Hôm thứ Tư (8-4), Bộ Ngoại giao Philippines lên tiếng ủng hộ Việt Nam (VN) liên quan đến việc tàu hải cảnh Trung Quốc (TQ) đâm tàu cá ngư dân VN.
Trước đó, ngày 3-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Thị Thu Hằng cho biết đại diện Bộ Ngoại giao đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán TQ và trao công hàm phản đối, yêu cầu phía TQ điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu hải cảnh TQ đã đâm chìm tàu cá của ngư dân VN. VN yêu cầu TQ không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân VN.
Việt Nam được ủng hộ
Trong thông báo của Bộ Ngoại giao Philippines, nước này nhắc lại sự kiện tàu cá của ngư dân Philippines bị tàu TQ đâm chìm gần bãi Cỏ Rong (thuộc quần đảo Trường Sa, chủ quyền của VN) vào tối 9-6-2019. Rất may, 22 ngư dân trên tàu sau đó được một tàu VN cứu.
Thông báo của Philippines cho thấy mối quan hệ “tình bạn” giữa Manila và Bắc Kinh đã xấu đi vì vụ đâm tàu hồi năm ngoái, đồng thời khẳng định “hành động nhân văn của VN” với ngư dân Philippines đã tạo ra niềm tin với Manila. Phía Philippines cho biết “đã không ngừng và sẽ tiếp tục cám ơn VN” vì cứu sống hàng chục ngư dân Philippines trong bối cảnh gặp nạn và bị tàu TQ bỏ rơi. Việc đưa ra thông báo lần này, theo Bộ Ngoại giao Philippines, là nhằm bày tỏ “tình đoàn kết” giữa hai quốc gia (có cùng vấn đề và mối quan tâm chung).
Về hành động của TQ, Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh rằng các vụ việc như đâm chìm tàu cá VN vừa qua đã khiến quan hệ giữa ASEAN và TQ bị xói mòn trong bối cảnh hai bên đang thúc đẩy đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Việc TQ tạo ra các sự cố như va đâm tàu trên biển sẽ không thể làm phát sinh hay tạo ra thêm cho chính quyền Bắc Kinh quyền lợi mới hợp pháp liên quan đến chủ quyền trên biển. Philippines kêu gọi TQ tập trung chống dịch COVID-19 hơn là hành xử vô lý để giành nguồn cá hay để bảo vệ yêu sách “quyền lịch sử” (đã bị Tòa Trọng tài bác bỏ vào năm 2016 khi dựa vào quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển - UNCLOS 1982).
Không chỉ Philippines, Mỹ cũng lên tiếng ủng hộ VN. Ngày 6-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus đã phát đi thông cáo báo chí về vụ việc, nhấn mạnh Mỹ “cực kỳ quan ngại” hành động của TQ.
“Đây là vụ việc mới nhất trong chuỗi dài các hành động của TQ nhằm áp đặt các yêu sách trái pháp luật hàng hải và gây bất lợi cho các quốc gia láng giềng Đông Nam Á trên biển Đông” - thông cáo báo chí phía Mỹ viết. Washington cũng nhận định TQ lợi dụng tình hình thế giới tập trung chống đại dịch COVID-19 để tuyên bố các “trạm nghiên cứu mới” (trái phép) tại các căn cứ quân sự ở Đá Chữ Thập và Đá Subi; hạ cánh máy bay quân sự (trái phép) tại Đá Chữ Thập. TQ cũng triển khai trái phép lực lượng dân quân biển quanh quần đảo Hoàng Sa.
Đường chín đoạn của TQ bị xem xét và phán quyết là bất hợp pháp bởi Tòa Trọng tài năm 2016 dựa trên UNCLOS và theo thông cáo của Mỹ thì Washington một lần nữa lặp lại quan điểm ủng hộ lập trường của tòa.
Tàu cá Việt Nam cần được nâng cao năng lực nhận biết và ứng phó rủi ro trên biển. Trong ảnh: Tàu cá của ngư dân Việt Nam neo đậu tại cảng Lý Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: TẤN VIỆT
Giải pháp đối phó Trung Quốc
Trong khi các dữ liệu thực địa và sự lên tiếng của công luận đều cho thấy tàu hải cảnh TQ đã phạm pháp khi đâm tàu cá VN thì phía TQ lại ngang ngược chối bỏ, trái lại đổ lỗi một cách vô lý rằng “tàu cá VN đâm vào tàu hải cảnh TQ”. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ (thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo VN), nhận định: “Việc TQ không thừa nhận hành động phi pháp trên biển và không bồi thường cho ngư dân VN, thậm chí đổi trắng thay đen khi nói rằng tàu ngư dân VN chủ động đâm vào tàu hải cảnh TQ là có thể đoán được”.
Theo chuyên gia về luật biển này, trong tương lai, với chiến thuật “cây bắp cải” và chiến thuật “vùng xám”, TQ sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động bắt nạt, dồn ép ngư dân và các tàu nghiên cứu khoa học, các tàu thực thi pháp luật của VN hoạt động hợp pháp trong vùng biển VN. Thậm chí TQ có thể tăng cường vi phạm vùng biển VN để thăm dò, khai thác tài nguyên một cách trái phép.
TQ đang thực hiện chiến lược độc chiếm biển Đông và các đảo đá, bãi ngầm trên biển Đông bằng cách thực hiện chiến thuật “tằm ăn lá dâu”, “cây bắp cải” và “vùng xám”. Một trong các cách để thực hiện chiến thuật “tằm ăn lá dâu” là diễn giải sai lệch luật pháp quốc tế theo hướng có lợi cho mình. PGS-TS VŨ THANH CA, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ (thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo VN) |
“Để đối phó với TQ, ngoài việc tiếp tục nâng cao năng lực quốc phòng và quản lý biển, tiếp tục phản đối TQ và đấu tranh song phương với TQ trên các mặt trận chính trị, ngoại giao, VN cần chuẩn bị đầy đủ cơ sở để đấu tranh pháp lý với TQ. VN cũng cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu về âm mưu, thủ đoạn của TQ và các hoạt động bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích quốc gia của VN trên biển, đảo nhằm tạo sự đồng thuận toàn dân chống sự vi phạm chủ quyền của TQ. VN cũng cần tăng cường tuyên truyền để các bạn bè quốc tế của VN hiểu rõ lập trường chính nghĩa của VN nhằm tạo mặt trận đồng thuận ủng hộ VN” - chuyên gia Vũ Thanh Ca chia sẻ.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS) - ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, phân tích: TQ tổ chức các đoàn đánh bắt cá gồm nhiều lớp. Lớp ngoài cùng và đi tiên phong là các tàu hải cảnh, các lực lượng có vũ trang. Từ đó, TQ tạo ra lớp vỏ bọc để bảo vệ ngư dân của họ (trong đó có cả lực lượng dân quân biển, tức bán vũ trang) khai thác thủy hải sản, đồng thời xua đuổi, gây hấn tàu cá nước khác.
Trước mắt, theo TS Nguyễn Thành Trung, VN cần hiểu và tuyên truyền cho ngư dân hiểu được thủ đoạn này, đồng thời giúp ngư dân các trang thiết bị cần thiết để ứng phó, như thiết bị dẫn đường, nhằm nhận diện và tránh rủi ro. Song song đó cần tăng cường tuần tra biển, đồng hành cùng lực lượng ngư dân để họ an tâm bám giữ ngư trường.
“Về mặt lâu dài, VN cần phải nghiên cứu và nâng cao năng lực các lực lượng dân sự, quân sự trên biển. Tàu cá cũng cần hiện đại đồng bộ hơn, tàu cảnh sát biển hay lực lượng hải quân của VN cần được gia tăng số lượng, chất lượng” - TS Nguyễn Thành Trung nói. Ông Trung cũng nói thêm: Việc tăng cường ngoại giao song phương, đa phương với TQ và các nước khác vẫn luôn cần thiết, đặc biệt nên đẩy mạnh tuyên truyền hành xử của VN lẫn TQ lên các diễn đàn quốc tế. Ví dụ, có thể cung cấp thông tin về thực địa, tổ chức gặp mặt báo chí quốc tế với ngư dân là nạn nhân để mổ xẻ các hành vi sai trái của tàu TQ trên biển. Đó cũng là cách hiệu quả để tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.
Các sáng kiến trên biển cần có người đi đầu Để ứng phó TQ trên diện rộng hiệu quả, hợp tác giữa các nước ASEAN nhằm tìm sáng kiến bảo vệ ngư dân là rất cần thiết. Theo TS Nguyễn Thành Trung, thực tế giữa ASEAN và TQ đã và đang có nhiều cơ chế giám sát, hợp tác trên biển liên quan đến việc đánh bắt và khai thác các nguồn thủy hải sản. Tuy nhiên, điểm chung của các cơ chế hiện nay là chưa có các biện pháp chế tài, đảm bảo TQ phải hành xử hợp pháp. Điều này một phần xuất phát từ cân bằng lực lượng - sự chênh nhau khá lớn về nguồn lực, sức mạnh giữa TQ với từng quốc gia khu vực, trong khi đó việc huy động sức mạnh tập thể của ASEAN về vấn đề tranh chấp biển hiện gặp nhiều khó khăn. “Tôi cho rằng các sáng kiến tập thể cần phải có người đi đầu, vốn phải có sức mạnh như Mỹ. Từ đó mới có thể tạo được khả năng đối trọng, buộc TQ phải “trả giá” mỗi khi làm sai, như vậy mới có thể ngăn được TQ lấn tới. Mỹ và ASEAN đã có định hướng và hành động, gần nhất là cuộc tập trận chung vào năm ngoái và nhiều chuyến thăm của hải quân Mỹ đến các nước ASEAN. Tuy nhiên, tôi thấy về lượng thì vẫn chưa đủ. Một phần là bởi “nước Mỹ trên hết” dưới thời Tổng thống Donald Trump ưu tiên cắt giảm chi phí quân sự tại các khu vực, không mặn mà với các sáng kiến đa phương. Nhưng phần khác là sự quyết liệt và đồng bộ của ASEAN trong tiếp cận Washington cũng chưa cao” - TS Nguyễn Thành Trung nhận định, đồng thời cho rằng việc lôi kéo Mỹ tham gia vào các sáng kiến trên biển cũng là một cách có thể thúc đẩy việc vận hành các sáng kiến ấy hiệu quả hơn. |