Đài RT ngày 13-3 dẫn lời ông Leonid Slutsky, thành viên đoàn đàm phán và đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế của Hạ viện Nga, nói rằng “tiến triển đáng kể” mà ông quan sát được qua các cuộc đàm phán giữa Moscow và Kiev có thể sớm dẫn tới việc ký kết một thỏa thuận.
Phái đoàn đàm phán Nga và Ukraine. Ảnh: Maxim Guchek/BELTA/TASS
“Nếu chúng ta so sánh lập trưởng của cả hai phái đoàn ngay từ ngày đầu ngồi vào bàn đàm phán và ngày hôm nay, chúng ta đã thấy có những tiến triển đáng kể” - ông Slutsky cho biết.
“Tôi rất vui khi thông báo điều đó. Theo kỳ vọng của cá nhân tôi, trong một vài ngày tới, sự tiến triển này có thể phát triển thành một lập trường thống nhất của hai bên và dẫn tới việc ký kết một thỏa thuận” - ông Slutsky nói thêm.
Đồng thời ông nhấn mạnh rằng việc ký kết các văn bản thỏa thuận như vậy là điều “tối quan trọng” vì nó tạo cơ sở để giảm leo thang căng thẳng giữa hai bên và tránh cho những mất mát thêm về người.
Phía Ukraine cũng thông báo về một số tiến bộ đạt được trong đàm phán với Nga. Ông Mikhail Podoliak, cố vấn Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho hay Kiev và Moscow đang tiến tới một thỏa hiệp.
Ông Podoliak nói rằng phía Nga đã “thấu hiểu mọi thứ một cách thích đáng” nhưng ông lưu ý có thể sẽ mất một khoản thời gian trước khi Moscow “100% hiểu được tình cảnh mà họ đang gặp phải”.
“Về nguyên tắc, chúng tôi sẽ không nhân nhượng ở bất kỳ quan điểm nào. Bây giờ, Nga đã hiểu điều đó và bắt đầu đối thoại mang tính xây dựng hơn. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ đạt được một vài kết quả trong vài ngày tới” - ông cho biết.
Theo Cố vấn Podoliak, bất kỳ thỏa thuận nào giữa Nga và Ukraine đều phải ở dạng văn bản chứa nhiều điều khoản trong đó, bao gồm các điều khoản về chấm dứt cuộc xung đột, các điều khoản và lịch trình rút quân của Nga, các điều khoản đảm bảo của thỏa thuận hòa bình, chi tiết về các cơ chế bồi thường.
Sau hai tuần kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine, trên mặt trận ngoại giao, Moscow và Kiev đã tiến hành bốn lần đối thoại. Lần gần đây nhất là cuộc gặp gỡ giữa Ngoại trưởng hai nước tại Thổ Nhĩ Kỳ vào hôm 10-3. Mặc dù cuộc gặp chưa đạt được tiến triển rõ ràng về một lệnh ngừng bắn nhưng nhiều chuyên gia cho rằng việc cả hai quan chức cấp cao chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán mở ra cơ hội chấm dứt cuộc xung đột.
Trong khi đó, ba vòng đàm phán trước diễn ra tại Belarus chủ yếu bàn về vấn đề nhân đạo và mở một số hành lang nhân đạo để người dân di tản khỏi vùng giao tranh, theo hãng tin Reuters.