Lại nóng chuyện nguồn gốc dịch COVID-19 từ tiết lộ tình báo

Tờ The Wall Street Journal ngày 23-5 tiết lộ một tập tài liệu tình báo chưa được công bố của Bộ Ngoại giao Mỹ về một số thông tin củng cố thêm nghi vấn virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 thực chất đã rò rỉ từ phòng thí nghiệm thuộc Viện Virus học Vũ Hán ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc (TQ). Thông tin mới nhiều khả năng sẽ thổi bùng lại cuộc tranh cãi về nguồn gốc dịch COVID-19 vốn từng là tâm điểm căng thẳng giữa các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu và TQ hồi năm ngoái.

Lực lượng an ninh Trung Quốc đứng gác bên ngoài Viện Virus học Vũ Hán thuộc TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc hồi tháng 2. Ảnh: AP

Phía Mỹ liên tục gọi tên Viện Virus học Vũ Hán

Một số đương kim và cựu quan chức tình báo Mỹ giấu tên khẳng định các thông tin trong tài liệu được một “đối tác quốc tế” cung cấp cho Bộ Ngoại giao Mỹ, về bản chất tương đối quan trọng và chính xác nhưng vẫn cần điều tra thêm để xác minh rõ ràng.

Tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định đã có ba chuyên gia làm việc tại Viện Virus học Vũ Hán ngã bệnh và phải nhập viện vào tháng 11-2019 với “các triệu chứng giống COVID-19 và các bệnh theo mùa khác”. Một tháng sau đó, chính quyền TQ mới chính thức thông báo có ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở TP Vũ Hán. Chưa rõ danh tính của các chuyên gia này và tình trạng hiện tại của họ ra sao.

Thông tin này trước mắt trùng khớp với ý kiến của đa phần chuyên gia y tế quốc tế rằng virus bắt đầu xuất hiện và lây lan trong cộng đồng dân cư TP Vũ Hán từ khoảng tháng 11-2019, đến tháng 12-2019 thì các ca nhiễm mới dần lộ diện, biến địa phương này thành tâm dịch đầu tiên của thế giới.

Cũng trong ngày 23-5, TS Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm Mỹ, nói ông không còn tin nhiều vào giả thuyết virus SARS-CoV-2 hình thành tự nhiên, không có can thiệp của con người. Đài CNN cho rằng đây là bước thay đổi đáng kể trong quan điểm của ông Fauci, bởi năm ngoái ông liên tục bác bỏ giả thuyết virus rò rỉ từ Viện Virus học Vũ Hán, sẵn sàng cãi nhau và đi tới mâu thuẫn nghiêm trọng với Tổng thống Donald Trump về vấn đề này.

“Tôi nghĩ chúng ta cần tiếp tục điều tra về những gì đã xảy ra tại TQ. Dĩ nhiên, những nhà điều tra về virus SARS-CoV-2 nói rằng virus này có khả năng xuất hiện từ một ổ dịch động vật, sau đó lây nhiễm cho các cá thể người. Tuy nhiên, chuỗi lây nhiễm cũng có thể đến từ một tác nhân nào khác và chúng ta cần tìm ra tác nhân này. Đó là lý do tôi hoàn toàn ủng hộ tất cả cuộc điều tra nhằm xem xét nguồn gốc của virus SARS-CoV-2” - ông Fauci đề nghị.

Ba ngày trước, các nghị sĩ đảng Cộng hòa thuộc Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ cho công bố một bản báo cáo khác về nguồn gốc dịch COVID-19. Theo đài Fox News, báo cáo khẳng định “có nhiều bằng chứng cho thấy khả năng rất cao” là virus SARS-CoV-2 đã rò rỉ từ Viện Virus học Vũ Hán. Báo cáo cũng khẳng định cơ sở này đã bắt đầu nghiên cứu các chủng virus thuộc họ Corona từ năm 2017. Nhiều quan chức TQ đã phải cảnh báo Viện Virus học Vũ Hán hạn chế các thí nghiệm “mang tính rủi ro cao” đối với các chủng virus này. Báo cáo cũng khẳng định Viện Virus học Vũ Hán đã có tiền lệ “nhiều lần làm rò rỉ virus” nhưng không nói rõ mốc thời gian và cụ thể sự việc.

“Để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người dân Mỹ, chính quyền Mỹ phải tăng cường áp lực lên TQ để buộc nước này phải minh bạch thông tin, mở cửa cho quốc tế điều tra làm rõ nguồn gốc dịch COVID-19 và xác minh liệu có thật virus gây dịch rò rỉ từ Viện Virus học Vũ Hán hay không” - báo cáo kết luận.

 

Lập trường chính thức của Bắc Kinh vẫn là virus không rò rỉ từ Viện Virus học Vũ Hán, mà rất có thể là virus xuất hiện bên ngoài rồi lây vào TQ. Mọi giả thuyết hay thông tin đi ngược với lập trường này đều bị TQ cho là hành động nhằm “bôi nhọ” và “tung tin giả” với ý đồ gây hại cho TQ.

Khả năng sẽ tiếp tục điều tra nguồn gốc dịch COVID-19

Trước mắt, cả Nhà Trắng, Bắc Kinh lẫn Viện Virus học Vũ Hán đều chưa đưa ra phản hồi chính thức nào về các thông tin trên. TQ trước sau vẫn khẳng định Viện Virus học Vũ Hán không có vai trò gì trong việc bùng phát đại dịch COVID-19. Hồi tháng 3, TQ cũng đã phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều tra nhưng kết quả về cơ bản không giải quyết thỏa đáng câu hỏi về nguồn gốc dịch COVID-19.

Đoàn chuyên gia WHO sau vài tuần thăm trực tiếp TP Vũ Hán, làm việc trực tiếp với chuyên gia TQ chỉ mới đưa ra được một bản báo cáo sơ bộ kết luận “nhiều khả năng” virus lây sang người từ vật trung gian là một động vật hoang dã bị bắt và nuôi trong trang trại nhưng không chỉ ra được là động vật nào. Báo cáo cũng không khẳng định rõ ràng virus hình thành tự nhiên hay là sản phẩm nhân tạo, mà vẫn chỉ kết luận chung chung “khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là rất thấp”. Hơn nữa, báo cáo cũng bị chỉ trích không có độ chính xác cao vì không tiếp cận được dữ liệu nghiên cứu gốc của Viện Virus học Vũ Hán.

Nhóm chuyên gia của WHO sau đó thừa nhận trong quá trình điều tra họ đối mặt với nhiều sức ép, trong đó có cả sức ép chính trị nhưng họ không bao giờ bỏ qua “các yếu tố quan trọng” trong báo cáo.

Sau khi WHO công bố báo cáo, 14 nước gồm Mỹ, Úc, Canada, Czech, Đan Mạch, Estonia, Israel, Nhật, Latvia, Lithuania, Na Uy, Hàn Quốc, Slovenia và Anh đã ra một tuyên bố chung chỉ trích chất lượng báo cáo của WHO và yêu cầu TQ ngừng ảnh hưởng tới công tác khoa học của chuyên gia quốc tế.

CNN cho rằng việc xuất hiện loạt thông tin mới trên có thể sẽ tạo động lực để phương Tây và các tổ chức quốc tế như WHO lật lại cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc dịch COVID-19 và vai trò của TQ trong vấn đề này.

Dự kiến Đại hội đồng Y tế Thế giới, cơ quan ra quyết định của WHO, ngày 24-5 (giờ địa phương) sẽ tổ chức thảo luận giai đoạn kế tiếp của cuộc điều tra về nguồn gốc dịch COVID-19. Điều chắc chắn là Mỹ và các nước phương Tây sẽ yêu cầu được cử chuyên gia riêng trong nước và được tham gia giám sát tiến trình điều tra sắp tới để đảm bảo chất lượng.•

 

Trả lời phỏng vấn của The Wall Street Journal, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn đang nỗ lực truy nguồn gốc của đại dịch COVID-19 và vai trò của TQ trong vấn đề này. Tuy nhiên, mọi thông tin hay giả thuyết đều phải được WHO và các chuyên gia quốc tế điều tra trước. Hơn nữa, người này cũng khẳng định chính phủ Mỹ thời gian tới sẽ tiếp tục giữ im lặng về tập tài liệu của Bộ Ngoại giao vì chính phủ lâu nay không có chính sách phản hồi các thông tin liên quan đến tình báo mật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm