Philippines dần 'tỉnh mộng' thân Trung Quốc

Theo hãng tin AFP ngày 5-5, trả lời phỏng vấn đài Super Radyo dzBB (Philippines) mới đây, người đứng đầu các lực lượng vũ trang Philippines - tướng Cirilito Sobejana cho biết đang lên kế hoạch xây dựng tiền đồn quân sự quy mô lớn trên Biển Đông. Ông nhấn mạnh công trình này sẽ giúp củng cố năng lực hậu cần trên biển đề phòng nổ ra xung đột quân sự, giúp cảnh sát biển nước này có thể tuần tra lâu hơn. Ông Sobejana nói điều này trong bối cảnh quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc (TQ) đang rất căng thẳng quanh vấn đề Biển Đông.
Trên Twitter hai ngày trước đó, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. chỉ trích cực gắt TQ và yêu cầu các tàu TQ đang hiện diện ở gần đá Ba Đầu (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Philippines tuyên bố chủ quyền trái phép) “cút ngay” khỏi đó. Dù sau đó ông Locsin có gửi lời xin lỗi tới Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị, các chuyên gia vẫn cho rằng việc hàng loạt quan chức Philippines lên tiếng cứng rắn với TQ cho thấy giới lãnh đạo nước này đang “phát ngán” trước hành vi gây hấn của lực lượng TQ ngoài thực địa.
Trung Quốc đang đi nước cờ sai lầm
Trong bài viết gần đây đăng trên tạp chí Foreign Policy, chuyên gia quốc phòng Derek Grossman thuộc Viện Rand Corporation (Viện nghiên cứu chính sách của chính phủ Mỹ) lưu ý rằng đây là sự thay đổi đáng kể trong tư duy ngoại giao của Philippines. Từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền vào năm 2016 đến nay, Philippines đã rất cố gắng siết chặt quan hệ với TQ.
Trong chuyến công du đầu tiên tới Bắc Kinh trong năm đó, ông Duterte thậm chí thông báo rằng “đã đến lúc nói tạm biệt với Washington”. Trong khi đe dọa dừng tập trận chung với Mỹ, ông Duterte hoan nghênh các thỏa thuận đầu tư thuộc khuôn khổ Sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI) của TQ, nhiều lần công khai gọi TQ là “người bạn tốt”.

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình (trái) tiếp đón Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (phải) trong chuyến thăm Bắc Kinh của ông Duterte hồi tháng
10-2016. Ảnh: REUTERS

Những phát ngôn kiểu này đã vơi dần trong vài tháng vừa qua, đặc biệt từ sau khi Mỹ có tổng thống mới là ông Joe Biden. Bài phát biểu của ông Duterte trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9-2020 có thể xem là một bước ngoặt quan trọng. Ông Duterte lúc đó tuyên bố phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò vô lý của TQ trên Biển Đông là “không thể thỏa hiệp” và sẽ sẵn sàng đối đầu với “các nỗ lực phá hoại phán quyết”. Đây là phát ngôn cứng rắn chưa từng thấy của ông Duterte - vốn trước đây thường né tránh đề cập tới tham vọng biển của TQ. TQ lúc đó cũng đang cho tàu vây quanh đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Philippines chiếm đóng trái phép) và cho tàu hải quân quay súng nhắm vào tàu chiến của Philippines.
“Có lẽ Philippines cuối cùng đã nhận ra TQ không phải là một đối tác tốt và việc phải đánh đổi an ninh chủ quyền quốc gia cho lợi ích kinh tế là một cái giá quá đắt. Bắc Kinh chỉ có thể tự trách mình vì vuột mất cơ hội kéo Philippines khỏi quỹ đạo của Mỹ” - ông Grossman nhận xét. 
 78
công hàm phản đối hành động của TQ trên Biển Đông đã được chính quyền Philippines gửi lên Liên Hợp Quốc hoặc gửi thẳng tới Bắc Kinh từ lúc Tổng thống Rodrigo Duterte nhậm chức vào năm 2016 đến tháng 4 năm nay, theo Foreign Policy.
Bên cạnh đó, kiểu hành xử hung hăng của TQ đã khiến ông Duterte dù có muốn cũng không thể thúc đẩy thêm bất kỳ chương trình nghị sự nào thân Bắc Kinh bởi tâm lý bài TQ đang ngày càng gia tăng trong lòng người dân Philippines. Về mặt chính trị, Quốc hội Philippines cũng không hề hài lòng với Tổng thống Duterte mỗi khi nhà lãnh đạo này từ chối chống lại TQ và tỏ ý muốn cắt đứt mối quan hệ truyền thống với Mỹ. Đơn cử, trong vụ tàu TQ đâm chìm tàu cá Philippines gần bãi Cỏ Rong (phía đông bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) hồi tháng 9-2019, việc ông Duterte gần như giữ im lặng lúc đó đã khiến một loạt thượng nghị sĩ Philippines chỉ trích ông là “bù nhìn của TQ” và gọi đường lối lãnh đạo của ông là “phòng thủ phản quốc”.
Philippines muốn quay lại với Mỹ
Có thể thấy với một TQ ngày càng quyết đoán trên biển và không hề có ý định bảo vệ quan hệ với Philippines, chính quyền ông Duterte thực sự không còn cách nào khác ngoài việc xích lại với Mỹ. Sau một số sóng gió xảy ra dưới thời tổng thống Mỹ Donald Trump như vụ Philippines đơn phương chấm dứt Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA) cho phép binh sĩ Mỹ đóng quân trên lãnh thổ Philippines vào năm ngoái, việc Philippines và Mỹ nối lại cuộc tập trận chung Balikatan vừa rồi là một chỉ dấu cho thấy sự hòa giải giữa hai đồng minh này. Washington cũng đã rất nhanh chóng ủng hộ Manila cùng phản đối tàu TQ xuất hiện tại đá Ba Đầu.
Trên thực tế, ông Duterte trong chuyến thăm căn cứ không quân liên quân Mỹ - Philippines ở TP Angeles hồi tháng 2 cũng đã có nhiều phát biểu ngầm xác nhận ông đã bị các quan chức thuyết phục về tầm quan trọng của quân đội Mỹ tại Philippines. “Tình thế hiện tại đòi hỏi quân đội Mỹ phải tiếp tục hiện diện tại đây. Tôi thấy như thế cũng được” - ông Duterte nói lúc đó.
“Mỹ và Philippines có thể sẽ sớm nối lại thỏa thuận mới về khôi phục VFA. Ông Duterte không còn là cơn đau đầu quá lớn của Washington mà đang trở thành cơn đau đầu của Bắc Kinh. Đây sẽ là sự hỗ trợ tích cực cho chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nếu nước này tiếp tục thể hiện khả năng cung cấp năng lực bảo vệ an ninh cho Philippines” - theo chuyên gia Grossman.•
Khó chấm dứt hoàn toàn quan hệ
Trên thực tế, theo tờ The Nikkei, dù đã thay đổi quan điểm về TQ nhưng Tổng thống Rodrigo Duterte vẫn rất khó chấm dứt hoàn toàn quan hệ thân thiết với Bắc Kinh bởi ông cần sự ủng hộ của TQ để kéo dài di sản chính trị của mình. Hiện Philippines đang phải vật lộn trước làn sóng bùng phát lây nhiễm COVID-19, buộc chính quyền phải phong tỏa trong hai tuần tại nhiều khu vực, trong đó có thủ đô Manila. Điều này đe dọa mục tiêu phục hồi kinh tế của chính phủ ông Duterte, sau khi Philippines ghi nhận mức suy giảm GDP kỷ lục 9,6% trong năm 2020. Nếu giữ được quan hệ với TQ, Philippines có thể nhận thêm viện trợ kinh tế và vaccine.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm