Người Việt cao niên học thi quốc tịch

Cách thức thi mới nhấn mạnh các quan điểm cơ bản về dân chủ và các quyền hạn cũng như trách nhiệm của công dân Mỹ.

Đương đơn phải trả lời đúng sáu câu trong 10 câu được lấy ngẫu nhiên trong 100 câu hỏi căn bản.

Văn phòng Công dân và Di trú Mỹ đã tiến hành thử nghiệm hình thức thi nhập quốc tịch theo cách mới tại 10 trung tâm di trú trong vòng bốn tháng.

Hơn 6.000 đương đơn xin nhập quốc tịch tình nguyện tham gia cuộc thi trắc nghiệm đã đạt được kết quả rất cao với tỷ lệ chấm đậu 92,4%. Cụ thể về dân sự 93,7%, đọc 99,8%, viết 99%.

Nhóm nghiên cứu cách thức thi nhập quốc tịch mới gồm các giáo sư tiếng Anh duyệt lại các câu trả lời và điều chỉnh một số câu hỏi ở 64 lớp hướng dẫn về công dân và dân sự trên 10 bang nước Mỹ.

Lần duyệt thứ hai này nhắm vào các đối tượng xin nhập quốc tịch có trình độ tiếng Anh vỡ lòng để chắc chắn rằng các đương đơn có thể hiểu và trả lời câu hỏi.

Tuy nhiên, đối với nhiều người lớn tuổi, trong đó có người Việt, họ vẫn cảm thấy cách thức thi nhập quốc tịch mới này khó khăn hơn đối với họ.

Trước đây, thông thường viên chức kiểm tra nhập quốc tịch chỉ hỏi các câu hỏi đơn giản về lịch sử. Số lượng câu hỏi cũng không nhiều như cách thi nhập quốc tịch mới.

Ông Tâm Nguyễn 67 tuổi ở Denton (bang Texas) đã nộp đơn xin nhập tịch cho biết:

“Tôi chuẩn bị tài liệu 100 câu hỏi, mỗi ngày học hai câu, hôm sau trả lời được thì mới học tiếp hai câu mới. Thế nhưng hôm nay học xong, trả lời vanh vách, ngày mai hỏi lại quên tuốt luốt. Già rồi lẩn thẩn, hay quên! Đã vậy còn phải luyện nghe và viết cho đúng cái câu của nhân viên kiểm tra đọc nữa chứ. Thế mới chết!”.

Hầu hết người Việt lớn tuổi đều vấp phải vấn đề ngôn ngữ mặc dù sống ở Mỹ cả chục năm. Những câu đơn giản may ra còn nghe được chút đỉnh chứ gặp mấy loại câu về hiến pháp, nhân quyền của cách thức nhập quốc tịch mới, e rằng họ sẽ có nhiều khó khăn phải vượt qua.

Ông bà Thuận Lê 65 tuổi được con cái bảo lãnh sang Mỹ cũng sáu năm rồi cứ thắc thỏm ngóng chờ trung tâm nhập tịch gọi thi quốc tịch. Bà vợ tâm sự:

“Sắp tới không vào được quốc tịch thì gay go. Nếu vào được quốc tịch, chúng tôi còn có thể xin tiền già và bảo hiểm y tế để sống. Còn lỡ không nhập tịch được, thi tới thi lui, tiền lệ phí đóng mỗi người 670 đô lấy đâu ra mà đóng để thi nữa. Không xong, chắc có nước xin hồi hương”.

Theo quy chế nhập quốc tịch, người lớn tuổi (từ 65 tuổi trở lên) được thi bằng tiếng mẹ đẻ qua người phiên dịch nhưng phải có đủ thời gian sống ở Mỹ 15 năm. Nhiều quảng cáo trên báo tiếng Việt rao có lớp luyện thi nhập quốc tịch cho người lớn tuổi, bảo đảm đậu 100%. Đa phần những người thi đậu được là nhờ người phiên dịch.

Ông Gred Hart, khoa trưởng Đại học Cộng đồng Pima dành cho người lớn tuổi, cho rằng cách thi nhập quốc tịch mới rất khó cho các vị cao niên, nhất là khi họ đến Mỹ chỉ mới được năm, sáu năm. Nhìn họ đánh vật với các câu hỏi và phát âm như đứa trẻ tập nói thấy tội vô cùng!

Ông Chris Bentley, người phát ngôn của Văn phòng Công dân và Di trú Mỹ, đã phản bác lại:

“Đây là cơ hội để người xin nhập quốc tịch có cơ hội học hỏi thêm. Cách thức nhập quốc tịch mới này mang nhiều ý nghĩa vì trước đây người ta chỉ chú trọng lịch sử Mỹ. Công dân Mỹ cần phải hiểu rõ nền dân chủ của đất nước mình đang sinh sống”.

Giám đốc Emilo Gonzales của Văn phòng Công dân và Di trú Mỹ giải thích thêm:

“Cách thức thi nhập quốc tịch mới được áp dụng từ ngày 1-10. Các đương đơn xin nhập quốc tịch nộp trước thời gian đó mà chưa được phỏng vấn vẫn có thể chọn thi theo cách cũ hoặc cách mới”.

Theo Văn phòng Công dân và Di trú Mỹ, hàng năm có khoảng 700.000 người trở thành công dân Mỹ. Trước khi nộp đơn thi nhập tịch, người di dân phải có đủ thời hạn sinh sống hợp pháp tại Mỹ ít nhất năm năm. Thời hạn này là ba năm đối với người di dân kết hôn với công dân Mỹ. Thường trú nhân ở nước ngoài quá sáu tháng mỗi năm không được thi nhập quốc tịch.

TỰU NGÔ (Cộng tác viên từ Mỹ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm