Nhiều nước vừa chống dịch vừa thực hiện lộ trình mở cửa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cuộc chiến với COVID-19 trên toàn cầu đã chuyển sang giai đoạn mới, khi hàng loạt quốc gia từ bỏ mục tiêu quét sạch F0 trong cộng đồng, chuyển sang kế hoạch sống chung với virus SARS-CoV-2. Sự biến chuyển này cũng là điều dễ hiểu bởi việc áp dụng chuỗi biện pháp phòng chống dịch quyết liệt đã gây sức ép nặng nề lên sự tăng trưởng kinh tế, sức khỏe tinh thần và việc làm của người dân. Tùy vào điều kiện dân số và tình hình tiêm chủng, lộ trình sống chung của mỗi nước có thể khác nhau về cách triển khai và thời điểm bắt đầu.

Nhân viên phục vụ một quán cà phê kiểm tra giấy xác nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 của khách hàng ở thủ đô Paris (Pháp) ngày 1-9. Ảnh: REUTERS

Châu Âu tiên phong mở cửa kinh tế

Theo tờ The Wall Street Journal, Anh đã gần như mở cửa hoàn toàn từ tháng 7 và thời gian tới Đức, Pháp, Ý nhiều khả năng sẽ làm tương tự. Điểm chung của lộ trình sống chung với virus ở những nước này là tăng tốc chiến dịch tiêm vaccine liều bổ sung, bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng kết hợp với tuyên truyền, kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm việc giữ khoảng cách an toàn để dịch không mất kiểm soát trước mùa đông.

Đức từ cuối tháng 8 cho phép người đã được tiêm vaccine và có giấy xét nghiệm âm tính cũng như người nhiễm đã khỏi bệnh được đến nhà hàng, bệnh viện và các địa điểm trong nhà khác. Một số tụ điểm vui chơi đông người trong không gian hẹp như họp đêm, quán bar cũng được cho mở cửa nhưng hạn chế hơn, chỉ mới thí điểm ở thủ đô Berlin.

Đức cũng chuẩn bị một số biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh trong bối cảnh năm học mới bắt đầu. Phần lớn việc ứng phó và thi hành các biện pháp lúc này vẫn đang được giao cho chính quyền các tiểu bang tự quyết và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình dịch của địa phương, chứ chưa có kế hoạch thống nhất. Chẳng hạn, tại bang Baden-Wurttemberg, nếu một bạn cùng lớp bị nhiễm COVID-19, tất cả học sinh trong lớp phải làm xét nghiệm trong năm ngày liên tiếp thay vì phải cách ly. Trong khi đó, tại bang Sachsen, học sinh đeo khẩu trang thì có thể không cần giữ khoảng cách an toàn với các bạn trong lớp.

So với Đức, Pháp và Ý là hai nước có phần dễ chịu hơn trong lộ trình mở cửa, khi hầu như không bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang, theo tờ The New York Times. Dù vậy, giấy chứng nhận tiêm chủng, khỏi bệnh sau khi mắc COVID-19 hay xét nghiệm âm tính vẫn là điều kiện tiên quyết để người dân có thể tham gia các hoạt động thường nhật và tham gia vào các hoạt động vui chơi - giải trí đông người. Thậm chí, những nhà hàng Pháp nếu không thực hiện kiểm tra thông tin trên của khách hàng có nguy cơ bị phạt tới 10.600 USD và một năm tù.

Ý hiện vẫn áp dụng hệ thống bản màu chia cấp mức độ theo trắng, vàng, cam đỏ với mức độ nghiêm trọng tăng dần cho 20 đơn vị hành chính ở đây. Hầu hết vùng đang ở mức vàng nên vẫn chưa thể mở cửa hoàn toàn. Các nhà hàng, quán ăn được hoạt động tối đa công suất nhưng những địa điểm như bảo tàng, rạp chiếu phim bắt buộc phải giảm công suất phục vụ.

Châu Á chậm rãi, cẩn trọng

Trái với tốc độ mở cửa được cho là nhanh của các nước châu Âu nói trên, lộ trình sống chung với virus SARS-CoV-2 của một số nước châu Á có phần thận trọng hơn, theo tờ The Nikkei. Đơn cử, Thái Lan mới chỉ bắt đầu mở cửa dần từ ngày 1-9, nâng số lượng người cho phép tụ tập nơi công cộng lên tối đa 25 người , mở lại đường bay nội địa và cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ làm tóc hoạt động trở lại ở nhiều tỉnh nhưng chỉ được với 50% công suất. Tờ The Bangkok Post dẫn lời quan chức y tế Suwannachai Wattanayingcharoenchai cho biết thêm là nếu tình hình từ đây đến ngày 1-10 ổn định (số ca nhiễm không tăng đột biến) thì Thái Lan sẽ bắt đầu cho phép những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 đủ hai liều và người đã khỏi bệnh được phép ăn uống tại chỗ ở các nhà hàng, quán ăn tại các tỉnh, thành trong diện đang có dịch nghiêm trọng như thủ đô Bangkok. Hiện Thái Lan chưa có kế hoạch mở cửa lại trường học cho học sinh học trực tiếp.

Là một trong số ít quốc gia tiêm đủ hai liều cho 80% dân số, Singapore sẽ mở cửa lại từng bước theo kế hoạch bốn giai đoạn đã được Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung công bố hồi đầu tháng 8. Cụ thể, tờ The Straits Times cho biết các giai đoạn đó gồm: Chuẩn bị, chuyển tiếp A, chuyển tiếp B và cuối cùng là quốc gia thành công sống chung với virus.

Giai đoạn chuẩn bị đã được khởi động từ ngày 10-8. Các hạn chế đi lại đã được nới lỏng, bao gồm cả việc tiếp tục cho phép nhập cảnh đối với người lao động nước ngoài và người đã tiêm đủ hai liều vaccine. Singapore cũng thay đổi quy trình chăm sóc sức khỏe trong giai đoạn này, bao gồm cả việc tiếp nhận thêm nhiều bệnh nhân COVID-19 vào các cơ sở chăm sóc cộng đồng. Giai đoạn chuyển tiếp A dự kiến bắt đầu trong tháng 9. Khi đó, Singapore sẽ mở cửa kinh tế nhiều hơn và cho phép tăng quy mô các sự kiện văn hóa - vui chơi ngoài trời và nới lỏng hơn nữa các quy định kiểm soát biên giới.

Kế hoạch chi tiết cho hai giai đoạn cuối cùng vẫn chưa được Singapore công bố. Tuy nhiên, kinh tế Singapore sẽ gần như được mở cửa hoàn toàn vào giai đoạn chuyển tiếp B để nước này có thể tiến tới giai đoạn bình thường mới, The Straits Times khẳng định.

Học sinh ở Singapore từ tháng 6 đã được phép quay lại trường nhưng phải tuân thủ các biện pháp phòng ngừa COVID-19 nghiêm ngặt. Tất cả học sinh và nhân viên trường học sẽ được đo nhiệt độ hai lần mỗi ngày, trường học phải được lau dọn và khử trùng. Đến khoảng đầu tháng 8, chính quyền Singapore tiếp tục cho phép các hoạt động ngoài trời cần tháo khẩu trang như học thể dục tại trường trung học và các cấp học lớn hơn được diễn ra nhưng chỉ với nhóm tối đa năm người.•

Qua thời gian, đại dịch thường trở thành bệnh đặc hữu (endemic) như cúm. Các virus gây bệnh đặc hữu lây lan liên tục và vẫn gây tử vong nhưng không làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động xã hội. Đây cũng chính là tương lai của đại dịch COVID-19.

Cựu quan chức Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) 
SCOTT GOTTLIEB 

 

G20 bàn chuyện thống nhất phân phối công bằng vaccine

Tờ South China Morning Post ngày 6-9 đưa tin bộ trưởng y tế các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa nhóm họp tại thủ đô Rome (Ý) nhằm giải quyết thực trạng phân phối vaccine ngừa COVID-19 thiếu công bằng trên thế giới.

Các bộ trưởng đồng ý rằng việc đảm bảo mọi người dân trên toàn cầu được tiếp cận nhanh chóng và đầy đủ vaccine là cách duy nhất để kết thúc đại dịch, giảm sự lây lan từ các tâm dịch nghiêm trọng và đẩy nhanh triển khai các chính sách thiết lập trạng thái bình thường mới ở các nước.

Trước mắt, các bộ trưởng dự kiến sẽ ký vào một hiệp ước để chính thức hóa nỗ lực phân phối vaccine công bằng. Theo South China Morning Post, một nội dung rất được kỳ vọng là sẽ đảm bảo các nước đang phát triển được tạo nhiều điều kiện hơn để tiếp cận các nguồn vaccine hợp lý chứ không chỉ ưu ái những nước phát triển đủ điều kiện.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm