Từ ngày 9-6, Triều Tiên đã cắt đứt và đóng toàn bộ đường dây liên lạc giữa chính quyền phía Bình Nhưỡng với Seoul. Động thái này khiến căng thẳng Hàn - Triều leo thang, khiến giới quan sát lo ngại tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa càng trở nên khó khăn. Theo giới truyền thông, Bình Nhưỡng hành động như vậy vì Hàn Quốc không thể quản lý vấn đề rải truyền đơn chống Triều Tiên tại khu vực biên giới.
TS Nguyễn Việt Phương, cựu nghiên cứu viên tại Trung tâm Belfer, ĐH Harvard (Mỹ), một chuyên gia hạt nhân, đã đưa ra những lý giải về động cơ thật sự của Triều Tiên đằng sau quyết định cứng rắn nói trên, đồng thời dự báo triển vọng hòa giải tại khu vực.
Hai động cơ “cắt liên lạc” của Triều Tiên
. Phóng viên: Lâu nay đường dây nóng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng, nay truyền thông cho rằng chỉ vì vấn đề “rải truyền đơn” mà đột ngột bị Triều Tiên cắt đứt. Theo ông, động cơ chính để Triều Tiên hành động như vậy là gì?
+ TS Nguyễn Việt Phương: Tôi không cho rằng chỉ vì vấn đề rải truyền đơn mà Triều Tiên đột ngột tuyên bố cắt đứt đường dây nóng. Có hai lời giải thích cho hành động này.
Về khía cạnh nội bộ, tuyên bố cắt đứt liên lạc được Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa ra sau cuộc họp của lãnh đạo cấp cao trong chính quyền Triều Tiên. Cuộc họp này được chủ trì bởi bà Kim Yo-jong (em gái ông Kim Jong-un), người đứng đầu bộ máy tuyên truyền của Triều Tiên. Thêm vào đó, hành động này của phía Triều Tiên được đưa ra nhằm để trả đũa việc chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in không thể ngăn chặn việc các nhà hoạt động Hàn Quốc thả các bóng bay chứa tờ rơi tuyên truyền từ lãnh thổ Hàn Quốc vào Triều Tiên. Như vậy, đây có thể là một động thái tuyên truyền nhằm vào chính nội bộ xã hội và giới tinh hoa Triều Tiên trong bối cảnh nước này, giống như nhiều quốc gia khác ở châu Á và trên thế giới, đang chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19.
Về khía cạnh quốc tế, chỉ một năm sau khi Triều Tiên liên tục trở thành tâm điểm của dư luận thế giới với các cuộc hội đàm thượng đỉnh liên Triều và Mỹ - Triều, Triều Tiên hiện nay đã không còn được báo giới quan tâm nhiều trong bối cảnh COVID-19 vẫn còn đang lan tràn ở nhiều khu vực trên thế giới, cũng như các cuộc biểu tình đòi bình quyền đang dâng cao ở Mỹ, Hong Kong trong suốt thời gian qua.
Vị thế quốc tế và thế mạnh trên bàn đàm phán luôn là thứ Chủ tịch Kim Jong-un và Triều Tiên quan tâm. Vì thế, tuyên bố có phần gây sốc này của chính quyền Triều Tiên có thể nhằm mục đích lôi kéo lại sự chú ý của dư luận thế giới. Đây có lẽ là biện pháp duy nhất Triều Tiên có thể dùng trong thời điểm hiện tại.
Chưa rõ vai trò em gái ông Kim Jong-un
. Có người cho rằng việc Triều Tiên cắt liên lạc với Hàn Quốc là nhằm củng cố quyền lực ngày càng lớn của bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ông nghĩ sao?
+ Vai trò của bà Kim Yo-jong trong hệ thống quyền lực của Triều Tiên đã luôn là một đề tài tranh cãi, đặc biệt trong giai đoạn ông Kim Jong-un không xuất hiện trước công chúng thời gian gần đây. Tuy nhiên, chưa ai có thể có một câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề này.
Một phần vì khả năng giữ bí mật thông tin cao độ của quốc gia đóng kín Triều Tiên và phần còn lại là vì con đường thăng tiến của bà Kim cũng không hoàn toàn theo một đường thẳng tắp. Ví dụ, bà Kim Yo-jong được bầu làm ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị Đảng Lao động Triều Tiên từ tháng 10-2017 nhưng đến tháng 4-2019 lại rời khỏi vị trí quyền lực này trước khi được đưa vào lại danh sách ủy viên vào tháng 4-2020.
Tất nhiên, chúng ta gần như có thể chắc chắn rằng theo truyền thống cha truyền con nối trong hệ thống quyền lực Triều Tiên thì ông Kim Jong-un hẳn sẽ muốn tiếp tục duy trì vị trí lãnh đạo tối cao của đất nước Triều Tiên trong sự kiểm soát của gia đình mình. Bà Kim Yo-jong là một ứng viên sáng giá trong số đó.
Sự xuất hiện thường xuyên của bà Kim Yo-jong trong các chiến dịch ngoại giao của Triều Tiên cho thấy bà cũng là một gương mặt được ông Kim Jong-un tin tưởng trong việc duy trì quan hệ Hàn - Triều, Mỹ - Triều, thậm chí là Trung - Triều. Tuy nhiên, sự tin tưởng đó ở mức độ nào, hay vị thế của bà Kim so với nhà ngoại giao kỳ cựu của Triều Tiên như Ri Yong-ho, Choe Son-hui vẫn là câu hỏi mở chưa có câu trả lời chính xác.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong một lần gặp nhau tại Bình Nhưỡng. Ảnh: REUTERS
Quan hệ Hàn - Triều vẫn nhiều cơ hội
. Việc cắt đứt đường dây nóng này có tác động như thế nào đến tiến trình hòa giải hai nước Hàn - Triều sau một thời gian dài nồng ấm?
+ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và ông Moon Chung-in, cố vấn đặc biệt phụ trách đối ngoại và an ninh quốc gia cho tổng thống Hàn Quốc, đã cố gắng duy trì chính sách mềm mỏng, hòa hoãn trong quan hệ với Triều Tiên kể từ khi lên nắm quyền. Đảng của ông Moon vừa chiến thắng vang dội tại cuộc bầu cử lập pháp Hàn Quốc năm 2020.
Vì vậy, theo tôi, trừ khi Triều Tiên tái hiện những hành động mang tính khiêu khích nghiêm trọng như nã pháo vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc hay thử vũ khí hạt nhân thì khả năng lớn là Hàn Quốc vẫn sẽ nỗ lực tối đa để duy trì đối thoại, hòa giải giữa hai nước.
Thiện chí của Tổng thống Moon Jae-in và việc Triều Tiên chưa có động thái tái khởi động các vụ thử hạt nhân cho thấy việc cắt đứt liên lạc lần này của Triều Tiên không đẩy quan hệ hai nước rơi vào tình thế bế tắc. Vẫn còn nhiều cơ hội đàm phán và hợp tác giữa hai quốc gia trên bán đảo Triều Tiên trong thời gian tới.
Nếu như Mỹ can thiệp vào các vấn đề của Triều Tiên bằng các phát ngôn thiếu thận trọng mà không quan tâm đến những vấn đề nội bộ của chính mình, giữa lúc tình hình chính trị của Mỹ đang rơi vào tình trạng bất ổn một cách tồi tệ thì Washington có thể sẽ gặp phải một vấn đề khó chịu mà họ khó có thể giải quyết được. Ông KWON JONG-GUN, lãnh đạo bộ phận phụ trách quan hệ Mỹ - Triều trong Bộ Ngoại giao Triều Tiên, nói với KCNA |
Mỹ không quá quan tâm Triều Tiên
. Còn vấn đề phi hạt nhân hóa và thỏa thuận Mỹ - Triều, cũng như quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng liệu có chịu ảnh hưởng từ hành động của chính quyền Kim Jong-un?
+ Trong lần bầu cử tổng thống Mỹ này, sự chú ý của chính giới Mỹ, đặc biệt là của Tổng thống Donald Trump sẽ hướng tới việc giành phiếu cử tri trong nước. Và thực tế từ lâu đã cho thấy rằng sự thịnh vượng của nền kinh tế và các chính sách đối nội mới chính là điều mà cử tri Mỹ quan tâm chủ yếu.
Vì vậy, dù Mỹ nhấn mạnh “cần tận dụng mọi cơ hội ngoại giao trong vấn đề Triều Tiên” (lời Ngoại trưởng Mike Pompeo), đồng thời tiếp tục siết chặt cấm vận đối với Triều Tiên thông qua việc truy tố các công ty Triều Tiên có biểu hiện vi phạm lệnh cấm vận nhưng nhìn chung quan hệ Mỹ - Triều sẽ không chuyển dịch đáng kể. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ không dành quá nhiều sự quan tâm tới những động thái chưa thực sự mang tính khiêu khích nghiêm trọng như động thái cắt đứt liên lạc lần này của Triều Tiên.
Trong tương lai gần, việc Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un không có tuyên bố chung tại Hà Nội vào năm ngoái cho thấy tổng thống Mỹ vẫn chưa đặt ra mục tiêu bằng mọi giá phải đạt được kết quả đàm phán nào đó về vấn đề hạt nhân với Triều Tiên. Bởi lẽ, đây là vấn đề rất khó khả thi do bất đồng quá lớn giữa hai bên. Mặt khác, những tiến bộ trong đàm phán hai bên cũng chưa mang lại bất cứ lợi thế đáng kể nào cho ông Trump trong chính trường quốc nội. Bởi vậy, nhiều khả năng chúng ta sẽ phải đợi tới sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay để có thể được chứng kiến những động thái mới của chính quyền Mỹ trong vấn đề Triều Tiên.
. Xin cám ơn ông.
Vì sao Triều Tiên không “gây chú ý” bằng tên lửa? . Thông thường, để lôi kéo sự chú ý của báo chí và phương Tây, Triều Tiên sử dụng các cuộc thử tên lửa nhằm vào Mỹ và Hàn Quốc. Vì sao lần này lại khác? + Các vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa vươn đến gần Mỹ hoặc thậm chí là thử hạt nhân, nước cờ trước đây Triều Tiên hay sử dụng để thu hút sự chú ý, đã không còn thực sự là lựa chọn tốt. Lý do là Triều Tiên hiện vẫn muốn duy trì thiện chí ở mức độ nào đó với chính quyền Tổng thống Trump và Tổng thống Moon Jae-in để tạo thuận lợi cho việc đàm phán. Việc thử hạt nhân gần như chắc chắn sẽ xóa bỏ hoàn toàn thiện chí đó, đồng thời làm mất khả năng tiếp tục quá trình trao đổi ngoại giao giữa Triều Tiên và các bên. |