Kịch tính: Chờ xem ai lãnh đạo nước Mỹ 4 năm tới

Ngày 3-11 (giờ địa phương), cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chính thức diễn ra. Từ sáng, cử tri Mỹ bắt đầu tới các điểm bỏ phiếu để bầu chọn giữa ứng viên Cộng hòa - đương kim Tổng thống Donald Trump và ứng viên Dân chủ - cựu phó tổng thống Joe Biden.

Tờ The New York Times cho biết tính đến hết ngày 2-11 đã có tới 97,6 triệu cử tri bỏ phiếu sớm - gấp khoảng ba lần lượng phiếu sớm vào năm 2016 và bằng 2/3 tổng số phiếu bầu của kỳ bầu cử năm đó. Nếu số cử tri đi bỏ phiếu trong ngày 3-11 tương đương số người đã bỏ phiếu sớm thì đây sẽ là kỳ bầu cử có số cử tri đi bầu cao nhất trong lịch sử hiện đại của Mỹ, kể từ con số 65,7% cử tri đi bỏ phiếu trong kỳ bầu cử năm 1908. Các con số kỷ lục này chứng tỏ sức nặng của cuộc đua năm nay cũng như niềm tin rất lớn của cử tri dành cho người sẽ lãnh đạo nước Mỹ bốn năm tới.

Vui vẻ và phấn khích

Trái với thế đối đầu căng thẳng giữa ông Trump và ông Biden, truyền thông Mỹ cho biết ở hầu hết các bang, không khí bầu cử nhìn chung rất vui vẻ và nhộn nhịp như lễ hội. Theo đài Fox News, một cảnh tượng chung thường thấy là trước mỗi nhà dân sẽ treo cờ Mỹ và khẩu hiệu vận động đi bầu trước sân. Những cử tri cuồng nhiệt hơn sẽ treo thêm khẩu hiệu tranh cử của ứng viên mình ủng hộ, như ông Trump là “Giữ nước Mỹ vĩ đại” màu đỏ, còn ông Biden là “Xây dựng lại tốt đẹp hơn” màu xanh.

Các nhóm vận động tranh cử cấp địa phương của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ gấp rút dựng các bàn hướng dẫn bầu cử và giới thiệu ứng viên tại các góc phố, trong khi một số khác tản ra để phát tờ rơi cho người đi đường. Một số cuộc biểu tình quy mô nhỏ do người ủng hộ hai đảng tổ chức cũng diễn ra ở một số bang như Texas, Wisconsin và New Jersey làm tắc nghẽn giao thông nhưng không đáng kể.

Trả lời phỏng vấn tờ The Guardian, ông Parker Wilson (41 tuổi) sống ở TP Madison (bang Wisconsin) chia sẻ ông cảm thấy rất hãnh diện khi hoàn thành nghĩa vụ đi bầu của mình. Ông cho biết thêm rằng tất cả những người đủ tuổi đều đi bỏ phiếu vì ai cũng hiểu kỳ bầu cử lần này cực kỳ quan trọng đối với nước Mỹ.

“Tôi cảm thấy chính quyền hiện tại không giải quyết được nhiều vấn đề lớn mà người dân quan tâm như đại dịch COVID-19 hay tình trạng phân biệt sắc tộc nên tôi muốn chung tay tạo ra thay đổi mới bằng cách bầu cho ông Joe Biden. Việc đi bầu cũng làm tôi rất tự hào mình là một công dân Mỹ” - ông Parker nói.

Còn đối với chị Jerry Brock (22 tuổi) sống ở TP Lansing (bang Michigan), cuộc bầu cử là một sự kiện rất quan trọng đối với chị vì đây là năm đầu tiên chị đi bỏ phiếu. Chị Brock cho biết sẽ bỏ phiếu ủng hộ ông Trump do nhà lãnh đạo này đã thành công đưa được nền kinh tế Mỹ trở nên vững mạnh và những số liệu tiêu cực gần đây chỉ là do ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu. Theo chị, “ông ấy là người bảo vệ tự do và thịnh vượng của nước Mỹ nên ông ấy xứng đáng có thêm nhiệm kỳ hai”.

Tổng thống Donald Trump được người ủng hộ chờ đón bên sân Nhà Trắng khi ông trở về sáng sớm 3-11, sau ngày dài vận động tranh cử cuối cùng. Ảnh: GETTY IMAGES

Thăm dò giờ chót

Theo số liệu tổng hợp của The New York Times, giờ chót trước bầu cử của ông Trump ảm đạm hơn bất kỳ ứng viên tổng thống nào trong bốn cuộc bầu cử gần nhất và cơ hội chiến thắng của ông dường như ngày càng xa. Trung bình, ông Biden dẫn trước ông Trump 8,5% trong hầu hết các cuộc thăm dò dư luận trên toàn nước Mỹ tính đến hết ngày 2-11, gấp đôi cách biệt giữa bà Hillary Clinton và ông Trump trong năm 2016.

Tại các bang chiến địa, ông Trump cũng không khá khẩm hơn khi kém ông Biden khoảng 5% ở Florida, 6% ở Arizona, 5% ở Pennsylvania, 4% ở Ohio, 10% ở Wisconsin - vốn là các bang từng giúp ông vượt lên bất ngờ vào năm 2016, dù dẫn trước 4% ở Iowa. Để mất các bang này trong năm nay sẽ là một tổn thất rất nguy hiểm cho cơ hội tái đắc cử của ông.

Bên cạnh đó, theo chuyên trang bầu cử Mỹ FiveThirtyEight, Pennsylvania còn mang ý nghĩa đặc biệt sống còn cho số phận chính trị của ông Trump và ông Biden, do đây là bang có mật độ dân số đông nhưng lại có tỉ lệ người ủng hộ mỗi đảng đồng đều nhất trong các bang chiến địa. FiveThirtyEight tính toán ông Trump và ông Biden có tỉ lệ đắc cử lần lượt là 81% và 91% nếu chiếm được cảm tình của cử tri bang Pennsylvania.

Dù vậy, không phải tổ chức thực hiện khảo sát nào cũng cho ra kết quả có lợi cho ông Biden, theo hãng tin AP. Đơn cử, công ty tư vấn rủi ro Trafalgar Group (Mỹ), đơn vị từng dự đoán chính xác số phiếu đại cử tri bầu cho ông Trump vào năm 2016, ngày 1-11 đã tung ra kết quả khảo sát cho thấy ông Trump đang dẫn trước trung bình 4% ở các bang chiến địa quan trọng như Michigan hay Pennsylvania. Trafalgar Group nhận định nhiều tổ chức khảo sát thường bỏ qua hoặc đánh giá thấp những người ủng hộ ông Trump thầm lặng, tức những người sẽ bỏ phiếu cho ông mà không công khai thừa nhận. Tương tự, khảo sát của một công ty tư vấn ở Mỹ khác là Susquehanna Polling & Research công bố ngày 2-11 cũng xếp ông Trump dẫn trước ở bang Pennsylvania với cách biệt 2%, dù hồi tháng 9 vẫn còn thua ông Biden 2%. Susquehanna Polling & Research cũng đồng ý rằng nhóm cử tri ủng hộ ông Trump thầm lặng và nhóm cử tri phi đảng phái thích ông Trump sẽ là hai chìa khóa giúp nhà lãnh đạo này bứt phá.

“Không có lý do gì phải giở trò. Tôi đánh giá đây là một cơ hội thắng rất vững chắc” - Tổng thống Donald Trump nói khi trả lời phỏng vấn của đài Fox Newsqua điện thoại sáng 3-11, khẳng định ông sẽ chỉ tuyên bố chiến thắng “chỉ khi có chiến thắng”. Trước đó, trang tin Axios ngày 2-11 dẫn nội dung một số cuộc trao đổi riêng tư từ ba nguồn tin có liên hệ với ông Trump tiết lộ nhiều khả năng ông sẽ tuyên bố chiến thắng ngay khi số phiếu ủng hộ mình vượt trước, không chờ đến khi quá trình kiểm phiếu hoàn tất. 

Chuyên gia thận trọng dự đoán

Rút kinh nghiệm từ bài học năm 2016, giới học giả tinh hoa Mỹ hầu như không đưa ra dự đoán ai sẽ trở thành tân tổng thống vào nhiệm kỳ tới, nhất là khi so với năm 2016 thì rõ ràng bối cảnh chính trị Mỹ năm nay phức tạp và nhiều vấn đề hơn hẳn. Dù vậy, một khảo sát của tạp chí Foreign Policy cho thấy khoảng 80% chuyên gia thuộc 10 trường đại học hàng đầu Mỹ đều ủng hộ ông Biden và kỳ vọng đại diện đảng Dân chủ sẽ đắc cử.

Theo GS Declan Thompson thuộc ĐH Harvard (Mỹ), cửa thắng của ông Trump khá hẹp vì ông không thu phục được thêm các nhóm cử tri khác ngoài những nhóm đã trung thành từ năm 2016, thậm chí một bộ phận thuộc các nhóm này đã đào thoát qua ông Biden sau bốn năm vỡ mộng vì những lời hứa của ông. Một bộ phận khác là các cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa nói chung thì lại bất mãn, cho rằng đảng này giờ trở thành đảng của ông Trump chứ không còn ủng hộ những giá trị bảo thủ truyền thống nên sẽ chọn ông Biden.

Đồng quan điểm, chuyên gia Sarah Greer thuộc công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group (Mỹ) chỉ ra rằng ông Trump đang gặp một bất lợi mà bất kỳ lãnh đạo nào ra tái tranh cử cũng phải đối mặt, đó là những lỗi sai, phát ngôn hoặc chính sách không được lòng cử tri trong nhiệm kỳ qua của ông sẽ bị đem ra so sánh với các cam kết tranh cử của ông Biden. Theo bà, “ông Joe Biden chỉ cần vẽ ra một viễn cảnh nước Mỹ sẽ tươi đẹp hơn khi ông trở thành tổng thống là những người đang không thích ông Trump sẽ tự động so sánh hai bên, dù rõ ràng ông Biden trên thực tế chưa làm được gì cả”. Bên cạnh đó, việc ông Biden từng làm phó tổng thống dưới thời Tổng thống Barack Obama cũng sẽ ghi thêm điểm trong mắt cử tri là người từng lãnh đạo nước Mỹ thành công, dù rằng công đầu phải thuộc về ông Obama vì cơ bản cương vị phó tổng thống không đưa ra quyết định quan trọng.

Dù vậy, không thể loại trừ khả năng ông Trump sẽ giành được một chiến thắng như năm 2016 vì rõ ràng tình thế hiện tại khá giống bốn năm trước - bị dẫn trước ở hầu hết các bang nhưng vẫn giành được ưu thế nhất định ở các bang chiến địa.

Người Mỹ không chỉ bầu tổng thống trong ngày 3-11

Theo hãng tin Al Jazeera, cuộc đua vào Nhà Trắng không phải là cuộc đua duy nhất trong ngày 3-11 mà cử tri còn bầu ứng viên cho các cuộc bầu cử cấp liên bang, bang và địa phương. Trong các cuộc bỏ phiếu cấp liên bang có cuộc bầu cử Hạ viện và Thượng viện Mỹ.

Ở Hạ viện, tổng số có 435 ghế sẽ được bầu lại. Cuộc bầu cử Hạ viện năm nay thậm chí còn quan trọng hơn bình thường vì đây là cuộc bầu cử cuối cùng trước một vòng phân chia lại số ghế dựa trên kết quả của cuộc điều tra dân số năm 2020 do Cục Điều tra dân số Mỹ tiến hành. Số lượng thành viên Hạ viện được phân bổ của mỗi bang được xác định theo dân số của bang đó nên nếu một bang có thêm hoặc mất đi nhiều cư dân theo kết quả điều tra mới, bang đó sẽ mất hoặc giành thêm ghế trong Hạ viện.

Trong khi đó, ở Thượng viện có 35 ghế trong tổng 100 ghế phải bầu lại trong kỳ bầu cử này. Khoảng 1/3 trong số này là các ghế cạnh tranh và mỗi ghế đều cực kỳ quan trọng khi quyền kiểm soát của đảng Cộng hòa đang bị đe dọa. Hiện tại, phe Cộng hòa đang có lợi thế 53-47 tại Thượng viện. Nếu đảng Dân chủ có thể giành được thêm bốn ghế, họ sẽ đảm bảo chiếm đa số tại Thượng viện.

Ở cấp tiểu bang, cử tri ở 11 bang và hai vùng lãnh thổ - Puerto Rico và Samoa - cũng sẽ bầu lại thống đốc trong ngày 3-11. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm