Ngày 11-3, nhằm siết chặt hơn nữa các lệnh trừng phạt lên Nga, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cùng với các đồng minh quyết định thu hồi quy chế thương mại "tối huệ quốc" của Moscow. Chính quyền của ông cũng cấm nhập khẩu hải sản, rượu và kim cương của Nga, theo hãng tin AP.
Dự kiến, Quốc hội Mỹ sẽ sớm có các hành động nhằm thông qua quyết định của ông Biden. Việc Mỹ hủy bỏ quy chế thương mại đặc biệt với Nga là một trong các động thái mới nhất nhằm đáp trả các cuộc không kích của quân đội nước này ở Ukraine.
Theo AP, việc bị thu hồi quy chế thương mại sẽ không có tác động sâu rộng ngay lập tức đến nền kinh tế Moscow. Tuy nhiên, nếu kết hợp với các biện pháp trừng phạt khác mà Mỹ và các đồng minh đã áp đặt, nó có thể tăng sức ép đối với Tổng thống Vladimir Putin và buộc lực lượng Nga phải rút khỏi Ukraine.
Quy chế tối huệ quốc (MFN) là gì?
Tối huệ quốc là một trong những quy chế pháp lý quan trọng trong thương mại quốc tế hiện đại. Với cơ chế này, tất cả đối tác thương mại của một quốc gia cụ thể đều được đảm bảo sự công bằng trong mức thuế quan và các điều khoản khác.
Ví dụ, giả sử Mỹ đánh thuế 13% đối với găng tay da nhập khẩu. Quy chế tối huệ quốc sẽ đảm bảo găng tay nhập khẩu từ Pháp, Trung Quốc, Brazil và Nga đều sẽ bị đánh thuế 13%.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP
Quy chế này là cơ sở cho thương mại toàn cầu, đảm bảo rằng các nước trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được đối xử trên cơ sở tương tự, với một số ngoại lệ cho phép, ví dụ, đối xử ưu đãi đối với các nước đang phát triển.
Trong những năm qua, Mỹ đã thu hồi MFN của hơn 20 quốc gia, chủ yếu là vì lý do chính trị. Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã thu hồi quy chế MFN của Liên Xô và các đồng minh của nước này khi đó.
Ngoại trừ Cuba và Triều Tiên, Mỹ đã khôi phục MFN của các quốc gia nói trên. Với động thái mới nhất này, Nga sẽ là một trong ba nước không có quy chế MFN với Mỹ.
Tước MFN có thực sự hiệu quả hay chỉ mang tính biểu tượng?
Đối với Mỹ, việc loại bỏ quy chế tối huệ quốc là một bước đi chủ yếu mang tính biểu tượng. Vì thực chất, trong tuần này, lệnh cấm của Mỹ đối với nhập khẩu dầu, khí đốt và than của Nga đã loại bỏ khoảng 60% các mặt hàng nhập khẩu của Mỹ từ Nga, theo AP.
Theo số liệu của Nhà Trắng, các mặt hàng bị cấm ngày 11-3 chỉ mang lại doanh thu khoảng 1 tỉ USD cho Nga. Theo số liệu thống kê liên bang, Nga đã cung cấp ít hơn 1% tổng lượng vodka nhập khẩu của Mỹ vào tháng 12.
Moscow cũng cung cấp chưa đến 2% tổng lượng nhập khẩu thủy sản của Mỹ tính theo khối lượng, theo thống kê liên bang.
Tuy nhiên, biểu tượng có thể quan trọng trong tình huống hiện tại, khi cuộc xung đột ở Ukraine vẫn tiếp diễn và có nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Ngoài rượu vodka, hải sản và kim cương, Mỹ đang nhập gì từ Nga?
Mỹ chủ yếu nhập khẩu tài nguyên thiên nhiên từ Nga (dầu và các kim loại như palladium, rhodium, uranium và bạc thỏi) với các mức thuế hiện tại hầu hết ở mức thấp hoặc bằng không. Nước này cũng mua các sản phẩm hóa chất và thép bán thành phẩm, ván ép, đạn và vỏ đạn của Nga.
Do hàng hóa nhập khẩu từ Nga chủ yếu là tài nguyên thiên nhiên, nên nhìn chung chúng sẽ ít hoặc không bị tăng thuế nếu quy chế MFN bị tước đi, theo ông Ed Gresser - Giám đốc thương mại và thị trường toàn cầu tại Viện Chính sách Cấp tiến (Mỹ).
Theo hãng tin Reuters, ngày 11-3, EU cho biết đang làm việc để đình chỉ tư cách thành viên của Nga trong các tổ chức đa phương hàng đầu, bao gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Trong tuần tới, Mỹ và các đồng minh cũng sẽ bàn cách đảm bảo Nga và giới tinh hoa nước này không thể sử dụng tiền điện tử để lách các lệnh trừng phạt. Ngoài cấm nhập khẩu sắt, thép từ Nga, loạt trừng phạt thứ tư của EU còn cấm các nước trong liên minh xuất khẩu hàng xa xỉ tới nước này. Đây được coi là một biện pháp nhắm vào giới tinh hoa ở Moscow. |