Quyền Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) Richard Grenell đã giải mật một danh sách nhiều quan chức thời chính phủ Tổng thống Barack Obama đã yêu cầu được cung cấp thông tin về các cá nhân rò rỉ vụ Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn liên hệ Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak năm 2016 với truyền thông.
Ông Trump: Tin lớn!
Thông tin này được đài CBS News dẫn từ một quan chức DNI ngày 12-5. Quan chức này từ chối nói rõ thêm về các cái tên trong danh sách hay liệu danh sách có được công khai hay không và công khai thời điểm nào.
Các cuộc đối thoại của ông Flynn với Đại sứ Nga Kislyak - chủ yếu về trừng phạt của chính phủ ông Obama ban hành hồi tháng 12-2016 với Nga vì Nga cố gắng hủy hoại cuộc bầu cử tổng thống 2016 của Mỹ - bị rò rỉ ra truyền thông trước khi chính phủ ông Donald Trump nhậm chức.
Quyền Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) Richard Grenell. Ảnh: CNN
Ở vị trí quyền Giám đốc DNI, ông Grenell có thẩm quyền giải mật các thông tin tình báo và có thể quyết công khai thông tin nào. Tháng 5-2019, Tổng thống Trump cũng cho phép Bộ trưởng Tư pháp Michael Barr quyền tương tự, được tiếp cận sâu rộng các tài liệu mật liên quan đến tiến trình Bộ Tư pháp xem xét lại cuộc điều tra quan hệ giữa đội tranh cử ông Trump và Nga. Tiến trình này do luật sư John Durham dẫn đầu và được cho có một phần tập trung vào tìm hiểu những người muốn vạch trần ông Flynn ra truyền thông.
Tổng thống Trump có vẻ hoan nghênh thông tin danh sách được giải mật. Ngày 12-5 ông Trump đưa lên Twitter một đường link thông tin về diễn tiến này cùng với câu “Tin lớn!”.
Chưa biết số phận danh sách này sẽ thế nào, khi ông Grenell là một người trung thành với ông Trump, theo CNN.
Theo CNN, đúng là ông Grenell có quyền giải mật thông tin nhưng việc này xuất hiện ngay thời điểm ông chuẩn bị hết thời gian làm quyền giám đốc DNI và Thượng viện đang chuẩn bị duyệt đề cử ông John Ratcliffe vào vị trí giám đốc DNI chính thức đã dấy lên nghi ngờ ông có thể có động cơ chính trị.
Trước mắt, nguồn tin của CBS News cho biết ông Grenell đã chuyển danh sách này sang Bộ Tư pháp tuần trước. Tuy nhiên, một quan chức Bộ Tư pháp nói với CBS News rằng bộ không có kế hoạch công khai danh sách này.
Nghiêm trọng cỡ nào?
Tại sao diễn biến này lại quan trọng và được ông Trump hoan nghênh đến thế?
Theo quy định, các cơ quan tình báo Mỹ thường giữ kín tên các cá nhân Mỹ liên quan việc can thiệp các cuộc hội thoại của các quan chức nước ngoài. Một số quan chức cấp cao chính phủ Mỹ có thể yêu cầu được cung cấp thông tin về các cá nhân này nhằm hiểu hơn về thông tin tình báo; và những yêu cầu này có thể được chấp nhận hoặc bị từ chối.
Việc yêu cầu tiết lộ thông tin cá nhân cung cấp thông tin tình báo không phải là tội và thực tế diễn ra khá thường. Tuy nhiên, việc công khai thông tin về cá nhân này hay truyền bá thông tin cá nhân này cung cấp vì mục đích chính trị có thể sẽ bị quy phạm tội.
Ông Michael Flynn - tâm điểm vụ việc. Ảnh: CNN
Theo báo cáo Minh bạch thống kê hằng năm được Văn phòng DNI công bố tháng trước, số cá nhân bị Cơ quan An ninh Quốc gia tiết lộ khi nhận được yêu cầu từ các quan chức chính phủ trong năm 2019 là 10.012. Con số này có giảm so với năm 2018 (16.721) nhưng tăng so với năm 2017 (9.529). Dưới thời chính phủ ông Obama, các con số này là 9.217 năm 2016 và 1.122 năm 2015.
Liệu trong danh sách có những ai?
Hiện chưa rõ danh sách ông Grenell vừa giải mật có những cái tên quan chức nào dưới thời ông Obama. Nhiều quan chức chính phủ ông Obama từng thừa nhận có yêu cầu cung cấp thông tin những người tiết lộ thông tin tình báo nhưng đều vì các lý do hợp pháp.
Đài CNN có đưa tin trong khoảng thời gian giữa cuộc bầu cử tổng thống Mỹ (tháng 11-2016) và thời điểm ông Trump nhậm chức (tháng 1-2017) đã có “nhiều yêu cầu” tiết lộ thông tin những người cung cấp thông tin về ông Flynn.
Cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice từng thừa nhận có yêu cầu tình báo tiết lộ ai đã cung cấp thông tin ông Flynn đối thoại với Đại sứ Nga Kislyak nhưng không được chấp nhận. Điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện tuần rồi bà Rica nói bà chỉ muốn bảo vệ an ninh quốc gia chứ chẳng biết “yêu cầu tiết lộ thông tin vì mục đích chính trị là gì”, cũng như chẳng biết phải làm những gì để đạt mục đích này.
Cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice (phải) và Tổng thống Barack Obama (trái) trong một lần họp báo tại Nhà Trắng. Ảnh: GETTY IMAGES
Cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power - thành viên đội an ninh quốc gia của Tổng thống Obama cũng từng điều trần Quốc hội và thừa nhận mình từng yêu cầu được giải mật thông tin nhưng không có yêu cầu nào liên quan trực tiếp đến ông Flynn. Bà Power cũng nói bà chưa từng rò rỉ thông tin cho báo chí.
Trong một lần điều trần trước Quốc hội năm 2017, cựu Giám đốc DNI James Clapper cũng nói ông không biết bối cảnh vụ ông Flynn bị rò rỉ với truyền thông hay có bất kỳ liên quan nào đến việc rò rỉ.
Tổng thống Trump những ngày qua nhiều lần cáo buộc có chuyện sai trái trong chính phủ ông Obama liên quan vụ việc ông Flynn. Đầu tuần này ông Trump viết trên Twitter rằng ông Obama dùng những tuần cuối cùng trước khi hết nhiệm kỳ để tập trung gây các tác động tiêu cực đến chính phủ ông Trump.
Diễn biến này đến chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Tư pháp Michael Barr rút các cáo buộc hình sự với ông Flynn, với lý do Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) điều tra không thích hợp. Quyết định của Bộ Tư pháp bị nhiều công tố viên phụ trách vụ ông Flynn chỉ trích kịch liệt và sau đó quyết định rút khỏi vụ này. Tuy nhiên, hành động của Bộ Tư pháp lại nhận được sự hoan nghênh từ Tổng thống Trump và các đồng minh của ông - những người vẫn cho ông Flynn bị chính phủ ông Obama nhắm đến “một cách không công bằng” nhằm ảnh hưởng tiêu cực đến ông Trump. |