Thêm bằng chứng về nguyên tố hóa học mới

Thêm bằng chứng về nguyên tố hóa học mới ảnh 1

Hiệp hội quốc tế về hóa học cơ bản và ứng dụng (IUPAC) vẫn chưa công nhận phát hiện về nguyên tố thứ 115 trong bảng tuần hoàn hóa học. Ảnh: BBC

Nguyên tố mới có tính phóng xạ cao và tồn tại trong không đầy 1 giây trước khi phân rã thành các nguyên tử nhỏ hơn.

Được các nhà khoa học Nga đề cử lần đầu tiên vào năm 2004, nguyên tố siêu nặng nói trên vẫn chưa được Hiệp hội quốc tế về hóa học cơ bản và ứng dụng (IUPAC) phê chuẩn "ghi danh" vào bảng tuần hoàn hóa học.

Một nhóm nhà khoa học Thụy Điển vừa cho công bố bằng chứng mới về sự tồn tại của nguyên tố thứ 115 trên tạp chí Physical Review Letters. Dirk Rudolph, giáo sư chuyên ngành vật lý nguyên tử thuộc Đại học Lund (Thụy Điển) và người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: "Đây là một thử nghiệm rất thành công và là một trong những công trình quan trọng nhất trong lĩnh vực vật lý nguyên tử trong vài năm trở lại đây".

Theo giáo sư Rudolph, sau khi khám phá ra nguyên tố 115 cần có sự chứng thực độc lập nhằm đo lường số lượng proton chính xác của nguyên tố này. Phát hiện của ông cùng các cộng sự đã "vượt ra số đo tiêu chuẩn" quan sát được trước đây. Các thử nghiệm đã cho ra một chất đồng vị mới của nguyên tố mới, vốn chuyển biến thành các hạt khác thông qua một quá trình phóng xạ gọi là phân rã alpha.

Các nhà nghiên cứu cũng đã tiếp cận được những dữ liệu giúp cung cấp một cái nhìn sâu hơn về cấu trúc và các đặc tính của hạt nhân nguyên tử siêu nặng. Tòan bộ các thí nghiệm của họ được tiến hành tại cơ sở nghiên cứu GSI ở Đức, nơi các nhà khoa học đã phát hiện 6 nguyên tố mới khác.

Theo thông lệ, bất kỳ nguyên tố mới nào cũng được đệ trình lên ủy ban IUPAC xem xét. Họ sẽ quyết định liệu có cần thêm thí nghiệm hay không trước khi chính thức công nhận phát hiện nguyên tố mới.

Theo Tuấn Anh (VNN / BBC)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm