'Quả cân' luận tội vẫn lơ lửng trên đầu ông Trump

Tổng thống Donald Trump đã chính thức mãn nhiệm sau khi người kế nhiệm Joe Biden tuyên thệ nhậm chức hôm 20-1. Ông Trump hiện đã rời thủ đô nhưng khả năng lớn là ông sẽ còn phải quay lại khi đảng Dân chủ vẫn đang tích cực xúc tiến tiến trình luận tội cựu lãnh đạo này. 

Tổng thống Donald Trump cùng vợ lên máy bay sau khi kết thúc lễ chia tay ở căn cứ không quân Andrews, bang Maryland (Mỹ) ngày 20-1. Ảnh: REUTERS

Dân chủ, Cộng hòa họp bàn xét xử ông Trump
Hiện Hạ viện vẫn chưa gửi điều khoản luận tội sang Thượng viện. Một nguồn tin của hãng tin Politico cho biết Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi có thể sẽ gửi văn bản này sớm nhất là vào ngày 22-1 với nội dung cáo buộc ông Trump kích động bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội (QH).
Theo Politico, lãnh đạo hai phe Cộng hòa và Dân chủ tại Thượng viện, hai thượng nghị sĩ Mitch McConnell và Chuck Schumer, được cho là đang bàn thảo triển khai phiên xét xử luận tội ông Trump và các phương án dự kiến. Một trong những đề nghị của ông McConnell là hoãn việc xét xử đến hôm 28-1 và cho đội ngũ ông Trump hai tuần kể từ ngày đó để chuẩn bị. 
Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Cornyn tiết lộ các nghị sĩ đảng này thống nhất rằng ông Trump cần được cho thời gian thực hiện “các thủ tục chính đáng”. Theo ông Cornyn, “sẽ không có phiên xét xử nào cho đến giữa tháng 2 tới”. Một phát ngôn viên của ông Schumer xác nhận thông tin này và cho biết ông Schumer sẽ bàn lại trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. 
Politico cho rằng việc đảng Dân chủ chịu cân nhắc một ý kiến từ đảng đối lập và đồng ý ngồi xuống thảo luận cho thấy đã có sự chuyển biến mới trong quan hệ lưỡng đảng ở Thượng viện. Trong lần xét xử luận tội ông Trump đầu tiên đầu năm 2020, hai đảng gần như không tìm được tiếng nói chung với đỉnh điểm là việc phe Cộng hòa ở Thượng viện bác bỏ toàn bộ 11 nội dung phe Dân chủ muốn thêm vào kế hoạch tổ chức phiên xét xử vì cho rằng phe Cộng hòa quá thiên vị ông Trump. 
Tuy nhiên, trong bối cảnh ông Biden vừa nhậm chức, việc duy trì đồng thuận lưỡng đảng ở QH là điều tối quan trọng. Dù là phe thiểu số tại Thượng viện, đảng Cộng hòa vẫn đang nắm 50 ghế ngang bằng với đảng Dân chủ. Đảng Dân chủ hiểu rõ họ cần sự hợp tác của đảng Cộng hòa nếu muốn thúc đẩy chương trình nghị sự và phê chuẩn nhân sự mới cho chính quyền ông Biden. 
Theo Reuters, ông Trump được cho là đã thuê ông Butch Bowers, một luật sư ở bang South Carolina, làm đại diện pháp lý và biện hộ trong phiên xử luận tội tại Thượng viện. Ông Bowers trước đó cũng đã từng đại diện cho các cựu thống đốc đảng Cộng hòa và phục vụ trong Bộ Tư pháp Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush.  
Các kịch bản có thể xảy ra sắp tới
Câu hỏi lớn nhất hiện nay vẫn là liệu việc xét xử ông Trump lúc này có vi phạm hiến pháp Mỹ không, vì ông đã không còn là tổng thống nữa. Về phía đảng Cộng hòa, thượng nghị sĩ Tom Cotton mới đây ra thông cáo tuyên bố phản đối theo đuổi việc luận tội ông Trump vì hiến pháp nêu rõ Thượng viện chỉ xét xử và phế truất tổng thống đương nhiệm, không phải người đã mãn nhiệm, đài NPR đưa tin. 
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, đồng minh lâu năm của ông Trump, cũng phản đối và cho rằng việc luận tội là hành động báo thù chính trị phi hiến pháp, cản trở sự hàn gắn của đất nước. Ông Graham sau đó cũng đã gửi thư đề nghị ông Schumer tổ chức cho Thượng viện bỏ phiếu bác điều khoản luận tội của Hạ viện. 
Dù vậy, hãng tin Reuters dẫn lời một số chuyên gia cho rằng tùy mục tiêu mà đảng Dân chủ có thể có hướng giải quyết khác không bị tố là xâm phạm hiến pháp. Theo GS Bruce Ackerman thuộc ĐH Yale và GS Gerard Magliocca thuộc ĐH Indiana (Mỹ), nếu đảng này đơn giản chỉ muốn ngăn đường tái tranh cử của ông Trump năm 2024 thì khoản 3 trong Tu chính án số 14 quy định một người có thể bị cấm giữ chức vụ liên bang nếu người đó tham gia bạo loạn chống lại hiến pháp. Các nghị sĩ QH có thể dựa vào đây để bỏ phiếu cấm ông Trump tái tranh cử. Việc bỏ phiếu chỉ cần 2/3 nghị sĩ tại Hạ viện và Thượng viện thông qua. 
Về phía chính quyền ông Biden, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 20-1 cho biết tân tổng thống sẽ để QH toàn quyền quyết định việc có nên luận tội người tiền nhiệm của mình hay không, theo đài CNN.•
Một nghị sĩ Cộng hòa muốn luận tội ông Biden
Tờ The Hill đưa tin hạ nghị sĩ Cộng hòa Marjorie Greene hôm 21-1 bất ngờ công bố điều khoản luận tội tân Tổng thống Joe Biden với cáo buộc ông có những thỏa thuận ngầm với Ukraine và lạm dụng quyền lực khi để cho con trai Hunter trục lợi từ “những kẻ thù lớn nhất của Mỹ là Nga và Trung Quốc”.
Bà Greene cáo buộc ông Biden lạm quyền trong thời gian làm phó tổng thống dưới thời ông Barack Obama. Cụ thể, ông Biden dọa hoãn một khoản vay cho Ukraine nếu nước này không cách chức công tố viên Viktor Shokin đang điều tra hoạt động của Công ty năng lượng Burisma, trong đó ông Hunter là thành viên hội đồng quản trị. Ông Biden từng thừa nhận việc dọa cắt khoản vay cho Ukraine nhưng chỉ nhằm yêu cầu ông Shokin điều tra nghi án tham nhũng của các quan chức Ukraine, không phải nhằm buộc ông này ngừng điều tra hoạt động kinh doanh của ông Hunter.
Trong quá trình vận động tranh cử năm ngoái, ông Trump đưa ra những cáo buộc rằng ông Hunter đã có những quan hệ làm ăn và nhận nhiều nguồn lợi từ Trung Quốc. 
Giới quan sát nhận định yêu cầu luận tội ông Biden của hạ nghị sĩ Greene nhiều khả năng sẽ không gây được ảnh hưởng đáng kể nào, vì đảng Dân chủ đang kiểm soát lưỡng viện QH.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm