Xung đột Israel - Palestine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi tờ The Guardian ngày 13-5 dẫn lời phát ngôn viên quân đội Israel cho biết quân đội đã gửi lên chính phủ chờ phê duyệt bản kế hoạch các phương án đưa bộ binh vào Dải Gaza.
Một người đàn ông Palestine ở Dải Gaza đứng trước tòa nhà đổ sập sau đợt không kích ngày 12-5 của Israel. Ảnh: AP
Người này còn cho biết Israel đã điều lực lượng áp sát biên giới Palestine và “đang trong nhiều giai đoạn khác nhau của việc chuẩn bị các hoạt động trên bộ”. Xuất hiện thông tin về việc quân đội Israel đã chính thức đưa quân vượt biên giới nhưng quân đội Israel bác bỏ, khẳng định chỉ là nhầm lẫn trong liên lạc.
Sẽ không dễ hạ nhiệt
Một ngày trước đó, trang tin Ynet (Israel) cho hay Thủ tướng Benjamin Netanyahu từ chối đề nghị ngừng bắn do phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine đề xuất, được gửi qua trung gian là Bộ Ngoại giao Nga. Không quân Israel vẫn tiếp tục tổ chức nhiều đợt không kích nhằm vào các mục tiêu quân sự và kinh tế trên Dải Gaza, khiến ít nhất 80 dân thường thiệt mạng (trong đó có 17 trẻ em) cùng hàng trăm người bị thương.
Tình trạng bạo lực với người Palestine cũng xảy ra gần biên giới, nhất là ở các khu vực quanh các đền thờ và tụ điểm tôn giáo ở TP Jerusalem, khi người biểu tình Palestine đụng độ với an ninh Israel. Vụ việc nghiêm trọng nhất xảy ra ngày 8-5, cảnh sát chống bạo động của Israel đã trấn áp mạnh tay đối với hàng trăm người Palestine biểu tình tại đền thờ Al-Aqsa ở Jerusalem khiến khoảng 170 người bị thương.
Theo tạp chí The National Interest, xung đột Israel - Palestine gần đây về bản chất là đợt leo thang mới nhất của mâu thuẫn đã kéo dài hàng chục năm chưa có hồi kết xung quanh việc tranh chấp TP Jerusalem và khu vực phía đông TP này - nơi tọa lạc địa điểm tâm linh mà người Do Thái gọi là Núi Đền, còn người Ả Rập gọi là Haram al-Sharif.
Do đó, có thể thấy tình hình khó có thể hạ nhiệt trong thời gian tới. Hơn nữa, từ ngày 13 đến 16-5 sắp tới là nhằm vào lễ Eid al-Adha (lễ xả chay) của người Hồi giáo và chắc chắn người dân Palestine sẽ càng đấu tranh mạnh mẽ để được quyền tiếp cận Jerusalem.
Ngược lại, chính quyền Israel cũng sẽ khó nhượng bộ bởi nước này nhiều khả năng sẽ phải tổ chức thêm đợt tổng tuyển cử lần thứ năm vào tháng tới, sau hàng loạt thất bại trong nỗ lực thành lập chính phủ mới. Các ứng cử viên thủ tướng, tổng thống và các đảng phái cần lấy uy tín, sức mạnh với cử tri, nhất là trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích người Do Thái ở Jerusalem.
Quốc tế cực kỳ lo ngại
Trước tình hình đầy nguy hiểm giữa Israel và Palestine, cộng đồng quốc tế mấy ngày qua liên tục bày tỏ quan ngại và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế để hạ nhiệt căng thẳng.
Ngày 12-5, ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao về an ninh và chính sách đối ngoại EU, ra tuyên bố cảnh báo Israel và Palestine phải chấm dứt ngay bạo lực nhằm ngăn chặn cuộc xung đột lan rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân. Ông Borrell cho biết EU đặc biệt quan ngại trước tình trạng người dân gánh chịu thương vong lớn, trong đó có trẻ em, do cuộc xung đột hiện nay.
Tờ South China Morning Post đưa tin Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Trương Quân ngày 13-5 cho biết Hội đồng Bảo an (HĐBA) sẽ nhóm họp công khai vào ngày 16-5 tới để thảo luận về vấn đề này. Thông tin này cũng được Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield xác nhận. Đây sẽ là cuộc họp thứ ba của HĐBA về căng thẳng Israel - Palestine, sau hai cuộc họp vào ngày 10-5 và 12-5 không đưa ra được tuyên bố chung nào.
Trong một nỗ lực khác nhằm tháo gỡ ngòi nổ chiến tranh, họp báo chung với Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres ngày 12-5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói cần phải họp các thành viên nhóm Bộ tứ Trung Đông (Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nga và LHQ) khẩn trương tìm kiếm giải pháp, theo đài CNN. Theo ông Lavrov, tốt nhất là nên tổ chức một cuộc họp ở cấp bộ trưởng.
Về phần mình, người đứng đầu LHQ cho biết tổ chức này “hoàn toàn sẵn sàng” nối lại công việc của nhóm Bộ tứ Trung Đông và thúc đẩy đối thoại giữa Israel và Palestine - công việc mà ông cho là vô cùng cấp bách, vì đó là cách duy nhất để giải quyết tình hình hiện nay.
Có khả năng cuộc họp Bộ tứ Trung Đông do Nga đề xuất không dễ diễn ra khi trong tuyên bố ngày 12-5, ông Borrell không đề cập đến việc liệu EU có tham gia cuộc họp này hay không.
Có thể thấy hầu hết phản ứng quốc tế đều chỉ mới dừng ở các tuyên bố ngoại giao. Theo nhiều nhà quan sát, với vấn đề nan giải như mâu thuẫn Israel - Palestine, có lẽ phải cần nhiều hành động cụ thể với các bên liên quan để ngăn chặn bạo lực leo thang và xa hơn là ngồi vào đàm phán, đối thoại.
Không chỉ hứng rocket từ Dải Gaza, quân đội Israel ngày 14-5 xác nhận có ít nhất ba quả rocket đã được phóng từ lãnh thổ Lebanon và rơi xuống Địa Trung Hải, ngoài khơi phía bắc Israel. Phía Lebanon hiện chưa phản hồi về thông tin này, theo hãng tin AFP. |
Người Do Thái và người Ả Rập đụng độ bên trong Israel Xung đột không chỉ xảy ra ở biên giới mà còn ngay bên trong Israel. Những ngày gần đây liên tục xảy ra trường hợp người Do Thái tấn công người Ả Rập và ngược lại. Theo hãng tin Reuters, tại TP Acre (miền Bắc Israel), một nhóm người Ả Rập đã đánh một người đàn ông Do Thái trọng thương. Một vụ việc khác với tính chất tương tự cũng xảy ra tại TP Lod gần đó, khi một người Do Thái bị một số đối tượng Ả Rập bắn khiến phải nhập viện. Ở TP Bat Yam (miền Nam Israel), một nhóm người Do Thái tấn công một tài xế người Ả Rập khiến người này bị thương. Điểm chung của các khu vực trên là đều có cả người Ả Rập và người Do Thái cùng sinh sống. Ngày 13-5, Thủ tướng Netanyahu chỉ trích rằng bạo lực diễn ra ở các địa phương này là “không thể chấp nhận được” và yêu cầu cảnh sát áp dụng các biện pháp khẩn cấp, siết chặt an ninh và áp đặt lệnh giới nghiêm nếu cần thiết. Ông Benny Gantz, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, khẳng định đã điều khẩn cấp 10 đơn vị cảnh sát biên giới để hỗ trợ kiểm soát bạo lực giữa người Ả Rập và người Do Thái trên khắp Israel. |