Tái thiết Syria: Ổn định bên trong, chính danh bên ngoài

(PLO)- Gần ba tuần sau khi chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad sụp đổ, lực lượng đối lập Syria đang bắt tay vực dậy quốc gia Tây Á này sau 13 năm nội chiến.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Lực lượng đối lập Syria bắt đầu công cuộc tái thiết quốc gia sau khi chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad sụp đổ, bằng việc công bố các kế hoạch cải cách toàn diện về kinh tế và an ninh. Bên cạnh đó, lực lượng đối lập Syria cũng nỗ lực tiếp xúc với các quốc gia nhằm tìm kiếm sự công nhận quốc tế đối với chính quyền mới ở Damascus.

Kế hoạch tái thiết Syria

Ngày 18-12, Bộ trưởng Kinh tế của chính phủ lâm thời Syria - ông Basil Abdulaziz Abdul Hanan đã công bố kế hoạch thúc đẩy nền kinh tế thị trường tự do và cạnh tranh, theo tờ Al-Watan Online.

Ông Hanan đưa ra kế hoạch trên trong bối cảnh các quan chức Syria đang tham vấn với các nhà công nghiệp, thương nhân và chuyên gia để vạch ra hướng đi mới cho nền kinh tế Syria sau sự sụp đổ của chính quyền ông al-Assad.

lực lượng đối lập Syria.png
Một người đàn ông cầm cờ của lực lượng đối lập Syria tại thủ đô Damascus hôm 15-12. Ảnh: REUTERS

"Chúng tôi đã tăng cường các cuộc họp với các nhà công nghiệp, thương gia và chuyên gia để hiểu rõ hơn về tình hình và đặt ra các ưu tiên để cải thiện bối cảnh kinh tế. Chúng tôi sẽ tổ chức các hội thảo để khu vực tư nhân, học giả và chuyên gia có thể trở thành đối tác thực sự trong việc định hình chính sách kinh tế của Syria” - ông Hanan cho hay.

Ông Hanan cũng thảo luận về những nỗ lực khôi phục các ngành công nghiệp chủ chốt, bao gồm sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng, cam kết sẽ hành động nhanh chóng để khởi động lại các cơ sở sản xuất quan trọng.

"Chúng tôi hy vọng khu vực tư nhân, gồm các nhà công nghiệp, thương nhân và nhà đầu tư, sẽ là những đối tác chủ động trong việc tái thiết nền kinh tế Syria. Vai trò của chúng tôi là cung cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu và tạo ra một môi trường nơi các khoản đầu tư có thể phát triển mạnh, không bị kiểm soát hạn chế, để nâng cao thực tế về một Syria tự do" - ông Hanan cho hay.

Tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ khi nào kế hoạch cải cách trên được triển khai. Trước đó, lãnh đạo lực lượng đối lập Syria - ông Abu Mohammed al-Julani hôm 15-12 đã công bố kế hoạch cải cách toàn diện về kinh tế và an ninh cho Syria, nhấn mạnh mục tiêu của chính quyền mới là củng cố quyền lực dưới sự kiểm soát của nhà nước.

XYLASIUBGJLFLFNGNGQCLHBIZQ.jpg
Lãnh đạo lực lượng đối lập Syria Abu Mohammed al-Julani đứng phát biểu hôm 8-12. Ảnh: REUTERS

Ông al-Julani tiết lộ thêm rằng các biện pháp kinh tế đang được nghiên cứu để giải quyết những khó khăn kéo dài của đất nước, bao gồm một kế hoạch tăng lương lên 400%, theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã. Việc tái thiết và tái định cư cho những người dân phải di dời cũng được xem là những ưu tiên quan trọng. Lãnh đạo đối lập Syria cam kết xây dựng lại những ngôi nhà bị phá hủy và đảm bảo những người tị nạn Syria đều có thể trở về quê hương.

Về an ninh, ông al-Julani tuyên bố rằng các phe phái đối lập sẽ “bị giải tán và các chiến binh sẽ được đào tạo để gia nhập hàng ngũ của bộ quốc phòng”, theo tờ The Guardian. “Tất cả sẽ phải tuân theo luật pháp. Syria phải duy trì sự thống nhất. Phải có một khế ước xã hội giữa nhà nước và tất cả tôn giáo để đảm bảo công lý xã hội” - ông al-Julani tuyên bố.

Tìm kiếm tính chính danh quốc tế

Theo đài CNN, chính quyền mới ở Syria đang tìm kiếm tính hợp pháp quốc tế sau khi chính quyền ông al-Assad sụp đổ và đã đạt được một số thành công ban đầu. Lãnh đạo lực lượng đối lập Syria đã có các cuộc gặp với nhiều chính khách quốc tế với mục đích tìm cách mô tả chế độ mới của Syria như một quốc gia thân thiện, hòa nhập và không hiếu chiến.

Theo chuyên gia, các cuộc gặp của lãnh đạo đối lập Syria với các phái đoàn nước ngoài và tuyên bố của ông về việc bảo vệ các nhóm thiểu số còn được coi là một nỗ lực nhằm chứng minh rằng lực lượng của ông xứng đáng được xóa tên khỏi danh sách "khủng bố".

Hồi cuối tuần qua, ông al-Julani đã gặp đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria - ông Geir Otto Pedersen. Trong cuộc gặp, ông Pedersen bày tỏ rằng cộng đồng quốc tế "hy vọng sẽ thấy lệnh trừng phạt [Syria] nhanh chóng chấm dứt, để chúng ta có thể thực sự thấy một sự đoàn kết xung quanh việc tái thiết Syria”.

Lãnh đạo lực lượng đối lập Syria
Lãnh đạo lực lượng đối lập Syria Abu Mohammed al-Julani gặp đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Geir Otto Pedersen hôm 15-12 tại Syria. Ảnh: REUTERS

Một phái đoàn Qatar cũng đã đến Syria để gặp gỡ các quan chức chính phủ chuyển tiếp và "cam kết toàn diện trong việc hỗ trợ người dân Syria". Đại sứ quán Qatar cũng hoạt động trở lại vào ngày 17-12 sau 13 năm đóng cửa.

Mỹ và Anh cũng đã thiết lập liên lạc với lực lượng đối lập ở Syria. Cuối tuần rồi, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken xác nhận rằng Washington đã liên lạc trực tiếp với nhóm Hayat Tahrir al Sham (HTS) - nhóm lãnh đạo lực lượng đối lập Syria. Tuy nhiên ông Blinken không đưa ra thông tin chi tiết về thời điểm liên lạc được thực hiện hoặc ở cấp độ nào.

Anh cũng cử phái đoàn sang Syria để tiếp xúc với lực lượng đối lập. Trong cuộc họp, ông al-Julani nhấn mạnh "tầm quan trọng của việc khôi phục quan hệ" với London cũng như "tầm quan trọng của việc chấm dứt mọi lệnh trừng phạt đối với Syria để những người tị nạn Syria... có thể trở về đất nước của họ".

Một nhóm ngoại giao Pháp cũng đã có mặt tại Damascus vào ngày 17-12 nhằm “lấy lại quyền sở hữu bất động sản” và “tiếp xúc ban đầu” với chính quyền mới ở Syria. Bộ Ngoại giao Pháp cho hay nước này cũng đã kéo cờ tại đại sứ quán Pháp tại Damascus sau 12 năm đóng cửa.

Đầu tuần này, bà Kaja Kallas - Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh - nói rằng bà "đã giao nhiệm vụ cho một nhà ngoại giao hàng đầu châu Âu tại Syria đến Damascus để tiếp xúc với chính phủ mới và người dân ở đó", đồng thời nói thêm rằng EU sẽ xem xét thêm các bước tiếp theo "nếu chúng tôi thấy Syria đi đúng hướng".

Một số chuyên gia nhận định rằng những sự kiện đang diễn ra ở Syria mang đến cơ hội tái thiết Syria theo hướng tốt đẹp hơn, song cũng đi kèm với những bất ổn và rủi ro khi một phần không nhỏ trong số nhà lãnh đạo mới của đất nước này lên nắm quyền mà trong quá khứ từng có liên hệ với các nhóm khủng bố.

Bất chấp những nỗ lực trong nhiều năm qua của HTS nhằm tách nhóm này khỏi tổ chức khủng bố al-Qaeda, Mỹ và nhiều quốc gia vẫn chỉ định HTS là khủng bố. Ông al-Julani đã phản đối việc chỉ định khủng bố lâu dài này, gọi việc đó "chủ yếu mang tính chính trị và đồng thời không chính xác".

Nhà nghiên cứu Qutaiba Idlbi của Chương trình Trung Đông thuộc Hội đồng Đại Tây Dương cho biết mặc dù việc hợp tác với tổ chức bị Mỹ và Liên Hợp Quốc coi là khủng bố sẽ đặt ra những thách thức, nhưng việc chỉ định này sẽ tạo ra đòn bẩy quan trọng cho Mỹ và các đối tác quốc tế".

Chẳng hạn, ông Idlbi nói rằng chính quyền Mỹ sắp tới có thể “sử dụng đòn bẩy đó để đảm bảo HTS hành động như một bên có thể chấp nhận được trong bối cảnh Syria và khẳng định rằng họ không còn đe dọa đến an ninh của Mỹ hoặc khu vực nữa”.

Tổng thống Putin lần đầu lên tiếng về tình hình Syria

Trong cuộc họp báo cuối năm hôm 19-12, Tổng thống Nga Vladimir đã có những phát biểu đầu tiên về tình hình Syria sau khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ, theo đài RT.

Ông Putin nhận định rằng Syria đang phải đối mặt “tình hình phức tạp” và cho biết Nga vẫn duy trì liên lạc với tất cả các phe phái ở Syria và các đối tác trong khu vực.

Ông Putin nhấn mạnh rằng tương lai của các căn cứ quân sự của Nga tại Syria phụ thuộc vào mối quan hệ giữa Moscow với ban lãnh đạo mới ở Damascus.

“Lợi ích của chúng ta phải phù hợp. Nếu chúng ta ở lại đó, thì chúng ta phải làm điều gì đó vì lợi ích của quốc gia chủ nhà” - Tổng thống Putin nói, đồng thời cho biết thêm rằng Nga đã đề xuất để các đối tác sử dụng Căn cứ không quân Khmeimim của Nga ở TP Latakia (Syria) cung cấp viện trợ nhân đạo cho Syria.

Ông Putin nhắc lại rằng Nga đã triển khai quân tới Syria vào năm 2015 nhằm ngăn chặn quốc gia này trở thành một “vùng đất của khủng bố".

“Chúng tôi đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Ngay cả những phe phái chống lại ông al-Assad cũng đã thay đổi” - Tổng thống Nga nói, lưu ý rằng các nước phương Tây hiện đang tìm cách thiết lập quan hệ với những lực lượng này.

Ngoài ra, ông Putin nói thêm rằng ông vẫn chưa gặp ông al-Assad sau khi ông này được cấp quyền tị nạn tại Nga, nhưng ông đang có kế hoạch cho một cuộc gặp như vậy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm