Tờ Rappler ngày 12-7 dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. tuyên bố Manila sẽ luôn tuân thủ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) về tranh chấp chủ quyền Biển Đông và không thỏa hiệp, nhượng bộ Trung Quốc.
“Phán quyết là không thể thỏa hiệp. PCA đã bác bỏ toàn bộ các yêu sách chủ quyền và cái gọi là quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ở Biển Đông. Chúng không có cơ sở pháp lý” - ông Locsin Jr. nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. tham gia thượng đỉnh châu Á-EU tại thủ đô Brussels, Bỉ vào tháng 10-2018. Ảnh: AFP
Quan chức này còn nêu rõ rằng phán quyết 2016 không chỉ là thắng lợi cho Philippines mà còn cho tất cả các nước nào tuân thủ luật pháp quốc tế.
Việc chấp hành đúng phán quyết là phù hợp với các nghĩa vụ của Manila và Bắc Kinh với tư cách là hai nước thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
“Philippines, là một thành viên tuân thủ pháp luật, yêu hòa bình và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, khẳng định cần phải giữ vững phán quyết và thực thi mà không có khả năng thỏa hiệp hay thay đổi. Quyết định đó là không thể đàm phán” - Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. nêu rõ.
Theo Rappler, đây là tuyên bố mạnh mẽ nhất mà Philippines đưa ra cho tới nay nhân kỷ niệm bốn năm ngày PCA đưa ra phán quyết nói trên.
Trung Quốc lâu nay từ chối công nhận và thi hành phán quyết, chỉ trích toà thiên vị và thiếu công bằng.
Nước này tăng cường các hoạt động quân sự hoá Biển Đông, đẩy mạnh yêu sách chủ quyền phi pháp khi hồi tháng 4 tuyên bố thành lập cái gọi là hai quận đảo Tây Sa và Nam Sa trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Mới đây, Trung Quốc thậm chí còn tổ chức diễn tập trái phép gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ ngày 1-7 đến ngày 5-7, ngang nhiên cấm tàu thuyền các nước khác di chuyển lại gần khu vực tập trận.
Về phía Việt Nam, trong cuộc họp báo ngày 2-7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định việc Trung Quốc tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này và đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Hành động của Trung Quốc cũng gây phức tạp thêm tình hình hiện tại, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực.
"Việt Nam đã giao thiệp, trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc không lặp lại những hành vi tương tự trong tương lai” - bà Hằng nhấn mạnh.