Campuchia đáp trả việc Mỹ áp cấm vận vũ khí vì ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc

Chính phủ Campuchia ngày 9-12 đã có phản ứng đáp trả chính phủ Mỹ, sau khi Washington áp đặt lệnh cấm vận nhằm vào Phnom Penh, cấm xuất khẩu vũ khí Mỹ và thiết bị quân sự cho Campuchia.  

Hãng Reuters đưa tin chính phủ Mỹ ngày 8-12 đã áp đặt lệnh cấm vận vũ khí và các hạn chế xuất khẩu mới đối với Campuchia vì những gì Washington cho là ảnh hưởng ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc ở nước này, cũng như liên quan vấn đề nhân quyền và tham nhũng.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Ảnh: FRESH NEWS

Lệnh cấm vận và hạn chế của Mỹ được đưa ra khoảng một tháng sau khi Bộ Tài chính nước này thông báo phong tỏa bất kỳ tài sản ở Mỹ và tội phạm hóa các giao dịch với hai quan chức Campuchia về cáo buộc tham nhũng liên quan căn cứ hải quân Ream gần thành phố cảng Sihanoukville ở miền nam nước này.

Hai quan chức nói trên là Tư lệnh hải quân Campuchia - Đô đốc Tea Vinh, và Tổng cục trưởng Tổng cục Dịch vụ Kỹ thuật và Vật liệu thuộc Bộ Quốc phòng Campuchia - Tướng Chau Phirun.

Theo tờ Khmer Times, phản ứng với động thái mới nhất của Mỹ, Thủ tướng Hun Sen ngày 9-12 tuyên bố những lệnh cấm vận của Washington mang dấu hiệu của khuynh hướng chính trị hơn là bất kỳ ước muốn thực sự nào nhằm bảo vệ dân chủ theo phiên bản của Mỹ và tinh thần thượng tôn pháp luật.

“Những lệnh cấm vận chống lại tôi không khiến tôi quan ngại chút nào bởi tôi không có tiền trong các ngân hàng nước ngoài. Những lệnh cấm vận đó không có nghĩa đối với tôi” – ông  Hun Sen nhấn mạnh, đồng thời cho biết người Campuchia do lệnh cấm vận của Mỹ sẽ giữ tiền ở lại Campuchia để đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước.

Trong khi đó, phát ngôn viên chính phủ Campuchia Phy Siphan ngày 9-12 tuyên bố việc chính phủ Mỹ quyết định áp đặt thêm lệnh cấm vận lên Campuchia và không bán vũ khí cũng như thiết bị quân sự vì vấn đề nhân quyền, tham nhũng hay ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc ở Campuchia là sai lầm và không hợp lý, theo Khmer Times.

Phát ngôn viên Ủy ban Nhân quyền Campuchia Chin Malin nói rằng việc sử dụng các vấn đề nhân quyền, tinh thần thượng tôn pháp luật hay dân chủ để áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Campuchia là không có ý nghĩa, vì Campuchia đã và đang nỗ lực để thúc đẩy nhân quyền và dân chủ.

Các quan chức Mỹ từ hơn hai năm nay đã lên tiếng cảnh báo về việc sửa chữa căn cứ hải quân Ream.

Tờ The Wall Street Journal hổi năm 2019 loan tin một hiệp ước bí mật đã được ký kết cho phép Hải quân Trung Quốc sử dụng căn cứ này trong 30 năm. Chính phủ Campuchia sau đó đã lên tiếng bác bỏ, coi đó là “tin giả”.

Trong chuyến thăm Campuchia hồi tháng 6, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã cảnh báo nước chủ nhà rằng một căn cứ của Trung Quốc ở Campuchia sẽ tác động tiêu cực đến quan hệ giữa Phnom Penh và Washington.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm