chống dịch COVID-19 trong khuôn khổ Liên minh vì chủ nghĩa đa phương. Nhằm cùng với cộng đồng quốc tế ứng phó hiệu quả với đại dịch này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đưa ra bốn đề xuất cụ thể. Trong đó, Phó Thủ tướng kêu gọi dừng các hoạt động ảnh hưởng đến nỗ lực ứng phó với dịch bệnh, nhất là chấm dứt các hành vi cường quyền, đơn phương trái với luật pháp quốc tế; ủng hộ lời kêu gọi của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về ngừng bắn trên toàn cầu và gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt làm suy yếu khả năng ứng phó với đại dịch của các quốc gia. ----- Mỹ yêu cầu Trung Quốc ngừng "hành vi bắt nạt" ở biển Đông Ngày 18-4, Mỹ yêu cầu TQ chấm dứt hành vi bắt nạt ở biển Đông, đồng thời bày tỏ quan ngại trước thông tin “các hành động khiêu khích” lặp đi lặp lại của Bắc Kinh đối với các hoạt động khai thác dầu khí ở biển Đông, theo hãng tin Reuters. "Mỹ bày tỏ quan ngại trước các báo cáo về những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của TQ đối với hoạt động khai thác dầu và khí đốt của các bên khác (ở biển Đông). TQ nên chấm dứt hành vi bắt nạt và loại hoạt động khiêu khích, gây bất ổn này" - Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 18-4 tuyên bố khi được hỏi về việc tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 của TQ hiện diện ở vùng biển Malaysia. Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm, các hành động của TQ đe dọa an ninh năng lượng khu vực và làm suy yếu thị trường năng lượng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở. |