Sinh viên Hong Kong Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) hôm 30-9 đã được tòa án cho phép tại ngoại sau khi bị buộc tội tham gia một cuộc tụ tập trái phép vào năm ngoái và vi phạm lệnh cấm đeo khẩu trang khi tham gia cuộc biểu tình đó, báo South China Morning Post đưa tin.
Hoàng Chi Phong được tại ngoại
Hoàng Chi Phong, 23 tuổi, xuất hiện tại Tòa án phía Đông vào chiều 30-9 cùng với nhà hoạt động kỳ cựu 74 tuổi Koo Sze-yiu. Người này cũng đã được thả sau khi bị cáo buộc tham gia vào cuộc biểu tình bị cấm ở Causeway Bay vào ngày 5-10 năm ngoái.
Hoàng Chi Phong được tại ngoại. Ảnh: Xiaomei Chen/SCMP
Cả hai từng bị buộc tội cố ý tham gia một cuộc tụ tập trái phép, với mức phạt có thể lên đến năm năm tù. Chưa kể, hành vi đêo khẩu trang khi tham gia biểu tình của Hoàng Chi Phong có thể bị phạt tù một năm và nộp phạt thêm 25.000 HKD (tương đương 75 triệu đồng).
Phát biểu trước tòa, Hoàng Chi Phong nói rằng các cuộc biểu tình và tụ họp ở Hong Kong không cần sự cho phép của Trung Quốc.
Các công tố viên cho biết họ sẵn sàng nghe lời khẩn cầu của cả hai người, nhưng các luật sư bào chữa đã yêu cầu hoãn lại cho đến khi tòa án cao nhất của Hong Kong đưa ra phán quyết về tính hợp pháp của lệnh cấm đeo khẩu trang.
Phiên tòa xét xử Hoàng Chi Phong được hoãn đến ngày 18-12. Trong thời gian từ đây đến ngày xét xử, Hoàng Chi Phong bị lệnh cấm đi lại.
Hong Kong năm ngoái đã ban hành luật chống bịt mặt/đeo khẩu trang để giúp cảnh sát xác định những người biểu tình. Tuy nhiên, đến năm nay, Hong Kong đã buộc mọi người đeo khẩu trang để phòng chống dịch COVID-19.
Trung Quốc phê chuẩn vụ bắt giữ 12 người Hong Kong trốn sang Đài Loan
Các nhà chức trách Trung Quốc đã chính thức phê chuẩn vụ bắt giữ 12 nhà hoạt động Hong Kong vào tháng trước khi nhóm người này bị cho là đang cố gắng chạy trốn khỏi thành phố để đến Đài Loan, theo đài Channel News Asia.
Các nhà chức trách cho biết vào thời điểm đó, nhóm người này đã bị mắc kẹt ở nơi cách thành phố khoảng 70 km về phía đông nam khi cố gắng trốn thoát bằng thuyền.
Nhóm người này vào thời điểm đó được cho là đã được giao cho cảnh sát ở TP Thâm Quyến. Kể từ đó, những người này đã bặt vô âm tính. Các luật sư phải tìm mọi cách để tiếp cận họ trong khi gia đình 12 nhà hoạt động này luôn trong tình trạng lo lắng.
Thân nhân của một trong 12 nhà hoạt động trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: AFP
Hôm 30-9, Viện Kiểm sát Nhân dân quận Yantian ở Thâm Quyến cho biết họ đã phê chuẩn các vụ bắt giữ. Hai trong số những người bị bắt giữ, lần lượt là Deng và Qiao, đã bị bắt vì tình nghi giúp những người khác trốn khỏi Hong Kong. 10 người khác, bao gồm nghi phạm họ Li và Huang đã bị bắt vì thực hiện các vụ vượt biên trái phép.
Thông cáo cho biết, vụ việc vẫn đang được điều tra.
Một số người trên thuyền đang phải đối mặt với truy tố ở Hong Kong vì các hoạt động liên quan đến các cuộc biểu tình vào năm ngoái.
Ông Lu Siwei, một trong những luật sư của Trung Quốc đại lục đang phụ trách vụ việc nói với hãng tin AFP rằng thời gian tạm giam để điều tra có thể kéo dài đến bảy tháng.
"Việc xem xét tính hợp pháp của việc bị giam giữ có thể được áp dụng bất cứ lúc nào. Hiện tại, điều quan trọng nhất là tìm kiếm một cuộc gặp với 12 người bị tạm giữ "- ông Lu cho biết thêm.
Hiện có ít nhất 14 luật sư được gia đình 12 nhà hoạt động thuê để tạo áp lực cho chính quyền Thâm Quyến trả tự do cho thân chủ của họ. Tuy nhiện, hiện vẫn chưa luật sư nào trong số này được gặp 12 người họ.
Vào tháng 6, Bắc Kinh đã áp đặt luật an ninh mới đối với Hong Kong, tuyên bố nước này sẽ có thẩm quyền đối với một số tội phạm và các nhân viên an ninh đại lục có thể hoạt động công khai trong thành phố.
Viễn cảnh người Hong Kong vướng vào hệ thống tư pháp của Trung Quốc là tia lửa châm ngòi cho các cuộc biểu tình kéo dài 7 tháng vào năm ngoái.