"Tôi ra lệnh cho tất cả đơn vị quân đội ngay lập tức rà soát các loại vũ khí và quân trang mà Campuchia hiện có. Tất cả vũ khí và quân trang của Mỹ nếu có phải được thu hồi, cất vào kho hoặc tiêu hủy" – ông Hun Sen thông báo trên Facebook hôm 10-12.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Ảnh: AFP
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Mỹ hôm 8-12 thông báo áp lệnh trừng phạt đối với chính phủ Campuchia, cấm xuất khẩu các vũ khí và thiết bị quân sự của Mỹ cho Campuchia vì những lo ngại về vấn đề tham nhũng và tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở nước này.
"(Lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ) là thông điệp cảnh báo đến thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Campuchia, rằng nếu họ muốn có một nền quốc phòng độc lập, xin đừng sử dụng vũ khí của Mỹ" - ông Hun Sen tuyên bố.
Theo ông Hun Sen, "rất nhiều bên sử dụng vũ khí của Mỹ đã thua trong các cuộc chiến tranh", đề cập đến Afghanistan.
Trước đó, Thủ tướng Hun Sen hôm 9-12 tuyên bố những lệnh cấm vận của Washington mang dấu hiệu của khuynh hướng chính trị hơn là bất kỳ ước muốn thực sự nào nhằm bảo vệ dân chủ theo phiên bản của Mỹ và tinh thần thượng tôn pháp luật.
Những tháng gần đây, Mỹ bày tỏ lo ngại về mối quan hệ giữa Campuchia và Trung Quốc, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo Campuchia, quốc gia được cho là thường ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh, duy trì một chính sách đối ngoại độc lập và cân bằng.
Lệnh cấm vận và hạn chế của Mỹ hôm 8-12 được đưa ra khoảng một tháng sau khi Bộ Tài chính nước này thông báo phong tỏa bất kỳ tài sản ở Mỹ và tội phạm hóa các giao dịch với hai quan chức Campuchia về cáo buộc tham nhũng liên quan căn cứ hải quân Ream gần thành phố cảng Sihanoukville ở miền nam nước này.
Căng thẳng tập trung một phần vào việc Trung Quốc xây dựng các cơ sở tại căn cứ Ream, và khả năng quân đội nước này có thể tìm kiếm quyền tiếp cận quân cảng này trong tương lai.
Thủ tướng Hun Sen đã bác bỏ thông tin cho rằng Campuchia sẽ cho phép Trung Quốc thiết lập một tiền đồn quân sự ở quân cảng này, nói rằng một thỏa thuận như vậy bị cấm theo hiến pháp Campuchia.
Căn cứ Ream hướng ra Vịnh Thái Lan, nơi tiếp giáp với Biển Đông, và việc nắm quyền tiếp cận quân cảng này được cho là sẽ mở rộng đáng kể năng lực quân sự chiến lược của Bắc Kinh.