Philippines: Thảo luận lại phán quyết năm 2016 là 'vô nghĩa'

Theo báo South China Morning Post, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin hôm 22-7 đã bác bỏ lời kêu gọi chính phủ nước này đưa phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc ra thảo luận tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, dự kiến sẽ họp vào tháng 9 tới.

Ông Locsin cho rằng việc thảo luận lại về vụ kiện là "vô nghĩa", bởi Philippines đã chiến thắng.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. Ảnh: REUTERS

"Tạo sao chúng ta lại muốn thảo luận lại thứ mà chúng ta đã thắng? Các bạn không thích chiến thắng đó sao?" - ông Locsin nói, đáp lại lời kêu gọi của cựu ngoại trưởng Albert del Rosario rằng Philippines nên đưa phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế ra Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

"Chúng ta biết luật pháp đứng về phía chúng ta, Tòa Trọng tài đứng về phía chúng ta" - Ngoại trưởng Locsin nói.

Trả lời câu hỏi về cách chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte duy trì một chính sách đối ngoại cân bằng và độc lập, ông Locsin nói rằng họ đã thực hiện điều đó một cách “xuất sắc”, nhấn mạnh rằng “địa lý đã quyết định số phận của Philippines, số phận của chúng tôi là trở thành một cường quốc cân bằng và độc lập”.

Phát biểu hôm 22-7 của Ngoại trưởng Locsin đã vấp phải sự chỉ trích từ cựu Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Lauro Baja, người từng hai lần đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Bà Baja cho rằng Philippines đã không đạt được "quan hệ kinh tế hiệu quả" với Trung Quốc "sau 4 năm tạm gác lại phán quyết".

"Chúng ta lẽ ra nên đưa vụ việc ra Liên Hợp Quốc ngay trong năm Trung Quốc bác bỏ phán quyết, để tìm ra những cách kiềm hãm sự không khoan nhượng của Trung Quốc. Chúng ta có luật pháp ủng hộ" - bà Baja trao đổi với South China Morning Post.

Trước đó, Ngoại trưởng Locsin ngày 12-7 đã khẳng định phán quyết của Tòa Trọng tài là một "dấu mốc" lịch sử và "không thể thương lượng".

Đại sứ quán Trung Quốc sau đó đã lập tức phản ứng trước tuyên bố trên, nhắc lại rằng Trung Quốc sẽ không thừa nhận vụ kiện cũng như phán quyết của Tòa Trọng tài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm