Thêm một quốc gia phản đối Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam

Ngày 8-4, Bộ Ngoại giao Philippines ra "Tuyên bố về vụ chìm tàu cá Việt Nam ở biển Đông" liên quan đến việc tàu cá QNg 90617 TS của Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm hôm 3-4, báo South China Morning Post đưa tin.

Tuyên bố nêu rõ: "Bộ Ngoại giao Philippines bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ việc tàu cá Việt Nam bị (tàu hải cảnh Trung Quốc) đâm chìm ở biển Đông được báo cáo hôm 3-4".

Philippines cho biết họ đã từng trải qua những vụ việc đáng tiếc tương tự và nhận thấy "niềm tin vào tình hữu nghị (giữa Philippines với Trung Quốc - PV) đã bị mất như thế nào qua vụ việc như vậy".

Ngày 9-6-2019, một tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Philippines khiến toàn bộ 22 ngư dân trên tàu rơi xuống biển. Tàu Trung Quốc bỏ đi. Các ngư dân Philippines sau đó được một tàu Việt Nam cứu.

Trong tuyên bố ngày 8-4, Manila lần nữa ghi nhận "những hành động nhân văn của Việt Nam trực tiếp cứu lấy mạng sống của ngư dân Philippines" khi họ gặp tai nạn trên biển Đông và cho rằng những hành động như vậy đã giúp xây dựng lòng tin giữa hai nước.

"Chúng tôi đã không ngừng và sẽ không ngừng cảm ơn Việt Nam. Với suy nghĩ đó, chúng tôi đưa ra tuyên bố này để thể hiện tình đoàn kết" - tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định. 

"Tuyên bố về vụ chìm tàu cá Việt Nam ở biển Đông" ngày 8-4 của Bộ Ngoại giao Philippines.

Về tình hình an ninh chung của khu vực, "Bộ Ngoại giao Philippines coi trọng việc duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông, và lưu ý rằng những vụ việc như vậy làm suy yếu tiềm năng xây dựng quan hệ khu vực thực sự sâu sắc và đáng tin cậy giữa ASEAN và Trung Quốc".

Manila kêu gọi các bên "phải tránh những sự cố như vậy và sự bất đồng phải được giải quyết theo cách tăng cường đối thoại và tin tưởng lẫn nhau", nhất là trong bối cảnh quá trình thảo luận nhằm thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) đang có những chuyển biến tích cực.

Philippines cũng kêu gọi việc mà ASEAN và Trung Quốc cần làm là "tiếp tục củng cố quan hệ khu vực" và hợp tác chống lại đại dịch COVID-19, như những gì đã được thông qua trong "Tuyên bố của Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc về dịch COVID-19" đưa ra hôm 20-2.

Kết thúc tuyên bố, Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định: "COVID-19 là một mối đe dọa rất thực tế, đòi hỏi sự đoàn kết và tin tưởng lẫn nhau để đối phó. Để đối mặt với nó, cả cá và những yêu sách chủ quyền hoang đường đều không đáng trở thành ngòi nổ xung đột. Xung đột vốn có nguy cơ bị châm ngòi từ những sự cố như vậy" .

Tàu cá Việt Nam hoạt động ở Trường Sa. Ảnh: THE STAR

Trước khi Philippines lên tiếng, Mỹ cũng lên án hành vi gây hấn của phía Trung Quốc và khẳng định cái gọi là "đường chín đoạn" của Bắc Kinh là bất hợp pháp.

"Chúng tôi cực kỳ quan ngại về thông tin Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam tại khu vực quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam - PV) thuộc biển Đông" - thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 6-4 cho biết.

Washington cũng cáo buộc Bắc Kinh đang lợi dụng việc thế giới tập trung chống đại dịch COVID-19 nhằm áp đặt các yêu sách trái pháp luật của nước này trên biển Đông.

Ngày 3-4, tàu cá QNg 90617 TS cùng tám ngư dân Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm khi đang hoạt động bình thường tại khu vực đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Ngay trong ngày 3-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng lên án hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam.

Bà Hằng cho biết Chính phủ Việt Nam đã liên lạc và yêu cầu phía Trung Quốc điều tra và xử lý nghiêm đối với những người có liên quan, không để tái diễn những hành động tương tự và bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.

Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm