Bộ Ngoại giao Canada ngày 10-8 (giờ địa phương) cho hay ít nhất một trong các nhà ngoại giao của nước này tại Cuba đã có triệu chứng nhức đầu và suy giảm thính lực. Việc chẩn đoán đối với một số thành viên gia đình của nhà ngoại giao này trú tại Cuba cũng cho kết quả tương tự, theo hãng tin CBC.
Bị “bệnh lạ” trên đất Cuba
Thông tin trên càng làm dấy lên nhiều nghi vấn khi Washington trước đó một ngày cho hay các nhà ngoại giao Mỹ tại Havana cũng xuất hiện các triệu chứng lạ về thính giác. “Chúng tôi đã được thông tin về các triệu chứng bất thường ảnh hưởng tới nhân viên ngoại giao Canada và Mỹ cùng gia đình họ ở Havana. Chính phủ Canada đang tích cực phối hợp với nhà chức trách Mỹ và Cuba để tìm ra nguyên nhân vụ việc” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Canada Brianne Maxwell ngày 10-8 cho biết.
Theo các thông báo chính thức, Mỹ không xác nhận các nhà ngoại giao nước này đã bị suy giảm thính lực, mà chỉ nói rằng họ “có nhiều triệu chứng liên quan tới sức khỏe”, đồng thời không cung cấp số lượng các nhà ngoại giao bị ảnh hưởng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho hay Mỹ đã có động thái “đáp trả” vụ việc bằng cách trục xuất hai nhà ngoại giao Cuba ra khỏi đại sứ quán nước này ở Washington hôm 23-5 vừa qua.
Bà Nauert cho biết các nhà điều tra Mỹ vẫn chưa thể đưa ra lời giải thích cho các triệu chứng trên nhưng nhấn mạnh chúng “rất nghiêm trọng”. Tuyên bố này cùng động thái trục xuất nhân viên ngoại giao Cuba cho thấy Washington không xem nhẹ vấn đề trên và muốn tăng áp lực buộc chính phủ Havana giải quyết dứt điểm vụ việc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert phát biểu tại cuộc họp báo hôm 9-8. Ảnh: AP
Nghi vấn về “vũ khí âm thanh”
Theo tờ The Washington Post, từ giai đoạn mùa thu năm 2016, một loạt các nhà ngoại giao Mỹ tại Cuba đã bắt đầu xuất hiện triệu chứng suy giảm thính lực bất thường. Một số nhà ngoại giao mới tới Đại sứ quán Mỹ ở Cuba cũng bị các triệu chứng tương tự. Trong số đó, vài nhà ngoại giao Mỹ đã xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng tới mức buộc phải chấm dứt sớm nhiệm kỳ công tác và quay về Mỹ.
Một cuộc điều tra của Mỹ xác định tình trạng suy giảm thính lực ở các nhà ngoại giao Mỹ có thể liên quan tới các thiết bị âm thanh tiên tiến. Loại thiết bị này mặc dù không thể nghe thấy nhưng nó có thể gây điếc ở người, AP dẫn thông tin từ các quan chức giấu tên có liên quan tới cuộc điều tra trên cho biết. Các quan chức này tiết lộ những thiết bị âm thanh trên đã được đặt ngầm bên trong hoặc ngoài nơi cư trú của các nhà ngoại giao Mỹ.
Thông tin mà AP thu được nói rằng có năm nhà ngoại giao Mỹ đã bị triệu chứng lạ. Trong khi đó, một quan chức chính phủ Mỹ giấu tên nói với CNN rằng một số nhân viên ngoại giao Mỹ thậm chí đã mất thính lực vĩnh viễn. Hiện không rõ thiết bị âm thanh trên có phải là một loại vũ khí dùng cho mục đích “tấn công” hay không, hay dùng cho mục đích khác.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Cơ quan an ninh ngoại giao Mỹ (DSS) hiện đảm trách vụ việc trên. Các nhà điều tra cũng đang nghiêm túc xem xét khả năng có một quốc gia thứ ba đứng sau vụ việc mà chính phủ Cuba không hề hay biết.
Cuba quyết điều tra tới cùng
Trước các nghi vấn được lan truyền ngày càng rộng rãi, Bộ Ngoại giao Cuba cuối hôm 9-8 đã ra một tuyên bố bác bỏ bất kỳ sự liên quan nào của nước này tới vụ việc trên. Bộ Ngoại giao Cuba nói rằng quyết định của Washington về việc trục xuất hai nhà ngoại giao nước này khỏi Mỹ là “vô lý và không có cơ sở”.
“Cuba chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ cho phép lãnh thổ Cuba được sử dụng cho bất cứ hành động phục vụ mục đích gây hại các nhà ngoại giao chính thức hay gia đình của họ” - Bộ Ngoại giao Cuba tuyên bố.
Havana cho biết đã nắm thông tin về các vấn đề sức khỏe liên quan tới nhân viên ngoại giao Mỹ kể từ ngày 17-2 năm nay. Cuba đã mở “một cuộc điều tra toàn diện, ưu tiên và cấp bách” cũng như lập một ủy ban để tìm hiểu về vụ việc. Nước này cho hay cũng đã tăng cường an ninh tại Đại sứ quán Mỹ ở Havana và các tòa nhà ngoại giao.
Từng bị đe dọa nặc danh Theo tờ The Globe and Mail, cựu Đại sứ Canada tại Cuba James Bartleman trong một cuộc phỏng vấn cho biết căn cứ vào kinh nghiệm của ông khi còn làm việc ở Havana, ông không ngạc nhiên mấy với các báo cáo trong tuần này về việc nhân viên ngoại giao Mỹ và Canada bị các triệu chứng lạ. Ông kể lại, trong khoảng thời gian ông làm việc ở Cuba, một loạt vụ việc bí ẩn mang tính chất đe dọa các nhà ngoại giao đã xảy ra: Con chó của gia đình ông bị trúng độc, một con chuột chết bị máng vào cửa nhà của một quan chức thương mại, Đại sứ quán Canada nhận các cuộc gọi đe dọa… Trong khi đó, một cựu nhân viên ngoại giao Canada khác giấu tên cho biết trong khoảng thời gian ông làm việc ở Cuba, cơ quan ngoại giao Canada chưa từng bị các vụ quấy rối công khai hay theo dõi. Ông cũng bác bỏ giả thuyết cho rằng chính phủ Cuba đã nhắm mục tiêu vào các nhân viên ngoại giao Canada trong vụ việc bí ẩn trên. ______________________________ Chính phủ Cuba có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ các nhà ngoại giao của chúng tôi theo Công ước Viên. Do đó, đây là một phần nguyên nhân lý giải tại sao vụ việc lại là mối quan tâm lớn như vậy đối với chúng tôi. HEATHER NAUERT, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ |