Vào ngày 18-3, Đức, Pháp và các quốc gia châu Âu khác đã công bố kế hoạch tiếp tục tiêm vaccine COVID-19 của hãng dược AstraZeneca, sau khi các cơ quan quản lý của Liên minh Châu Âu (EU) và Anh nói rằng loại vaccine này có lợi ích nhiều hơn rủi ro, hãng tin Reuters đưa tin.
Các báo cáo về việc vaccine của AstraZeneca làm tăng nguy cơ đông máu đã khiến hơn chục quốc gia đình chỉ việc sử dụng loại vaccine này. Đây được coi là thách thức mới nhất đối với tham vọng sản xuất "vaccine cho toàn thế giới" của AstraZeneca, khi con số tử vong toàn cầu do COVID-19 đã vượt qua 2,8 triệu người.
Sau khi điều tra 30 trường hợp bị rối loạn đông máu hiếm gặp, Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) đã kết luận “rõ ràng” rằng lợi ích của vaccine này trong việc bảo vệ mọi người khỏi tử vong hoặc nhập viện liên quan đến COVID-19 lớn hơn những rủi ro có thể xảy ra. Tuy nhiên, EMA nhấn mạnh ủy ban "không thể loại trừ hoàn toàn" mối liên quan giữa vaccine với chứng rối loạn đông máu hiếm gặp.
Các lọ vaccine của hãng dược AstraZeneca. Ảnh: REUTERS
“Đây là một loại vaccine an toàn và hiệu quả” - Giám đốc EMA Emer Cooke nói trong một cuộc họp báo.
Cơ quan Quản lý Dược phẩm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe Anh (MHRA) cũng ra tuyên bố rằng vaccine của AstraZeneca vẫn an toàn và khuyên người dân tiếp tục tiêm vaccine này.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 12-3 cũng nói rằng không có mối liên hệ giữa việc tiêm vaccine với một số trường hợp tử vong sau tiêm chủng. WHO khuyến cáo rằng không có lý do để ngừng sử dụng vaccine của AstraZeneca.
Trong vòng vài giờ sau tuyên bố của EMA, Đức cho biết họ sẽ tiếp tục tiêm vaccine của AstraZeneca kể từ ngày 19-3.
Pháp cũng cho biết họ sẽ tiếp tục sử dụng vaccine. Theo đó, Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết ông sẽ tự mình tiêm vaccine vào chiều ngày 19-3.
Thủ tướng Ý Mario Draghi cho biết Ý cũng sẽ làm như vậy và chính phủ của ông vẫn ưu tiên tiêm chủng cho càng nhiều người càng tốt.
Tây Ban Nha cho biết họ đang đánh giá khả năng nối lại việc tiêm vaccine. Trong khi đó, Cyprus, Latvia và Lithuania cho biết họ sẽ bắt đầu lại việc cung cấp vaccine.
"Chúng tôi tin tưởng rằng, sau những quyết định đã được cân nhắc hết sức cẩn thận của các cơ quan quản lý, việc tiêm chủng một lần nữa có thể tiếp tục trên khắp châu Âu" - Giám đốc Y tế của AstraZeneca Ann Taylor cho biết.
Cũng trong tuần này, Mỹ tuyên bố sẽ chia sẻ bốn triệu liều vaccine của AstraZeneca cho Mexico và Canada. Theo phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki, Mexico sẽ nhận được 2,5 triệu liều vaccine và Canada sẽ nhận được 1,5 triệu liều.