Chủ tịch Fidel Castro: Người định hướng mở cửa kinh tế Cuba

Trong thời gian Chủ tịch Fidel Castro lãnh đạo đất nước, trong bối cảnh bị Mỹ cấm vận, Cuba đã trải qua một giai đoạn khó khăn đặc biệt. Đó là lúc Liên Xô sụp đổ vào những năm 1990.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Cuba không còn nhận được các khoản viện trợ trị giá khoảng bốn tỷ USD (64.000 tỷ đồng VN). Trong thời kỳ 1989-1993, GDP của Cuba giảm xuống khoảng 35%. Thực phẩm, nhiên liệu và điện đều thiếu hụt nghiêm trọng.

Năm 1990, nhận thấy những khó khăn chồng chất phía trước, Cuba đã tuyên bố “thời kỳ đặc biệt trong thời bình” nhằm thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, ưu tiên sản xuất thực phẩm, phát triển du lịch, công nghệ sinh học, đồng thời sử dụng tiết kiệm thực phẩm, nhiên liệu và điện.

Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Fidel Castro, chính phủ Cuba đã thực hiện nhiều cải cách quan trọng để khuyến khích lao động, tăng sản lượng hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm và các dịch vụ.

Một trong những cải cách quan trọng là cho phép các công ty nước ngoài đầu tư trực tiếp trong các ngành du lịch, khai khoáng, viễn thông, sản xuất và xây dựng dưới hình thức liên doanh, trong đó chính phủ Cuba giữ 50% cổ phần.

Chính sách mở cửa du lịch đã mang lại lợi ích kinh tế to lớn và là động lực giúp nền kinh tế Cuba tăng trưởng. Giữa những năm 1990, doanh thu ngành du lịch đã vượt qua ngành mía đường vốn là ngành kinh tế chủ lực trước nay.

Kể từ đó, ngành du lịch trở thành trọng tâm của nền kinh tế Cuba. Cuba đã cho xây nhiều khu du lịch, tôn tạo các kiến trúc lịch sử. Năm 2003, có khoảng 1,9 triệu du khách quốc tế đến Cuba, mang lại doanh thu cho ngành du lịch 2,1 tỷ USD (gần 34.000 tỷ đồng VN). Sang năm sau, số du khách tiếp tục tăng lên 2,05 triệu, trong đó có nhiều du khách ở các nước Mỹ La tinh đi du lịch chữa bệnh miễn phí tại các bệnh viện Cuba. Ngành du lịch tăng trưởng nhanh đã tác động tích cực và sâu rộng trên các lĩnh vực kinh tế khác.

Chủ tịch Fidel Castro
Chủ tịch Fidel Castro

Trước đây phụ thuộc vào máy phát điện của Liên Xô, do đó sau khi Liên Xô sụp đổ, nhiều vùng ở Cuba không có điện trong thời gian dài. Để giải quyết vấn đề này, Chủ tịch Fidel Castro đã chỉ đạo thực hiện cách mạng năng lượng với nhiệm vụ trọng tâm là sử dụng năng lượng điện tiết kiệm và hiệu quả, liên kết mạng lưới các máy phát điện nhỏ, tăng số lượng máy phát điện sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Năm 1993, Cuba thành lập mô hình hợp tác xã mới nhằm giải thể các nông trường lớn của nhà nước kém hiệu quả. Các hợp tác xã này có quyền sử dụng đất và đưa ra các quyết định liên quan đến sản xuất.

Bắt đầu từ năm 1994, Cuba bắt đầu mở cửa thị trường nông nghiệp, cho phép nhà nước và nông dân có thể bán sản phẩm vượt quá hạn ngạch với giá thị trường. Chính phủ cũng cắt giảm trợ cấp cho các công ty nhà nước làm ăn thua lỗ hoặc không có lợi nhuận.

Năm 2002, Cuba tuyên bố thực hiện chuyển đổi toàn diện ngành mía đường. Gần một nửa số lượng nhà máy đường phải đóng cửa. Hơn 100.000 công nhân nghỉ việc. Nhiều nông trại trồng mía được chuyển sang trồng các loại cây khác cho giá trị cao hơn. Chính phủ cam kết đào tạo lại các công nhân để họ có thể làm việc trong các ngành khác.

Đến năm 2005, sản lượng mía đường chỉ còn 1,3 triệu tấn/năm so với mức 1989 là tám triệu tấn.

Kể từ khi thực hiện các chính sách cải cách kinh tế, tốc độ tăng trưởng, mức tiêu thụ hàng hóa và sản lượng nhiều mặt hàng đã có dấu hiệu hồi phục và tăng trưởng, đặc biệt là cà phê, thuốc lá, nickel và dược phẩm. Hiện nay, Cuba xuất khẩu 50% giá trị hàng hóa qua châu Âu, 25% sang Canada và Mỹ La tinh, 20% sang châu Á.

Hệ thống chăm sóc y tế đứng đầu thế giới

Hiến pháp sửa đổi của Cuba năm 1976 khẳng định mọi người dân có quyền được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Nhà nước bảo đảm quyền này thông qua việc điều trị chữa bệnh miễn phí ở các trạm y tế nông thôn, bệnh viện, trung tâm điều trị chuyên khoa. Nhờ vậy, tuổi thọ trung bình của người dân Cuba vươn lên 80 tuổi, ngang với dân Mỹ. Chiến lược chăm sóc sức khỏe của Cuba là phòng bệnh hơn chữa bệnh và phát hiện chẩn đoán bệnh sớm để điều trị.

Năm 2000, Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan đã khuyên các nước nên học tập Cuba trong việc cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục cho người dân. Năm 2001, Ủy ban Y tế Hạ viện của Anh đã đến Cuba để tìm hiểu về thành công của hệ thống chăm sóc y tế. Năm 2006, hãng tin BBC ca ngợi hệ thống chăm sóc y tế của Cuba là dịch vụ công tốt nhất thế giới.

LÊ LINH (Theo Socialist Voice, Wikipedia)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm