Quan hệ Nga-Ukraine tiếp tục căng thẳng sau khi chính quyền Kiev tuyên bố tình trạng thiết quân luật 30 ngày. Hôm qua (27-11), Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên lên tiếng khẳng định các tàu Ukraine vi phạm luật pháp quốc tế, phớt lờ các quy tắc về hành lang hòa bình qua lãnh hải của Nga.
Nga cảnh báo Ukraine “liều lĩnh”
Quốc hội Ukraine hôm 26-11 đã thông qua đề xuất của Tổng thống Petro Poroshenko, cho phép quân đội nước này tiến hành thiết quân luật tại một số vùng trong 30 ngày sau vụ Moscow bắt ba tàu chiến và hàng chục thủy thủ Ukraine ở eo biển Kerch. Phía Đức ngay lập tức đề nghị điện đàm với người đứng đầu nước Nga.
Theo thông báo của điện Kremlin, Tổng thống Putin nói với Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng Nga quan ngại việc Ukraine tuyên bố thiết quân luật. “Hành động của Ukraine nhấn mạnh rằng lãnh đạo nước này phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho việc tạo ra một tình huống xung đột khác và cho những rủi ro phát sinh. Tất cả hành động này rõ ràng được thực hiện trong toan tính cùng với chiến dịch bầu cử của Ukraine” - ông Putin nói.
Người đứng đầu điện Kremlin cũng bày tỏ hy vọng Đức sẽ tác động lên chính quyền Ukraine để “ngăn chặn những quyết định vội vàng và hành động liều lĩnh của chính quyền Kiev”. Ông Puntin cũng cho biết Cơ quan Biên giới Nga sẵn sàng cung cấp thêm những bằng chứng lý giải về diễn biến vụ va chạm xảy ra giữa Nga và Ukraine tại eo biển Kerch.
Cũng trong hôm qua, Reuters dẫn thông báo từ phủ tổng thống Nga cho biết Moscow cảnh báo việc Ukraine áp đặt thiết quân luật sau những căng thẳng trên biển giữa hai nước có thể làm leo thang cuộc xung đột tại vùng Donbass, miền Đông Ukraine. Đại diện thường trực của Nga tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Aleksandr Lukashevich cũng bày tỏ lo ngại việc Ukraine áp đặt thiết quân luật sẽ tạo ra mối đe dọa đối với an ninh miền Đông Ukraine. Vị này cáo buộc Kiev đang “theo đuổi chính sách gây căng thẳng”.
Tổng thống Putin (phải) đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Merkel về tình hình Ukraine. Ảnh minh họa: REUTERS
Nga không chấp nhận nhượng bộ
Trước tình hình căng thẳng Nga-Ukraine, Liên minh châu âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã kêu gọi hai bên giảm leo thang căng thẳng tình hình. NATO hôm 26-11 đã kêu gọi mở một cuộc họp khẩn cấp với Ukraine sau khi Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Poroshenko.
Phía Ukraine cũng đã tranh thủ kêu gọi NATO “hỗ trợ tổng lực cho quyền chủ quyền và quyền toàn vẹn lãnh thổ” của nước này. Tổng thống Ukraine cũng khẳng định việc ban hành thiết quân luật trong thời gian 30 ngày tại những khu vực mà Kiev cho là dễ trở thành mục tiêu tấn công trên bộ của quân đội Nga là cần thiết, nhằm tăng cường khả năng phòng vệ quốc gia trước “mối đe dọa cực kỳ nghiêm trọng” từ phía Moscow.
Sau cuộc họp giữa NATO và Kiev, ông Stoltenberg cho biết Kiev đã cung cấp cho NATO dữ liệu chi tiết về vụ việc xảy ra ở eo biển Kerch hôm 25-11, đồng thời nhấn mạnh “Nga phải hiểu rằng hành động của mình sẽ khiến Moscow phải gánh chịu hậu quả”. Dù vậy, lãnh đạo NATO chưa nói rõ hậu quả mà Nga có thể đối mặt đó là gì. Ông Stoltenberg cũng thúc giục Nga lập tức trao trả các thủy thủ và tàu của Ukraine, đồng thời cho rằng việc các bên cần làm ngay lập tức là phối hợp để giải quyết tình hình xung đột.
Mỹ lên án hành động hiếu chiến của Nga. Chúng tôi kêu gọi Nga trả các tàu và thủy thủ Ukraine, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine đã được quốc tế công nhận, cũng như các vùng lãnh hải kèm theo. Ngoại trưởng Mỹ MIKE POMPEO |
Bộ Ngoại giao Nga hôm 26-11 lập tức phản ứng, khẳng định Kiev cố tình làm căng thẳng và trầm trọng hóa vụ việc. Phía Nga cho rằng các bên hoàn toàn có thể giải quyết sự cố ngày 25-11 dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Nga cũng từ chối việc thả tự do cho các con tàu và các thủy thủ Ukraine đang bị nước này tạm giữ trước khi tòa án Nga xét xử. “Hiện chưa phải là thời điểm để thảo luận về việc phóng thích các con tàu (của Ukraine). Rõ ràng đây là hành động được lên kế hoạch từ trước nhằm khiêu khích trong bối cảnh những căng thẳng đã tồn tại trong khu vực, tạo ra câu chuyện để bôi nhọ Nga” - Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố.
Cũng trong ngày 26-11, Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc phòng Hội đồng Liên bang Nga Viktor Bondarev cho biết “các tàu chiến của hải quân Ukraine được đưa về cảng Kerch. Thuyền trưởng và thủy thủ đoàn đang bị Nga tạm giữ và chờ hầu tòa. Nga sẽ xét xử và trừng phạt thích đáng những người này”. Vị này khẳng định việc các tàu tuần tra cảnh sát biển Nga nổ súng khống chế các tàu chiến Ukraine trên Biển Đen hôm 25-11 là hoàn toàn hợp pháp bởi vì phía Ukranie đã có hành vi xâm phạm lãnh hải Nga.
Hãng tin Sputnik cùng ngày cũng công bố đoạn phim quay lại cảnh các tàu tuần tra Nga truy đuổi để bắt giữ nhóm tàu chiến Ukraine. Theo đoạn phim này, cảnh sát biển Nga tăng tốc đuổi theo một chiếc tàu kéo của hải quân Ukraine. Sau khi liên tục bật loa phát cảnh báo, tàu Nga lao thẳng vào mạn phải tàu Ukraine trước khi khống chế cả tàu lẫn thủy thủ đoàn.
Ông Trump nói gì? Hãng tin CNN hôm qua (27-11) cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa có bình luận cụ thể liên quan đến vụ va chạm giữa Nga và Ukraine. “Điều đó không tốt. Tôi không thấy vui vì sự việc xảy ra. Chúng tôi không thích mọi thứ xảy ra theo cách như vậy. Tôi hy vọng mọi thứ sẽ sớm được giải quyết một cách ổn thỏa” - ông Trump nói. Tổng thống Mỹ cũng cho biết quan điểm của Mỹ được Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley công bố tại cuộc họp khẩn Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Bà Haley cảnh báo những hành động nguy hiểm của Nga trên biển Azov đang ngăn chặn phát triển mối quan hệ bình thường giữa Washington và Moscow, hãng TASS đưa tin. Mỹ cũng chỉ trích Nga hành động liều lĩnh nhưng không đề cập liệu Mỹ có trừng phạt Nga hay không. Thay vào đó, bà Haley kêu gọi hai bên giảm leo thang căng thẳng. |