Indonesia:

Kỳ lạ tục lệ dựng người chết dậy để hóa trang

Theo Daily Mail, người dân làng Torajan sống ở cao nguyên Nam Sulawesi, Indonesia có một mối liên hệ chặt chẽ với những người thân đã khuất. Thay vì mang người chết đi chôn, họ có truyền thống giữ những xác chết bên cạnh mình hàng tuần, thậm chí là hàng năm dài.

Một người đàn ông đang chăm sóc lại mái tóc cho người mẹ quá cố của ông. Ảnh: Carter New Agency

Sau khi đã được an táng, những người chết này cũng không hẳn được nằm yên mãi dưới nấm mồ. Họ thỉnh thoảng được đào lên để được chỉnh sửa “nhan sắc” như cắt tóc, thay áo mới hoặc để về đoàn tụ với người thân trong một khoảng thời gian.

“Đó là cách chúng tôi tôn trọng người đã khuất. Không việc gì phải đau buồn than khóc. Đây là dịp vui để chúng tôi được đoàn tụ với người thân yêu đã khuất” - một người dân làng Torajan nói về nghi lễ kỳ lạ của họ.

Những xác chết sau khi được đào lên sẽ được người thân mang đi diễu hành khắp phố như một phần trong nghi thức kỳ dị ở làng Torajan. Ảnh: Carter New Agency

Sau khi các xác chết được đào lên, họ sẽ được mang đi diễu hành khắp làng. Tiếp đến, người dân trong làng sẽ giết thịt heo, bò làm lễ hiến tế để dọn đường đưa người chết tới được thiên đường vĩnh hằng.

Người dân ở đây còn tin rằng khi họ đối xử tôn trọng những người quá cố, họ sẽ được chúc phúc cho một mùa màng bội thu.

Hủ tục có từ lâu đời

Không một ai trong làng Torajan biết được tục lệ kỳ lạ này có từ khi nào, chỉ biết là ngôn ngữ của bộ lạc này được phát hiện từ những năm 1900. Tuy nhiên, dựa trên việc nghiên cứu những mảnh gỗ từ các quan tài cho thấy nó có thể có từ năm 800 sau công nguyên và có khi còn lâu hơn nữa.

Người chết ở bộ lạc này không được xem là đã chết cho tới khi họ được cử hành tang lễ. Đặc biệt, đám tang ở đây được cử hành long trọng, xa hoa và kéo dài nhiều ngày. Chi phí cho việc lễ lạc thường tốn một khoảng tiền khá lớn mà gia đình người chết thường phải dành dụm nhiều năm mới có được.

Trong khoảng thời gian “chung sống” với người thân, những xác chết được tắm rửa bằng chất khử trùng, được mang đặt trong một căn phòng và được đối xử y như hồi còn sống. Mọi người coi họ như đang bị ốm chứ chưa phải đã qua đời. Người trong nhà dành thời gian mỗi ngày để trò chuyện với họ, thay đồ cho họ, thậm chí là mang thức ăn nước uống và cả thuốc lá cho người chết.

Thậm chí, sau khi đã được chôn cất, người dân Torajan vẫn giữ một mối liên kết sâu đậm với người chết, như giữ gìn áo quần của họ, trò chuyện với họ và cúng tiền bạc xuống cho họ thường xuyên.

Ngày nay, các hoạt động của bộ lạc còn được kết hợp với các nghi lễ của Cơ đốc giáo hiện đại. Tôn giáo này đã được các nhà thám hiểm người Hà Lan đưa đến Toranjan vào những năm 1500, lập nên một vùng tín ngưỡng riêng biệt trong một đất nước Hồi giáo như Indonesia.

Các xác chết vừa được đào lên từ nắm mồ, sẵn sàng cho một cuộc diễu hành khắp làng. Ảnh: Carter New Agency

Những người trẻ không e sợ mà thậm chí còn chụp hình chung với các xác chết bên đường. Ảnh: Carter New Agency

Một xác chết được đặt cạnh di ảnh của chính ông ta. Ảnh: Carter New Agency

Một xác chết nhỏ tuổi hơn vừa được thay áo quần mới. Ảnh: Carter New Agency

Họ thậm chí còn được mang theo trang sức. Ảnh: Carter New Agency

Một quan tài vừa được mang lên khỏi lòng đất, sẵn sàng cho việc "hồi sinh" của người nằm bên trong. Ảnh: Carter New Agency

Họ được đội nón mới, mặc áo mới, đeo kính và thậm chí là được hút thuốc. Ảnh: Carter New Agency

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ấn Độ muốn đổi tên nước?

Ấn Độ muốn đổi tên nước?

(PLO)- Chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dường như muốn đổi tên nước này thành “Bharat” để tách Ấn Độ khỏi quá khứ thuộc địa.