Theo trang tin The Diplomat, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia ông Hishammuddin Hussein ngày 14-3 tuyên bố nếu thật sự Trung Quốc có trang thiết bị quân sự trên quần đảo Trường Sa, quốc gia này sẽ buộc phải “phản đòn”. Tuy nhiên, Bộ trưởng của Malaysia không đề cập chi tiết những phản ứng trong thời gian tới của nước này.
Trả lời họp báo tại Kuala Lumpur, ông Hussein cho biết: “Nếu các báo cáo mà phía chúng tôi nhận được, về việc tăng cường và bố trí các trang thiết bị quân sự tại Trường Sa, là chính xác, điều này sẽ buộc chúng tôi vào vị thế phải "phản đòn" chống lại Trung Quốc”.
Tuyên bố này, cùng nhiều phát biểu tương tự trước đó của các quan chức Malaysia khiến giới quan sát hoài nghi liệu Malaysia đã thay đổi lập trường của họ đối với vấn đề biển Đông hay chưa.
Chiến hạm lớp Leiku của Malaysia tham gia huấn luyện cùng tàu sân bay USS George Washington của Mỹ
Chuyên gia của tờ The Diplomat ghi nhận Malaysia đã dần bắt đầu có những phản ứng cứng rắn trước vấn đề biển Đông những năm gần đây. Phát ngôn về ý định “phản đòn” của bộ trưởng Quốc phòng Malaysia có thể xem là không quá bất ngờ hay mơ hồ.
Các quan chức của Malaysia cũng thường xuyên lên tiếng về những động thái hung hăng trên biển Đông, có hoặc không đề cập đích danh Trung Quốc. Các lãnh đạo quốc phòng của nước này cũng đã kêu gọi tăng cường năng lực quân sự đối với những hành vi xâm phạm vùng lãnh hải. Malaysia cũng đã bắt đầu đối thoại với Mỹ về việc xây dựng một căn cứ không quân Mỹ tại nước này, tờ The Diplomat cho biết.
Tuyên bố “phản đòn” mà ông Hussein đưa ra, theo The Diplomat, là một phần trong cả một chiến lược đối phó mà Malaysia đang theo đuổi trong thời gian qua, hơn là một bước ngoặt bất ngờ trong lập trường của nước này. Malaysia đang tăng sự chủ động trong vấn đề biển Đông, thay cho cách tiếp cận đối thoại thông qua cá nhân lãnh đạo.
Nước này trong thời gian quan cũng đã nhiều lần lên tiếng đòi Trung Quốc cam kết không quân sự hóa quần đảo Trường Sa. Malaysia cũng mở rộng phối hợp với cả Việt Nam và Philippines trong vấn đề biển Đông. Những phản ứng cứng rắn và thiết thực hơn trong tương lai cũng sẽ không quá bất ngờ.
Tuy nhiên, The Diplomat cũng cho rằng Malaysia vẫn theo đuổi quan điểm “an toàn” đối với vấn đề biển Đông, vừa bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của họ vừa không làm phương hại đến mối quan hệ quan trọng Kuala Lumpur - Bắc Kinh. Những yếu tố mang tính truyền thống như lịch sử quan hệ với Trung Quốc, vị trí địa lý và tiềm lực quân sự hạn hẹp khiến nước này không dám từ bỏ hoàn toàn cách tiếp cận “an toàn” trước kia.
Chính vì điều này, bên cạnh tuyên bố cứng rắn của mình, ông Hussein vẫn nhấn mạnh yếu tố hành động tập thể và sự ổn định khu vực, thay vì đáp trả bằng vũ lực như điều động trang thiết bị quân sự đối đầu với Trung Quốc. Ông cũng cẩn thận “nhắc nhở” rằng Malaysia vẫn có thể sử dụng kênh ngoại giao để giải quyết các tuyên bố chủ quyền trên biển Đông.