Moderna, Pfizer, AstraZeneca phát ngôn mâu thuẫn về hiệu quả vaccine với Omicron

Hãng dược phẩm Mỹ Moderna hôm 30-11 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo khi cho rằng hiệu quả của vaccine hiện tại với biến thể Omicron thấp hơn so với chống biến thể Delta, trong khi Pfizer và phía ĐH Oxford lại có phát ngôn ngược lại.

Moderna cảnh báo hiệu quả vaccine đối với Omicron thấp hơn với Delta

Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Financial Times, Giám đốc điều hành Moderna Stéphane Bancel dự đoán rằng các loại vaccine hiện có trên thị trường sẽ không đạt được hiệu quả trong việc chống lại biến thể Omicron so với các chống các biến thể trước đó. 

Ông Bancel đồng thời cảnh báo rằng các công ty dược phẩm sẽ có thể mất nhiều tháng để sản xuất loại vaccine đối phó biến thể mới này với quy mô lớn.

Người dân đeo khẩu trang để phòng chống dịch COVID-19 khi đi xe buýt ở Hong Kong, ngày 29-11. Ảnh: REUTERS

“Theo tôi, hiện không có bằng chứng nào cho thấy mức độ hiệu quả của vaccine đối với biến thể mới có thể đạt mức độ tương đương khi so đối với biến thể Delta" - Giám đốc điều hành Moderna nhận định. 

“Tôi nghĩ sắp tới chúng ta sẽ chứng kiến sự sụt giảm thấy rõ về độ hiệu quả của vaccine. Tôi không biết sẽ giảm bao nhiêu vì chưa đủ dữ liệu. Nhưng tất cả các nhà khoa học mà tôi đã nói chuyện cùng đều nói rằng tình hình trước mắt không hề khả quan" - ông Bancel nói thêm.

Thị trường tài chính đã giảm mạnh sau những tuyên bố của giám đốc điều hành Moderna, nhưng sau đó đã phục hồi mạnh mẽ sau những lời trấn an hơn từ các quan chức châu Âu, theo hãng tin Reuters.

Một người đàn ông đeo khẩu trang trong khi làm việc tại một trung tâm xét nghiệm axit nucleic ở Hong Kong, ngày 29-11. Ảnh: REUTERS

Pfizer/BioNTech và AstraZeneca: Vaccine hiện tại vẫn có thể chống biến thể Omicron

Trái ngược với những nhận định từ phía Moderna, giám đốc điều hành công ty công nghệ sinh học Đức BioNTech Uğur Şahin khẳng định một cách tích cực rằng vaccine do họ kết hợp sản xuất cùng tập đoàn dược phẩm Mỹ Pfizer vẫn có khả năng bảo vệ mạnh mẽ chống lại biến thể Omicron.

Trước đó, hôm 29-11, ông Scott Gottlieb, giám đốc Pfizer và là cựu ủy viên của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (CDC) cũng cho biết Pfizer và BioNTech “tương đối tự tin rằng” khi được tiêm ít nhất ba liều vaccine của họ, bệnh nhân sẽ “được bảo vệ khá tốt để chống lại biến thể mới".

Trong khi đó, ĐH Oxford - bên nghiên cứu phát triển vaccine AstraZeneca tại Anh, cho biết không có bằng chứng nào cho thấy vaccine hiện tại sẽ không ngăn ngừa được các triệu chứng nặng từ biến thể Omicron.

Tuy nhiên họ cũng tuyên bố đã sẵn sàng để nhanh chóng cải tiến vaccine AstraZeneca nếu cần thiết.

Nhân viên mặc đồ bảo hộ kiểm tra thân nhiệt các hành khách lên chuyến bay quốc tế tại sân bay quốc tế Narita ở Tokyo, Nhật, ngày 30-11. Ảnh: REUTERS

Nói về biến thể Omicron, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng đây là "tác nhân gây lo ngại chứ không phải lý do để hoảng loạn", thêm rằng các chuyên gia y tế của chính phủ Mỹ "tin rằng vaccine vẫn có tác dụng bảo vệ chống lại các ca bệnh nghiêm trọng".

Kể từ khi được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định là một biến thể “đáng lo ngại” hôm 26-11, biến thể này đã được ghi nhận ở nhiều nơi trên khắp các châu lục.

Một số quốc gia sau đó đã thắt chặt các hạn chế đi lại đối với du khách đến từ các quốc gia ở châu Phi nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan của biến thể Omicron, Reuters đưa tin.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm