Tờ Nikkei Asia ngày 11-6 đưa tin Bộ Quốc phòng Indonesia đã đặt hàng tám khinh hạm từ Ficantieri, công ty đóng tàu lớn nhất của Ý.
Công ty Ficantieri hôm 10-6 đã công bố thỏa thuận trên trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực gia tăng khi Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động được cho là "xâm phạm" không phận và vùng biển Đông Nam Á, cũng như vào thời điểm chưa đầy một tuần trước khi các bộ trưởng quốc phòng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tổ chức cuộc họp thường niên.
Indonesia tăng cường mua khinh hạm nhằm ứng phó Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Theo Nikkei Asia, thỏa thuận trên bao gồm sáu khinh hạm đa năng FREMM và hai khinh hạm lớp Maestrale.
Tuyên bố của Ficantieri nêu rõ thỏa thuận "có tầm quan trọng hàng đầu nhằm tăng cường sự hợp tác giữa hai quốc gia trong một khu vực chiến lược của Thái Bình Dương".
Giá trị của thỏa thuận cũng như chi tiết về quá trình chuyển giao các tàu không được tiết lộ, song hai tàu lớp Maestrale sẽ được bàn giao sau khi hải quân Ý đưa các tàu này ra khỏi biên chế và Ficantieri tân trang lại chúng.
Indonesia có kế hoạch hiện đại hóa thiết bị quân sự của mình trước năm 2024 - một nhu cầu ngày càng trở nên phù hợp hơn khi các mâu thuẫn với Trung Quốc ngày càng gia tăng.
Trung Quốc và Indonesia tồn tại những mâu thuẫn liên quan quyền đánh bắt cá gần quần đảo Natuna ở Biển Đông.
Tuy Jakarta không liên quan bất kỳ tranh chấp lãnh thổ nào với Bắc Kinh tại Biển Đông, song lại coi vùng biển ngoài khơi Natuna là một phần vùng đặc quyền kinh tế của mình, trong khi đó Bắc Kinh lại tuyên bố có quyền lịch sử để đánh bắt cá tại khu vực này.
Hồi tháng 7-2020, hải quân Indonesia đã tiến hành một cuộc tập trận kéo dài bốn ngày ở Biển Đông, trong đó một phần được tổ chức gần quần đảo Natuna.
Ngày 31-5, nhóm 16 máy bay Trung Quốc, đa số là các máy bay vận tải quân sự Xian Y-20 và Ilyushin Il-76, bay theo đội hình chiến thuật và áp sát bờ biển bang Sarawak (miền đông Malaysia). Malaysia đã điều máy bay giám sát hoạt động của lực lượng Trung Quốc.
Đại sứ quán Trung Quốc ở Kuala Lumpur cho hay các máy bay trên thực hiện chuyến bay huấn luyện theo kế hoạch và “nghiêm khắc tuân thủ” luật pháp quốc tế, không xâm phạm không phận nước khác.
Tuần tới, các bộ trưởng quốc phòng ASEAN sẽ có cuộc họp thường niên để thảo luận các vấn đề an ninh khu vực, trong đó có thể bao gồm các cuộc đàm phán về các hành động của Bắc Kinh.
Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) được cho có thể là một nội dung trong chương trình nghị sự, trong bối cảnh ASEAN và Trung Quốc hôm 7-6 đã cam kết đẩy nhanh nối lại đàm phán văn kiện COC thông qua các hình thức trực tuyến, “hướng tới hoàn tất sớm một bộ COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Cam kết trên được đưa ra tại Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc kỷ niệm 30 năm Quan hệ Đối tác được tổ chức tại Trùng Khánh, Trung Quốc vào ngày 7-6.
Các bộ trưởng quốc phòng ASEAN cũng sẽ tổ chức các cuộc họp với những người đồng cấp từ các đối tác đối thoại của khối, bao gồm Trung Quốc, Mỹ và Nhật.