Từ tháng 11-2021, việc chuyển quân bất thường của Nga đến biên giới sát Ukraine làm dấy lên quan ngại về khả năng tấn công của Moscow nhằm vào Kiev ở Mỹ và các nước đồng minh.
Một mặt, phương Tây và Nga tích cực xúc tiến đàm phán để xuống thang căng thẳng. Mặt khác, các bên luôn đưa ra những tuyên bố rắn cũng như hành động mạnh mẽ khiến khác biệt càng trở nên sâu sắc hơn.
Về phía Mỹ và NATO
Mỹ và đồng minh luôn nhấn mạnh khả năng Nga sẽ tấn công Kiev bất cứ lúc nào, do đó, phương Tây luôn đưa ra những lời đe doạ rằng Moscow sẽ “trả giá đắt” nếu gây chiến tranh.
Cụ thể, bên cạnh những đe doạ trừng phạt kinh tế nhằm vào Moscow, Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi cuối tháng 1 cũng đã cảnh báo Washington sẽ cân nhắc thêm những biện pháp trừng phạt nhằm riêng vào cá nhân Tổng thống Nga Vladimir Putin, nếu Nga tấn công Ukraine.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng lên tiếng nếu Nga gây chiến thì sẽ phải hứng chịu các lệnh trừng phạt "nặng hơn bất cứ điều gì chúng tôi (Anh) từng đưa ra".
Trang thiết bị quân sự được triển khai trong cuộc tập trận Nga - Belarus 2022. Ảnh: CNN
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hồi cuối tháng 1 cũng cho biết Washington sẵn sàng điều 8.500 binh sĩ đến đông Âu nhằm củng cố lực lượng cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong khi đó, ông Biden cũng đang cân nhắc triển khai quân đội, máy bay và tàu chiến tới khu vực Baltic và đông Âu như một biện pháp để ngăn chặn Nga tấn công Ukraine.
Đến giữa tháng 2, trước áp lực tăng quân sát biên giới Ukraine của Nga, phía Mỹ và NATO đã sơ tán các nhân viên của mình ở thủ đô Kiev và chuyển các cơ quan về thành phố miền tây Lviv.
Ngày 17-2, tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Mỹ và các đồng minh lên án Nga triển khai các lực lượng cần thiết và sẵn sàng tấn công Ukraine. Ngày hôm sau, ông Biden khẳng định ông Putin đã đưa ra quyết định tấn công Ukraine và tuyên bố Mỹ và đồng minh sẵn sàng trừng phạt Nga nặng nề, hãng tin Reuters cho biết.
Gần đây nhất, Mỹ cũng đã gửi công hàm tới Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền Liên Hợp Quốc cảnh báo Nga đã lập danh sách những người Ukraine sẽ bị giết hoặc đem đi cải tạo khi quân Nga vào Ukraine, hãng AFP đưa tin.
Về phía Ukraine
Về việc Nga yêu cầu NATO không cho Ukraine gia nhập, Ngoại trưởng Ukraine - ông Dmytro Kuleba khẳng định chỉ có Kiev và NATO mới có quyền lên tiếng về chuyện Ukraine có gia nhập khối hay không.
Cảm nhận được sức nóng căng thẳng ngày càng cao, Ukraine đã nhiều lần kêu gọi và gửi yêu cầu viện trợ các trang thiết bị cứu hộ, quân sự phòng trường hợp khẩn cấp xảy ra tới NATO.
Quân lính Ukraine diễn tập với vũ khí của Anh viện trợ. Ảnh: REUTERS
Bên cạnh đó, phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich hôm 19-2, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky cảnh báo Kiev có thể từ bỏ cam kết rằng Ukraine là quốc gia phi hạt nhân và tái sử dụng vũ khí nguyên tử.
Ngoài ra, Tổng thống Ukraine còn kêu gọi các đồng minh bắt đầu áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga ngay từ bây giờ thay vì chờ đợi một "cuộc xâm lược".
Về phía Nga
Sau khi nhận được yêu cầu an ninh tám điểm, trong đó trọng tâm là không kết nạp Ukraine vào NATO và NATO rút vũ khí ở các nước đông Âu sát Nga, phương Tây đã không chấp thuận những yêu cầu này của Moscow.
Mặc dù hai bên vẫn tiến hành đàm phán nhưng dường như vẫn bế tắc trong việc giải quyết về bản yêu cầu an ninh này, thậm chí Nga còn đe doạ phương Tây nếu không đồng ý điều kiện của Nga.
Cụ thể, hôm 18-2, Điện Kremlin cho biết nếu Mỹ và NATO không chấp nhận yêu cầu an ninh của Nga, nước này buộc phải phản ứng, trong đó áp dụng cả các biện pháp về quân sự.
Lính Nga tham gia diễn tập quân sự chung với Belarus. Ảnh: TASS
Ngay sau đó, ông Putin thừa nhận việc Moscow hứng trừng phạt từ phương Tây là không thể tránh khỏi, nhưng không có bất kỳ lệnh trừng phạt nào có thể ngăn cản Nga làm thứ mình muốn, bởi Nga đã có kinh nghiệm đối với với trừng phạt trong suốt nhiều năm qua, đài RT cho hay.
Dù luôn trấn an phương Tây rằng không có chuyện Moscow tấn công Kiev, Nga vẫn tiếp tục hiện diện quân sự và tập trận chung với Belarus sát biên giới Ukraine. Lúc cuộc tập trận chung đến ngày kết thúc, Nga và Belarus đã tuyên bố kéo dài thêm tập trận, dường như là lý do hợp pháp hoá việc Nga tiếp tục hiện diện quân sự ở khu vực sát Ukraine này.
Không chỉ vậy, Tổng thư ký khối quân sự Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) hôm 20-2 còn cho biết khối này có thể gửi lực lượng gìn giữ hoà bình tới khu vực miền đông Ukraine, nơi do phe ly khai thân Nga kiểm soát, nếu cần thiết.
Đỉnh điểm là hôm 21-2, sau khi ký sắc lệnh công nhận hai vùng ly khai Donetsk và Luhansk ở khu vực Donbass là hai quốc gia độc lập, Tổng thống Putin ra lệnh cho Bộ Quốc phòng Nga đưa quân đội đến hai khu vực này để "bảo đảm hòa bình", đồng thời yêu cầu Bộ Ngoại giao thiết lập quan hệ ngoại giao với hai nước cộng hòa mà ông vừa công nhận.