Phát biểu tại phiên họp báo qua điện thoại ngày 27-8, Phó Đô đốc Scott Conn, Chỉ huy Hạm đội 3 thuộc Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, khẳng định Washington luôn cam kết sát cánh cùng các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trước mọi thách thức nảy sinh từ tình hình biến động hiện nay, cũng như giữ gìn trật tự khu vực tự do và rộng mở.
Các phát ngôn của ông Conn được đưa ra chỉ một ngày sau khi Trung Quốc (TQ) bất ngờ phóng hai tên lửa đối hạm DF-26B và DF-21D ra vùng biển phía đông nam tỉnh Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, trong bối cảnh Mỹ đang tiến hành cuộc tập trận chung 10 nước mang tên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) ở biển Hawaii.
Phóng tên lửa ra Biển Đông, Bắc Kinh muốn gì?
Bình luận về động thái của Bắc Kinh, Phó Đô đốc Conn không nêu rõ hải quân Mỹ sẽ có đòn đáp trả cụ thể gì. Tuy nhiên, ông cho biết Mỹ đang duy trì 38 tàu chiến hoạt động liên tục ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để nhanh chóng phản ứng trước bất kỳ diễn biến leo thang mới nào có thể đe dọa các lực lượng Mỹ và đồng minh, đối tác. Theo lời ông Conn thì “TQ cứ làm những gì họ muốn, miễn là những việc đó không vi phạm luật pháp quốc tế và làm ảnh hưởng đến những quốc gia xung quanh”.
Dù vậy, giới quan sát lại tranh cãi về ý đồ của Bắc Kinh khi phóng hai tên lửa và tác động của nó lên quan hệ vốn đang rất nóng giữa TQ và Mỹ. Nhận định trên tờ South China Morning Post, chuyên gia quân sự Song Zhongping (Hong Kong) cho rằng đây là tín hiệu cảnh cáo của Bắc Kinh với Washington trước việc Mỹ nhiều tháng qua tăng cường tuyên bố và hành động phản đối tham vọng bành trướng của TQ ở Biển Đông. Theo ông Song, “rõ ràng TQ muốn phô diễn sức mạnh quân sự để cho Washington thấy rằng ngay cả tàu sân bay Mỹ cũng không thể an toàn nếu hoạt động gần bờ biển nước này”.
Đồng quan điểm, tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đối ngoại (Mỹ) còn cảnh báo rằng TQ chỉ viện tới giải pháp quân sự đối với các cường quốc ngang hàng hoặc vượt trội hơn chỉ khi các biện pháp đối thoại, đàm phán đã thất bại. Giới chức Bắc Kinh cũng có thể đánh giá quan hệ Mỹ - Trung hiện tại không thể cứu vãn được nữa và ra một đòn quyết định “được ăn cả, ngã về không”. Do đó, cần phải hết sức cẩn trọng về khả năng gia tăng nguy cơ nổ ra xung đột giữa hai nước.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của tờ The Japan Times, Giám đốc tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á Gregory Poling lại cho rằng hành động của TQ không có gì mới vì trước đây đã có tiền lệ nước này bắn thử tên lửa ra Biển Đông, lần gần nhất là vào tháng 7-2019. Theo ông, “đối tượng mà Bắc Kinh muốn gửi tín hiệu đe dọa thực chất là những nước xung quanh đang có ý định theo phe Mỹ, và những tiếng nói đối lập trong nước, vì Washington thừa biết năng lực chống hạm của TQ đến đâu”.
Thủy thủ trên khu trục hạm USS Chung-Hoon của Hải quân Mỹ tham gia cuộc diễn tập chung RIMPAC ngày 19-8. Ảnh: AFP
Mỹ củng cố mạng lưới đồng minh, đối tác
Thông tin thêm về RIMPAC, Phó Đô đốc Conn cho biết ưu tiên hàng đầu của cuộc tập trận này là hỗ trợ tăng cường năng lực quân sự, củng cố quan hệ và kiến tạo đồng thuận giữa các đồng minh, đối tác Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo ông, năng lực tác chiến phối hợp và cơ động giữa hải quân đa quốc gia là chìa khóa để giữ vững nền hòa bình chung trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực ngày càng trở nên bất ổn.
Mỹ có trách nhiệm dẫn đầu. Chúng tôi từ lâu đã là một quốc gia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chúng tôi sẽ không nhượng bộ tại khu vực này, dù chỉ một tấc, cho bất kỳ quốc gia nào nghĩ rằng thể chế và lập trường của họ vượt trội hơn những gì mà toàn thế giới đang theo đuổi. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ MARK ESPER |
Mặt khác, thông qua RIMPAC, Mỹ muốn chứng minh cho TQ thấy nước này luôn giữ vững cam kết bảo vệ các giá trị tự do, luật pháp quốc tế và được cộng đồng quốc tế hưởng ứng, ủng hộ.
Ông Conn nhắc đến một thực tế là “TQ thời gian này cũng đang tổ chức đợt diễn tập hàng hải gần quần đảo Hoàng Sa, tuy nhiên hình như chỉ có hai nước khác tham gia”, “trong khi RIMPAC có đến 10 thành viên, bao gồm Mỹ”.
Khi được hãng tin Bloomberg hỏi về khả năng RIMPAC sẽ càng khiến TQ gia tăng các động thái trả đũa, Phó Đô đốc Conn nhấn mạnh Mỹ cùng đồng minh, đối tác chỉ hoạt động ở các vùng biển được luật pháp quốc tế công nhận và luôn chú ý đảm bảo an toàn với độ chuyên nghiệp cao.
Tại phiên họp báo, ông Conn cũng thừa nhận Mỹ không thể một mình bảo vệ hòa bình cho toàn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của các đồng minh, đối tác khác.
Mỹ trừng phạt 24 công ty Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông Tờ The Wall Street Journal ngày 26-8 đưa tin Bộ Thương mại Mỹ vừa tuyên bố cấm vận 24 công ty TQ với cáo buộc “hỗ trợ quân đội TQ xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông”. Cụ thể, Bộ Thương mại sẽ chặn việc xuất khẩu hàng hóa và nguyên liệu của Mỹ cho các công ty này. “Kể từ năm 2013, những công ty nói trên đã bồi đắp hơn 1.200 ha đất trên khắp bảy bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam - PV) mà TQ chiếm đóng trái phép, đồng thời lắp đặt nhiều hệ thống phòng không và chống hạm ở đây. Do đó, họ bắt buộc phải chịu trách nhiệm” - Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross nêu rõ. Đáng chú ý, trong những cái tên trong danh sách trừng phạt của Mỹ có công ty con của Tổng Công ty Xây dựng giao thông TQ (China Communications Construction Company), nhà thầu chủ lực thuộc dự án Một vành đai - Một con đường của Bắc Kinh. Bộ Ngoại giao Mỹ cùng ngày cũng thông báo cấm nhập cảnh và hạn chế thị thực đối với các lãnh đạo 24 công ty bị trừng phạt cùng người thân của họ. Cơ quan này kỳ vọng các nước khác cũng sẽ ra tuyên bố tương tự. |